10:17 22/10/2020

Sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để phù hợp thực tiễn

Nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Đó là ý kiến thống nhất của một số chuyên gia, cử tri, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), điều dễ nhận thấy là tên gọi một số cơ quan nhà nước quy định trong Luật cũ năm 2012 thì nay đã thay đổi, như Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông đường thủy sửa thành Cục Cảnh sát giao thông (khoản 6 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính); Cục trưởng Cục Cảnh sát biển sửa thành Tư lệnh Cảnh sát biển (khoản 7 Điều 41 Luật Xử lý vi phạm hành chính); Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển sửa thành Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (khoản 6 Điều 41 Luật Xử lý vi phạm hành chính)… Tất cả những vấn đề này cần được sửa đổi, bổ sung trong thực tế để đảm bảo tính nhất quán và chính xác trên thực tế.

Bên cạnh đó, theo luật sư Lê Bá Thường, thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính cần thiết phải được bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước: Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu - Bộ Công an (C74); Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm ma túy - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng. Đồng thời, chức danh Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ việc phá sản được quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong Luật cũ thì nay không còn thẩm quyền xử phạt theo khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014.

Luật sư Lê Bá Thường cho rằng cách quy định thẩm quyền của Luật năm 2012 bị giới hạn thẩm quyền xử phạt tiền dẫn đến tình trạng những vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới (do giá trị tang vật, phương tiện xử lý vượt khung thẩm quyền) buộc phải dồn lên cơ quan cấp trên xử phạt, gây ra tình trạng gia tăng áp lực công việc đối với cơ quan cấp trên. Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chưa quy định rõ việc giao cho cấp phó có thẩm quyền  áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính cũng như các quyết định khác trong xử phạt vi phạm hành chính. Những vấn đề nảy sinh trên thực tiễn này cần có ngay những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình, đảm bảo hiệu quả của hoạt động xử lý vi phạm hành chính.

Trước đó, trong các hội nghị đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại diện một số đơn vị của Thành phố Hồ Chí Minh như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đều nhất trí với ý kiến của Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Phòng Tham mưu (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) là cần bổ sung thêm biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp trây ỳ thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Về vấn đề này, theo đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều ý kiến đồng ý với biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ, điện nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng cũng vẫn còn có ý kiến khác. Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cho rằng riêng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì biện pháp này là rất cần thiết trong thực tế hiện nay để ngừng ngay các hành vi xâm phạm môi trường. Trong thực tiễn, nhiều quyết định của Cảnh sát môi trường thành phố và ngành chức năng không có hiệu quả. Tuy nhiên, người sử dụng có thể sử dụng nhiều nguồn điện khác nhau như điện mặt trời hoặc móc nối nguồn điện từ cơ sở, cá nhân khác qua, nên nếu áp dụng thì trong văn bản của Chính phủ cần quy định chi tiết về biện pháp này trong thực tế.

Cũng góp ý về dự án luật này, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, trên thực tế hiện nay có rất nhiều hành vi vi phạm hành chính có dấu hiệu rất tinh vi, chẳng hạn như trên không gian mạng. Để xử lý kịp thời, nhanh chóng thì Luật Xử lý vi phạm hành chính cần điều chỉnh không chỉ những hành vi đã hoàn thành và cả những hành vi đang thực hiện nhằm ngăn chặn kịp thời hậu quả mà hành vi vi phạm hành chính gây ra, tăng tính răn đe, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Xuân Khu (TTXVN)