09:15 24/09/2021

Sức dân nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Những bếp ăn thấm đẫm nghĩa tình

Trong nhiều tháng qua, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nơi đây.

Với tinh thần “tương thân, tương ái”, nặng nghĩa đồng bào, đông đảo người dân TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động chia sẻ, thiện nguyện, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch; chung tay thực hiện và nhân rộng nhiều hoạt động, mô hình hỗ trợ nhằm san sẻ bớt gánh nặng, góp phần chăm lo cho các lực lượng tuyến đầu, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch. Từ đó, phát huy sức mạnh cộng đồng và truyền thống nhân ái, nghĩa tình của nhân dân thành phố mang tên Bác, góp sức đưa Thành phố sớm chiến thắng đại dịch, trở lại cuộc sống bình thường.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 5 bài viết với chủ đề “Sức dân ở nơi tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh”, nhằm ghi nhận những hoạt động mang đậm tính nhân văn, lan tỏa tình yêu thương, nghĩa tình đồng bào nơi tâm dịch COVID-19.

Bài 1: Những bếp ăn thấm đẫm nghĩa tình  

Chú thích ảnh
Đại diện Bếp cơm Trương Hải trao các suất ăn miễn phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch làm nhiệm vụ tại thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Giữa lúc tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp, người dân thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hoạt động tạm dừng nhưng vẫn có những căn “bếp ăn nghĩa tình”, “bếp ăn miễn phí” vẫn luôn đỏ lửa, hoạt động hết công suất để mỗi ngày gửi hàng chục nghìn suất ăn nghĩa tình đến lực lượng tuyến đầu chống dịch, người có hoàn cảnh khó khăn.

Những suất cơm ấm tình người

Cầm suất ăn với đầy đủ cơm, thịt, canh vẫn còn nóng trên tay, chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền (42 tuổi, quê Sóc Trăng), trú ở phường Trường Thọ (thành phố Thủ Đức) xúc động chia sẻ, đã nhiều tuần qua, hai vợ chồng chị mới thật sự có được những bữa cơm ngon nhờ sự hỗ trợ của phường và các nhà hảo tâm.

Rời quê hương lên TP Hồ Chí Minh làm công nhân cho một xưởng dệt may, thời gian đầu, thu nhập của hai vợ chồng chị Huyền cũng đủ chi tiêu và gửi về quê lo cho hai con ăn học. Nhưng rồi, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến anh chị rơi vào cảnh không có việc làm. Anh chị không còn cách nào khác đành phải "thắt lưng, buộc bụng" hết mức có thể, mỗi ngày chỉ dám ăn hai bữa, thức ăn không có gì ngoài đĩa rau luộc và vài miếng cá kho.

“Lúc trước, so với nhiều gia đình trong xóm, vợ chồng tôi vẫn được xem là có công việc ổn định nên có thể tự lực cánh sinh, nhưng nay hoàn cảnh ngặt nghèo quá, chỉ có thể dựa vào sự đùm bọc của cộng đồng. Rất may, xóm trọ của tôi được nhiều bếp ăn thiện nguyện giúp đỡ bữa cơm hàng ngày, cùng những khoản trợ cấp từ chính quyền và các tổ chức xã hội. Đến nay, cuộc sống người dân đã dần ổn định. Nhất định khi đại dịch kết thúc, chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc để gầy dựng lại cuộc sống”, chị Huyền tâm sự.

Những suất cơm mà chị Huyền và những người cùng cảnh ngộ nhận mỗi ngày được Bếp cơm Trương Hải tổ chức nấu và phân phát miễn phí từ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh đến nay.  

Gần ba tháng qua, Bếp cơm Trương Hải do bà Trương Thị Thanh Hải (61 tuổi, trú tại phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức) thành lập đã nấu và gửi hàng nghìn suất ăn miễn phí hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch, người dân trong khu phong tỏa tại phường Trường Thọ, sinh viên công nhân và người lao động khó khăn trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

Bà Trương Thị Thanh Hải chia sẻ, mục đích ban đầu bà lập nên Bếp cơm Trương Hải để nấu cơm chay từ thiện vào ngày mùng 1 và ngày Rằm hàng tháng. Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chứng kiến hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn từ cái ăn đến cái mặc của nhiều người dân nghèo, bà đã bàn với các thành viên trong nhóm, ngoài những suất cơm chay như thường lệ, sẽ tổ chức nấu thêm các món mặn theo ngày để hỗ trợ người dân và lực lượng tuyến đầu.
 
Lúc đầu, bà Trương Thị Thanh Hải cùng các thành viên tự bỏ tiền túi của mình để mua nguyên liệu, trái cây chế biến các suất ăn. Sau một thời gian hoạt động, Bếp cơm Trương Hải bắt đầu nhận được sự hỗ trợ nhu yếu phẩm từ Ủy ban nhân dân, các tổ chức đoàn thể cùng nhiều tổ chức, nhà hảo tâm. Nhờ đó, bếp có thể duy trì đều đặn mỗi ngày nấu khoảng 300 - 400 phần ăn với đa dạng các món như cơm, xôi, bánh mì, bún… giúp các suất ăn phong phú và đủ chất hơn.

