04:20 20/04/2025

Sữa giả, y đức và quy định của pháp luật

Ngày 17/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị điều tra nhanh vụ sữa giả, siết chặt các quy định pháp luật có liên quan, nếu quy định nào chưa phù hợp với thực tiễn thì phải sửa.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng kiểm tra các loại sữa trên thị trường. Ảnh: CT

Vụ “573 nhãn hiệu sữa bột giả” đã làm nóng một vấn đề vốn đã gây ra sự bức xúc âm ỉ từ lâu. Đó là việc những người lẽ ra phải nêu cao y đức thì lại "vô tình" tiếp tay cho tội phạm làm tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Trên báo chí, một cựu chuyên gia dinh dưỡng khi bị tố quảng cáo sữa giả Bolk Milk thì thanh minh rằng bà “trót tin” vào chất lượng của sữa và “sẽ rút kinh nghiệm trong việc chia sẻ, tư vấn các sản phẩm dinh dưỡng”.

Một bệnh nhân khác thì phản ánh bác sỹ ở Bệnh viện V (Hà Nội) đã chỉ định cho bà mua sữa giả BonLac với giá 900.000 đồng/hộp sau ca mổ chân. Một bệnh viện khác thì trong thời gian dài đã tư vấn cho bệnh nhân mua sữa Hofumil Gold Plus từ một công ty nằm trong đường dây sản xuất sữa giả. Chỉ khi vụ sữa giả bị phát giác thì cơ sở y tế này mới tuyên bố dừng tư vấn và cho thu hồi sản phẩm. Tại nhà thuốc của một bệnh tỉnh miền núi thì từ lâu đã xuất hiện sữa giả Hapomil. Một hóa đơn bán hàng của nhà thuốc bệnh viện do bệnh nhân cung cấp, ghi rõ: Sữa sơ sinh 900g, 2 hộp giá 1.198.000 đồng.

Không chỉ sữa giả mà các loại thực phẩm chức năng không cần thiết và giá “trên trời”, chưa rõ là giả hay thật, cũng được bác sỹ ở nhiều cơ sở y tế các cấp kê vào đơn thuốc hay vào một dạng “nhái đơn thuốc”. Theo một đơn thuốc do bác sỹ ở bệnh viện tuyến Trung ương kê, bệnh nhân phải trả hơn 400.000 đồng cho thuốc chữa bệnh nhưng lại phải chi đến hơn 4.800.000 đồng để mua thực phẩm chức năng.

Căn nguyên của việc kê đơn này là khoản “hoa hồng” cao bất thường mà nhà sản xuất chi cho bệnh viện hay chi trực tiếp cho bác sỹ.

Tình trạng “tiền gà bằng ba tiền thóc” dù là thực phẩm chức năng thật, sữa thật, chứ chưa nói là tư vấn, kê đơn đồ giả, đều vi phạm pháp luật, đi ngược lại với Lời thề y đức và chức năng cao cả “thầy thuốc như mẹ hiền”.

Bộ Y tế Việt Nam định nghĩa: Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tùy theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng mà thực phẩm chức năng còn có các tên gọi là thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm dinh dưỡng y học.

Khoản 15, Điều 6 của Luật Dược năm 2016 quy định những hành vi bị nghiêm cấm là thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng những sản phẩm không phải là thuốc nhưng lại có nội dung “để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người”.

Còn Điều 4 trong Thông tư 52/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định nguyên tắc kê đơn thuốc như sau: Bác sỹ, y sỹ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được kê vào đơn thuốc các nội dung quy định tại Khoản 15, Điều 6 của Luật Dược - các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng (được hiểu là trong đó có sữa); mỹ phẩm.

Như vậy, việc kê vào đơn thuốc thực phẩm chức năng (trong đó có sữa) là việc chống chỉ định nghiêm ngặt đối với bác sỹ.

Còn cơ sở y tế khi tư vấn (chứ không được kê đơn, ép buộc) cho bệnh nhân mua và sử dụng các thực phẩm chức năng thì phải nói rõ hiệu quả của chúng là không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người. Thực phẩm chức năng chỉ là nhằm hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng. Cùng lắm, thực phẩm chức năng chỉ có thể tăng sức đề kháng của cơ thể và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh (không trùng với thuật ngữ “phòng bệnh”).

Sau vụ sữa bột giả được cơ quan công an phát giác, ngày 17/4, Bộ Y tế ra công văn yêu cầu các đơn vị y tế, cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp thực hiện quy định không sử dụng hình ảnh bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm và thực phẩm chức năng. Bộ Y tế cũng yêu cầu rà soát toàn bộ các sản phẩm dinh dưỡng, sữa được cung cấp vào bệnh viện để tư vấn cho người bệnh.

Để tránh tình trạng loạn quảng cáo, tư vấn, kê đơn thực phẩm chức năng trong ngành y cũng như việc để lọt thuốc giả, sữa giả vào cơ sở y tế thì Chỉ thị “siết chặt” của Thủ tướng Chính phủ phải được chấp hành một cách thực chất, nghiêm túc.

Cũng như yêu cầu “rà soát” của Bộ Y tế phải được các cơ sở khám, chữa bệnh thực thi thường xuyên và có chế tài xử phạt nghiêm minh.

Trần Quang Vinh (TTXVN)