05:06 28/05/2014

Sức ép đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Trong năm 2014 - 2015, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ phải thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành. Đây là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Trong năm 2014 - 2015, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ phải thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành. Đây là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.


Phải thoái gần 22.000 tỷ đồng


Tháng 7/2012, tại Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ đã nêu rõ: Việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu DNNN. Từ nay đến 2015, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường. Tổng số vốn phải thoái là gần 22.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2013 mới thoái được hơn 4.000 tỷ đồng, bằng 19% số vốn phải thoái. Như vậy, những vướng mắc trong việc thoái vốn nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa và tái cơ cấu DNNN.

 

EVN là một trong những tập đoàn phải thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Trong những năm vừa qua, việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như các DNNN “vướng” về nguyên tắc "bảo toàn vốn", thị trường suy giảm… Tại Hội nghị tái cơ cấu DNNN vừa qua, các lãnh đạo DN phản ánh, tốc độ thoái vốn chưa được như kế hoạch không chỉ là do thị trường trầm lắng, mà cái khó của DN là tìm nhà đầu tư chiến lược, là thoái vốn làm sao cho hiệu quả và không thất thoát tài sản.


Ông Trần Ngọc Thuần, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam dẫn chứng: Tập đoàn đang rất muốn thoái vốn của một dự án đầu tư ở Campuchia để thu vốn về, cho dù dự án này đang rất hiệu quả nhưng việc bán cổ phần vẫn khó khăn. Cũng theo ông Thuần, có những dự án nằm trong diện phải thoái vốn, nhưng lại chưa hoàn thành giai đoạn xây dựng cơ bản nên chưa bán được. Những khó khăn khác nữa mà các DN cho biết là vướng về cách tính giá trị sử dụng đất, rồi xác định giá trị lợi thế thương hiệu… Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV chia sẻ, trong quá trình thoái vốn, các DN ngoài những khó khăn tìm đối tác còn gặp lực cản do dự án hoặc DN đó đang tồn tại tình trạng sở hữu chéo…


Cởi nút thắt ra sao?


So với mục tiêu năm 2015 mà Chính phủ đặt ra, chỉ còn khoảng một năm nữa để các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành.


Để giải tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên và đẩy nhanh tiến độ thoái 17.633 tỷ đồng vốn ngoài ngành đến hết năm 2015, Nghị quyết 15/2014/NQ - CP của Chính phủ đã đề ra nhiều định hướng cụ thể để thực hiện mục tiêu này. Điểm mấu chốt nhất của Nghị quyết này là cho phép doanh nghiệp thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định. Đây được xem là giải pháp quan trọng giúp cởi nút thắt cản trở việc thoái vốn diễn ra trong suốt mấy năm qua, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thực sự khởi sắc.


Bên cạnh điểm quan trọng trên, Chính phủ đã cho phép các DNNN được chủ động trong việc xây dựng phương án thoái vốn. Thứ nhất là cho doanh nghiệp được quyền chủ động thoái vốn như đấu giá cổ phần công khai tại các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chào bán ra công chúng số cổ phần mà DNNN đã đầu tư tại các công ty đại chúng. Thứ hai, đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có thể giao cho các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm đại diện chủ sở hữu.


Tuy nhiên, đối với việc Chính phủ giao Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành của các DNNN sau khi đã thực hiện các biện pháp thoái vốn không thành công cũng còn có nhiều ý kiến băn khoăn. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh SCIC cũng đang phải “chật vật” thoái vốn các khoản đầu tư đang nắm giữ, việc SCIC sẽ mua lại khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nếu không được giám sát chặt chẽ, minh bạch cũng rất dễ khiến dòng vốn Nhà nước bị ứ đọng khi năng lực của cơ quan này có giới hạn.


Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, về mặt lý thuyết, việc thoái vốn ra thị trường khó khăn thì chuyển về SCIC thì cũng như một số quốc gia đã áp dụng. “Nhưng năng lực của SCIC đến đâu và họ có kế hoạch thoái khoản đầu tư này ra ngoài thị trường thế nào thì giới chuyên gia cũng chưa thể đánh giá nổi”, vị chuyên gia này băn khoăn.


Với những vấn đề còn tồn tại như trên, theo các chuyên gia kinh tế, việc thoái vốn có thể diễn ra nhanh hơn nhưng có thể khiến cho tỷ lệ cổ phần của Nhà nước nắm giữ không giảm. Vốn Nhà nước chỉ chuyển từ các DNNN sang các đầu mối chủ quản khác thuộc Nhà nước.


Thu Hường