Bà Hải cho biết: khi Thành phố bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tăng cường, người dân hạn chế ra khỏi nhà, thành viên của Bếp cơm Trương Hải bắt đầu chia việc để mỗi người tự nấu tại nhà rồi gửi cho các lực lượng thanh niên tình nguyện đi giao hộ. Tuy công việc có khó khăn hơn nhưng mỗi thành viên của Bếp cơm Trương Hải đều không nề hà để có thể đều đặn mỗi ngày gửi những suất ăn đến tận nơi, tận tay người cần.

“Tôi và các chị em trong nhóm may mắn được gia đình, người thân ủng hộ, phụ giúp và làm chỗ dựa tinh thần nên không thấy mệt mà ngược lại còn tràn đầy năng lượng vì mỗi người nhận thấy sự cố gắng của mình đã phần nào góp sức cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Hiện tại, chúng tôi chỉ mong tiếp tục có điều kiện để duy trì bếp ăn vì thành phố, đất nước còn chống dịch lâu dài, lực lượng làm nhiệm vụ và người dân khó khăn vẫn cần sự giúp đỡ”, bà Hải nói.

Hơn 2 tháng qua, cứ đúng 8 giờ hằng ngày là nhóm Bếp từ thiện Nhà B gồm những cư dân sống tại nhà B, lô C-D của chung cư Bình Khánh (phường An Phú, thành phố Thủ Đức) lại tất bật nấu nướng, sơ chế thức ăn, rau củ… để chuẩn bị hàng trăm suất ăn trưa thiện nguyện gửi đến lực lượng tuyến đầu đang làm việc các bệnh viện dã chiến và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đến 13 giờ hằng ngày, các thành viên lại bắt tay vào nấu nướng để đến 16 giờ tiếp tục chuyển đi cho kịp giờ ăn tối của các y bác sĩ, người dân.

Theo anh Trần Thiên Trường, Trưởng nhóm Bếp từ thiện Nhà B, ý tưởng thành lập nhóm bắt đầu từ lúc anh và một số cư dân ở chung cư Bình Khánh biết tin thành phố Thủ Đức sắp mở bệnh viện dã chiến gần khu mình đang sống. “Sau khi tôi đăng lời kêu gọi lên nhóm Facebook của khu nhà B chung cư, lập tức nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của bà con, mỗi người đóng góp theo sức mình vào quỹ. Ngay đêm đó, chúng tôi tiến hành xin phép lực lượng chức năng và liên hệ với lãnh đạo bệnh viện để xác định chính xác phần cơm sẽ đưa đến, qua ngày hôm sau là bắt tay vào làm luôn”, anh Trường chia sẻ.

Anh Trường cho biết, thời gian đầu, do kinh phí còn khiêm tốn, nhóm phải tận dụng mọi thứ sẵn có từ dụng cụ nấu bếp đến phương tiện di chuyển của các thành viên. Sau đó, dự án bắt đầu lan tỏa, nhiều cá nhân, tổ chức trên khắp đất nước biết đến nhóm, ủng hộ tiền, thực phẩm, nhu yếu phẩm và cả xe bán tải, giúp nhóm dần mở rộng quy mô hoạt động, từ 50 suất ăn hỗ trợ bữa tối mỗi ngày tăng lên 400 suất hỗ trợ xuyên ngày. Ngoài những suất cơm, nhóm còn gửi kèm thêm nhu yếu phẩm như sữa, gạo, viên sủi, khẩu trang, nước suối, nước tăng lực… nhằm giúp người dân nâng cao sức khỏe, tự bảo vệ bản thân. Đến nay, nhóm đã gửi hơn 20.000 suất cơm nóng, hàng chục tấn gạo, sữa, rau củ quả tươi và hàng nghìn vật dụng thiết yếu đến các bệnh viện, người nghèo, hộ khó khăn…
 
“Tuy có khó khăn nhưng các thành viên đều đồng lòng với nhau nên không ai cảm thấy cực mà càng quyết tâm duy trì và giúp đỡ được nhiều người hơn”, anh Trường nói.
 
Những ngày này, mặc cho tiết trời se lạnh vì những cơn mưa nặng hạt, các khu xóm trọ ở thành phố Thủ Đức vẫn tràn đầy sự ấm áp khi đều đặn mỗi ngày lại có nhiều chuyến xe nghĩa tình của Bếp từ thiện Nhà B cùng nhiều nhóm thiện nguyện khác mang những phần cơm ấm nóng, thấm đượm yêu thương đến hỗ trợ những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua.

“Đỏ lửa” để lan tỏa yêu thương

Chỉ vừa hoạt động chính thức từ ngày 1/9 tới nay, bếp ăn tiếp sức “Chung tay vì cộng đồng” tại khu dân cư Bình Hưng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) do Hội tình nguyện “Chung tay vì cộng đồng” phối hợp với hệ thống giáo dục Tuệ Đức thành lập đã gửi hàng nghìn phần ăn miễn phí đến các y bác sĩ đang làm việc tại các Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn.

