01:22 28/01/2015

Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Nhằm chủ động cung cấp thông tin góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc Tọa đàm “Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.

Nhằm chủ động cung cấp thông tin góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi), sáng 28/1, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc Tọa đàm “Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”.

Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự- kinh tế (Bộ tư pháp). Ảnh: vtc.vn


Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, việc sửa đổi BLDS lần này xuất phát từ nhu cầu phải có văn bản mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong lĩnh vực phát triển kinh tế cũng như bảo vệ quyền con người và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Nói rõ hơn về định hướng đặt ra trong lần sửa đổi này, ông Huệ nhấn mạnh phải xây dựng BLDS trở thành công cụ hữu hiệu để nhân dân bảo vệ quyền dân sự của mình. Bên cạnh đó, dự thảo Bộ luật cũng cần hoàn thiện các quy định về tài sản và quyền sở hữu để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Bộ Tư pháp đã thông tin những điểm mới trong dự thảo BLDS. Lấy dẫn chứng, thời gian qua, xảy ra nhiều trường hợp người dân bị tòa án từ chối thụ lý vụ việc với lý do các vấn đề chưa được đưa vào điều luật, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế Dương Đăng Huệ cho rằng, với Nhà nước pháp quyền thì mọi quyền dân sự hợp pháp cần phải được bảo vệ bằng mọi cách. “Vì thế, chúng tôi đưa vào dự thảo BLDS một điều rất quan trọng rằng, tòa án và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác không được từ chối giải quyết các vấn đề dân sự của nhân dân với lý do luật pháp chưa quy định”, ông Huệ nhấn mạnh.

Tán thành với quy định mới này, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) khẳng định, đây là cam kết của một Nhà nước pháp quyền. Trong trường hợp chưa có điều luật thì tòa án và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần căn cứ vào các nguyên tắc áp dụng pháp luật như thỏa thuận, tập quán hoặc những nguyên tắc tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong BLDS và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ việc dân sự của người dân.

Bên cạnh điểm mới này, việc bảo vệ quyền và lợi ích cho người yếu thế và bên thiện chí trong quan hệ dân sự cũng được đề cập trong dự thảo BLDS (sửa đổi). Phân tích kỹ hơn về những quy định này, ông Dương Đăng Huệ nêu rõ: BLDS là luật tư, điều chỉnh các mối quan hệ bình đẳng. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn có bên mạnh thế và yếu thế trong quan hệ dân sự. Dẫn chứng nhiều nội dung trong dự thảo như khoản 2 Điều 138 quy định “Trường hợp bên mạnh thế đưa vào giao dịch dân sự nội dung bất lợi cho bên yếu thế hoặc nội dung điều khoản không rõ ràng thì khi giải thích giao dịch dân sự phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế”, ông Dương Đăng Huệ nhấn mạnh đây là một trong rất nhiều quy định của dự thảo Bộ luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho bên yếu thế và bên thiện chí trong quan hệ dân sự.

Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời đánh giá cao những điểm mới rất tiến bộ của dự thảo Bộ luật như cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định; không chỉ liệt kê các hình thức sở hữu mà còn khẳng định quyền của mọi chủ sở hữu đều được bảo vệ như nhau…

Bộ luật Dân sự là bộ luật quan trọng, bao trùm mọi quan hệ giao dịch dân sự. Tuy nhiên, đây cũng là bộ luật có tính chuyên ngành. Do đó, để tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo BLDS (sửa đổi) hiệu quả và thực chất, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Trần Hữu Huỳnh cho rằng, cần có cách tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo để dự thảo Bộ luật quan trọng này có thể phản ánh được hết các ý kiến của người dân, nhất là những nhóm yếu thế trong xã hội.  Theo đó, cần căn cứ vào tình hình, mặt bằng dân trí ở từng địa phương để có cách tuyên truyền phù hợp với mọi đối tượng.   


Thu Phương