07:13 10/07/2019

'Sức ì' của doanh nghiệp trong đón bắt EVFTA

Tại hội thảo "Nhận diện cơ hội kinh doanh - đầu tư trong bối cảnh EVFTA dự kiến sớm được thông qua", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức sáng 10/7, tại Hà Nội, các đại biểu nhận định, còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thờ ơ và có “sức ì” lớn trong việc chuẩn bị đón bắt những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

 

Chú thích ảnh
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Đa biên (Bộ Công Thương) tại Hội thảo.

Doanh nghiệp vẫn thiếu sự chủ động

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, việc cùng lúc Việt Nam ký nhiều FTA, triển khai nhiều hiệp định... sẽ tạo ra nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức. Các Hiệp định có hình thức và mức độ cam kết khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp trong việc làm thế nào để hiểu rõ các cam kết của Hiệp định. Khi VCCI yêu cầu phải có văn bản hướng dẫn chi tiết thực thi các FTA, thì đây là thách thức không nhỏ với các cơ quan quản lý.

“Nói nôm na, FTA là cơ hội lớn thì cũng giống như cùng một lúc chúng ta có rất nhiều thang thuốc bổ, sẽ có 2 khả năng xảy ra: Nếu cơ thể chúng ta đủ mạnh, hấp thu tốt thì sẽ có nhiều cơ hội, nhưng nếu cơ thể yếu thì vô hình chung, sẽ là lợi bất cập hại. Là cơ quan thực thi tôi cũng rất lo ngại”, ông Ngô Chung Khanh chia sẻ.

Ông Ngô Chung Khanh cũng bày tỏ lo ngại về sự chủ động của doanh nghiệp khi đón nhận các FTA, trong đó có EVFTA. Đại diện Bộ Công thương cho biết, ngay từ ký kết hiệp định CPTPP, Bộ đã rất lo ngại. Khi Thủ tướng ban hành quyết định thực hiện hiệp định CPTPP, yêu cầu bộ ngành địa phương xây dựng kế hoạch hành động gửi cho Bộ Công Thương tổng hợp,  Bộ chỉ nhận được rất ít phản hồi từ các địa phương. Thủ tướng lại tiếp tục có chỉ thị các bộ ngành, địa phương gửi kế hoạch hành động về Bộ, nhưng đến bây giờ Bộ cũng chưa nhận được đầy đủ kế hoạch hành động của các bộ ngành, địa phương.

“Kế hoạch hành động là để giúp tận dụng cơ hội, biến lợi ích thành hiện thực, nên nếu các cơ quan chủ quản vẫn tiếp tục chậm trễ khi triển khai EVFTA như với CPTPP thì những cơ hội có thể sẽ chỉ còn trên giấy”, ông Ngô Chung Khanh khẳng định.

Cùng quan điểm, đại diện Ban Quốc tế, VCCI cho biết, doanh nghiệp Việt vẫn “lười” học hỏi. Ngay cả khi Ban Quốc tế kêu gọi được kinh phí để tổ chức những khóa tập huấn, khóa học cho doanh nghiệp  thì khi mời doanh nghiệp tham dự cũng giống như đi “xin”, doanh nghiệp quan tâm rất ít.

“Ngay cả những khi có các cuộc tập huấn vô cùng thiết thực như việc xuất khẩu cá tầm sang Thái Lan thì yêu cầu những gì, các đơn vị cạnh tranh ra sao... thì khi đi giới thiệu, từ quản lý địa phương tới doanh nghiệp đều không mặn mà; hoặc gửi thư, phiếu lấy ý kiến các doanh nghiệp thì hầu như không có phản hồi, rất khó khăn”, đại diện này cho biết.

Cần làm gì để tận dụng cơ hội?

Bà Magdalena Clesielska, Phó trưởng ban kinh tế thương mại phái đoàn EU, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết, EVFTA là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam, mở ra thị trường lớn với thuế suất giảm nhiều, 99% dòng thuế giảm mức 0% và EU chiếm dân số 500 triệu dân, 20% GDP toàn cầu, thông qua EVFTA là cơ hội thu hút các khoản đầu tư mới vào Việt Nam và Việt Nam có cơ hội xuất sang Châu Âu những sản phẩm có lợi thế như thủy hải sản, lâm sản, dệt may...

Nhưng để tận dụng được những cơ hội này, doanh nghiệp cần phải làm gì? Theo đại diện Bộ Công Thương, điều đầu tiên doanh nghiệp phải làm là chuẩn bị ngay để tận dụng các lợi thế càng sớm càng tốt bởi EVFTA có thời gian cắt giảm thuế lộ trình ngắn. Cùng đó, bản thân các doanh nghiệp cần quan tâm chi tiết hơn, sát hơn với thực tiễn như quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật... Hiện nhiều doanh nghiệp mới chỉ lưu ý đến thuế, mà chưa quan tâm rộng hơn như quá trình làm thủ tục để đến được với người tiêu dùng châu Âu...

Chú thích ảnh
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, doanh nghiệp cần định hướng thị trường của mình trong bối cảnh mới, nhằm vào các thị trường có thuế quan, mức độ tự do cao nhất đồng thời phải tìm hiểu và đáp ứng các yêu cầu của các thị trường này.

“Cơ hội đang mở ra của EVFTA nhưng cũng có nhiều thách thức và rủi ro lớn, vì vậy doanh nghiệp cần có tầm nhìn toàn diện hơn và kèm theo những biện pháp phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh thế giới thay đổi. Doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh hợp lý để tận dụng tối đa lợi thế của nhiều FTA khi có hiệu lực. Doanh nghiệp cần chủ động và chủ động hơn nữa”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

 

Bài, ảnh: Thu Trang (Báo Tin tức)