Theo chia sẻ của chị Cao Thị Ngọc Trầm, bếp trưởng của bếp ăn “Chung tay vì cộng đồng”, mỗi ngày, bếp sẽ chuẩn bị khoảng 800 - 900 phần ăn sáng và ăn trưa để chuyển đến cho lực lượng tuyến đầu ở các bệnh viện. Để kịp giờ ăn sáng của các y bác sĩ trước khi bước vào ca trực, các thành viên của bếp ăn phải chuẩn bị nấu nướng từ lúc 3 giờ hàng ngày. Mỗi người mỗi việc, người sơ chế, người nấu, người nêm nếm thức ăn, người đóng gói… Khoảng 5 giờ 30, khi trời vừa hửng sáng, các thành viên nhóm lại tất bật giao các suất ăn đến bệnh viện để khi đến tay các y bác sĩ,  món ăn vẫn còn nóng hổi. Sau đó, mọi người tranh thủ nghỉ ngơi, đến 8 giờ lại nấu tiếp bữa trưa.

Chị Trầm cho biết, trước đây, các tình nguyện viên sau khi hoàn thành công việc sẽ về nhà, nhưng khi TP Hồ Chí Minh siết chặt việc di chuyển để chống dịch, nhóm bắt đầu thực hiện “3 tại chỗ” với 20 tình nguyện viên ăn ngủ, làm việc luôn tại khu vực đặt bếp. Do số lượng tình nguyện viên hạn chế, ngoài việc nấu nướng, mọi người còn phải kiêm luôn việc bốc dỡ thực phẩm, đóng gói và giao hàng. Công việc kéo dài từ sáng sớm đến nửa đêm nhưng các thành viên đều rất lạc quan, tích cực, không phàn nàn, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
“Đại dịch chưa biết khi nào kết thúc, nếu không giữ vững tinh thần, làm sao tiếp tục chiến đấu? Không chỉ cho bản thân, chúng tôi còn mong muốn lan tỏa năng lượng tích cực cho lực lượng tuyến đầu. Vì vậy, trong mỗi suất ăn, chúng tôi lại gửi kèm thêm những bức tranh ghi lời cảm ơn, lời động viên đến các y bác sĩ đang tham gia chống dịch. Mong rằng đây sẽ là những khích lệ nhỏ cho các y bác sĩ vững tâm, sớm đẩy lùi dịch bệnh”, chị Trầm chia sẻ.

Trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, Bếp ăn từ thiện Phú Long (huyện Nhà Bè) do Tập đoàn Sovico, Công ty Phú Long thành lập với sự đồng hành của Hội từ thiện Tường Nguyên, Quỹ Phúc Tâm đã triển khai chương trình “Bữa cơm yêu thương”, cung cấp hơn 600.000 suất cơm cùng hàng chục tấn lương thực, thực phẩm đến y bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên toàn thành phố.

Theo chị Trần Thị Nhung, tình nguyện viên của Bếp ăn từ thiện Phú Long, trước đây, bếp ăn chỉ hoạt động mỗi cuối tuần để gửi các suất cơm miễn phí đến các khu lao động nghèo. Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, không ngày nào là bếp ăn không đỏ lửa để phục vụ các phần cơm thiện nguyện cho người nghèo, bệnh nhân COVID-19 và các lực lượng tuyến đầu…

Từ 2.000 suất ăn, đến nay, bếp đã nâng số lượng lên đến 20.000 suất cơm chay và mặn phục vụ mỗi ngày. Mỗi phần ăn được thay đổi món theo ngày, kèm sữa tươi và trái cây để giúp người dân tăng cường sức khoẻ. Riêng các y bác sĩ, các tình nguyện viên tuyến đầu được bếp ăn thiết kế những phần ăn đầy đủ dưỡng chất để có đủ năng lượng hoạt động trên mặt trận chống dịch.

“Hiện bếp ăn có 100 tình nguyện viên đảm nhận công việc nấu nướng cùng sự đồng hành của Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên tại nhiều khu vực quận, huyện hỗ trợ chuyển phát đến tay người dân và tuyến đầu. Do nhu cầu ngày càng cao, chúng tôi phải liên tục tăng cường nguyên liệu và nhân lực. Ai cũng tất bật lo toan nhưng trong lòng đầy phấn khởi vì đã giúp ích được cho cộng đồng”, chị Nhung cho biết.
 
Giữa những lúc khó khăn chồng chất do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những suất cơm ấm nóng chứa đựng bao nghĩa tình của người dân thành phố mang tên Bác vẫn đều đặn mỗi ngày đến với lực lượng tuyến đầu, người dân khốn khó, yếu thế để cùng nhau chia sẻ yêu thương, không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau.

Bài 2: Chuyện “0 đồng” và nghĩa tình giữa mùa dịch

Hồng Giang - Thu Hương (TTXVN)