10:05 28/10/2011

Sửa đổi Luật Xuất bản để phù hợp hơn với thực tế

Luật Xuất bản được Quốc hội ban hành năm 2004, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008, nhưng qua hơn 6 năm thi hành, Luật vẫn còn nhiều bất cập và việc sửa đổi Luật để phù hợp với thực tế là yêu cầu cấp thiết.

Luật Xuất bản được Quốc hội ban hành năm 2004, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008, nhưng qua hơn 6 năm thi hành, Luật vẫn còn nhiều bất cập và việc sửa đổi Luật để phù hợp với thực tế là yêu cầu cấp thiết.

Số lượng sách xuất bản đã nhiều hơn, chất lượng tốt hơn.


Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra dự kiến đề xuất sửa đổi một số điều trong Luật Xuất bản, lấy ý kiến của các nhà xuất bản (NXB), các đơn vị liên quan để tổ chức soạn thảo nội dung sửa đổi Luật Xuất bản trình Quốc hội, nhằm hoàn thiện văn bản pháp luật về xuất bản của Việt Nam cho phù hợp với điều kiện của đất nước và sự hội nhập quốc tế.

Nhiều bất cập

Sau 6 năm luật đi vào cuộc sống, hoạt động xuất bản trên phạm vi cả nước phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2004 mới chỉ có 45 NXB, thì đến năm 2011 con số này đã là 64 NXB. Đặc biệt, số lượng cơ sở in đã tăng tới gần 8 lần: Từ 162 cơ sở năm 2004 lên trên 1.200 cơ sở năm 2010, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 4 vạn lao động... Số lượng sách xuất bản nhiều hơn, chất lượng tốt hơn. Nhiều tác phẩm chất lượng, thậm chí gây "sốt" như hiện tượng xuất bản "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" (NXB Hội Nhà văn), “Điệp viên hoàn hảo” của NXB Thông tấn…

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Luật cũng bộc lộ những bất cập như quy định chưa cụ thể về đối tượng thành lập NXB, xuất bản trên mạng Internet. Xuất bản phẩm công nghệ số chưa theo kịp sự phát triển và còn quá sơ sài. Liên kết trong hoạt động xuất bản cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.

Trong đó, vấn đề liên kết trong hoạt động xuất bản đang vượt khỏi tầm kiểm soát của chính các NXB cũng như của cơ quan quản lý nhà nước. Theo thống kê, có đến 70% sách xuất bản hiện nay là sách liên kết. Nhiều đơn vị liên kết bắt đầu tạo được vị thế trong ngành xuất bản, nhưng đồng thời làm mờ nhạt vai trò của đơn vị cấp phép, là các NXB của Nhà nước. Nhiều NXB buông lỏng quản lý, không tuân thủ đúng quy trình biên tập, đọc duyệt bản thảo và duyệt phát hành, không thể giám sát đối tác liên kết, thậm chí phó thác hoàn toàn sản phẩm liên kết cho đối tác quyết định, dẫn đến việc đối tác tự ý tăng số lượng in, không nộp lưu chiểu, thậm chí thay đổi tên và nội dung bản thảo... Có NXB có tới 9/10 xuất bản phẩm được thực hiện theo hình thức này và đã xảy ra nhiều sai phạm.

Một trong những vấn đề gây bức xúc nữa là tình trạng “loạn” chiết khấu trên thị trường sách hiện nay. Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc NXB Quân đội, trong khi các NXB, các đơn vị phát hành sách Nhà nước chỉ đưa ra mức chiết khấu cho người bán từ 22-26% giá bìa thì một số nhà sách tư nhân đã lũng đoạn thị trường bằng mức chiết khấu 50-60%. Để có thể đưa ra mức hoa hồng lớn đó, thường đi liền việc tăng giá bìa để trừ chiết khấu cao, hay in nối bản, in lậu… gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các NXB.

Đến lúc cần sửa đổi

Để ngăn chặn tình trạng loạn chiết khấu như hiện nay, ông Nguyễn Đức Hùng đề xuất, Luật Xuất bản lần này cần phải quy định mức trần chiết khấu trong phát hành. Ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng phòng tổng hợp NXB Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng đồng tình với vấn đề này.

Theo ông Đường Vinh Sường, Giám đốc NXB Chính trị - Hành chính, hiện nay, các NXB sử dụng sách, tái bản sách của nhau mà không thông qua NXB giữ quyền công bố khá phổ biến. Ngược lại, có tác giả không có quyền sở hữu (như các công trình nghiên cứu được Nhà nước đầu tư kinh phí, được nghiệm thu là công trình của cơ quan đầu tư kinh phí, tác giả chỉ có quyền đứng tên), nhưng lại xem như mình có quyền sở hữu, đương nhiên đòi hưởng lợi ích vật chất, quyền lợi kinh tế với các tác phẩm đó… Ông Sường cho rằng, Luật Xuất bản sửa đổi lần này cần tập trung làm rõ ba vấn đề: Thế nào là quyền tác giả, thế nào là quyền sở hữu tác phẩm và thế nào là quyền công bố tác phẩm.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là quy hoạch hoạt động xuất bản và ngành xuất bản, nhưng chưa được đưa vào Luật. Ông Hùng cho rằng, hoạt động xuất bản và hệ thống các NXB cần phải chấn chỉnh lại. Các trường đại học, các hội không nhất thiết phải thành lập NXB, chỉ cần thành lập phòng xuất bản, xin xuất bản nhất thời, rồi phân cấp xuống cho các Sở TT & TT khu vực cấp xác nhận đề tài và chịu trách nhiệm.
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Sách Việt Nam (Savina) cũng cho rằng, nên phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các NXB để tránh sự chồng chéo, đồng thời cần nâng mức phạt khi xử lý sai phạm lên thật cao.

Phương Hà