01:10 30/01/2018

Su-27 Nga áp sát 1,5 m, cắt ngang đường bay máy bay do thám Mỹ

Một máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã có màn áp sát trong khoảng cách không an toàn đối với một máy bay do thám Hải quân Mỹ trong không phận quốc tế Biển Đen.

Chiến đấu cơ Su-27 của Nga. Ảnh: Airlive

Theo ba quan chức quốc phòng Mỹ trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, các phi công Mỹ đã báo cáo máy bay Nga áp sát trong khoảng cách chưa đầy 1,5 m.

Hành động của chiến đấu cơ Nga đã buộc máy bay do thám Hải quân Mỹ phải hoàn tất nhiệm vụ sớm hơn dự kiến. Lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu sau đó cũng xác nhận vụ việc.

“Lần chạm trán này được coi là không an toàn do Su-27 của Nga ở khoảng cách chỉ chưa đầy 1,5 m và còn cắt ngang đường bay của chiếc ER-3R”, Thượng úy Pamela Kunze – người phát ngôn của lực lượng hải quân Mỹ tại châu Âu cho biết.

Vụ chạm trán kéo dài tổng cộng 2 tiếng 40 phút. Thượng úy Kunze khẳng định: “Những hành động không an toàn kiểu này sẽ làm gia tăng nguy cơ tính toán sai và va chạm trên không. Máy bay Mỹ đang hoạt động theo luật lệ quốc tế và không khiêu khích máy bay Nga”.

Phản ứng trước thông tin về vụ chạm trán, Bộ Quốc phòng Nga thông báo máy bay chiến đấu của nước này tuân thủ “chặt chẽ quy định bay quốc tế” khi đánh chặn máy bay do thám Mỹ.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng cho biết “một mục tiêu không xác định” bị phát hiện đang tiến đến không phận Nga trên vùng biển quốc tế Biển Đen. “Một chiếc Su-27 đã được điều động đến để chặn mục tiêu và tiếp cận mục tiêu đó với khoảng cách an toàn, sau đó nhận diện mục tiêu đó là chiếc máy bay do thám ER-3E của Mỹ. Phi hành đoàn của chiếc Su-27 đã nhận dạng chiếc máy bay do thám và theo sát nó, ngăn cho chiếc máy bay này xâm phạm vùng không phận Nga”.

Khu vực Biển Đen thường xuyên được chứng kiến một vài lần chạm trán không an toàn giữa lực lượng quân sự Nga và Mỹ. Trước đó, vào tháng 11/2017, một máy bay chiến đấu Su-30 của Nga cũng đã có một vụ “chạm trán không an toàn” với chiếc P-8A Poseidon của Mỹ khi máy bay này bay qua Biển Đen.

Nga, Mỹ và các lực lượng NATO hoạt động theo sát nhau trong khu vực, đặc biệt là kể từ khi Nga gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực sau khi sáp nhập Crimea năm 2014.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức