05:23 13/05/2011

Sư tử trên sa mạc - Kỳ 1: Kẻ thù của Mỹ

Đó là nhan đề bài viết của Giáo sư Julio Cesar Centero, Đại học Andes (Vênêxuêla), Giáo sư thỉnh giảng Đại học Viên (Áo), từng là cố vấn của Ban Thư ký Hội nghị LHQ về môi trường và phát triển (UNCED 92). Báo Tin Tức xin trích giới thiệu bài viết này.

Đó là nhan đề bài viết của Giáo sư Julio Cesar Centero, Đại học Andes (Vênêxuêla), Giáo sư thỉnh giảng Đại học Viên (Áo), từng là cố vấn của Ban Thư ký Hội nghị LHQ về môi trường và phát triển (UNCED 92). Báo Tin Tức xin trích giới thiệu bài viết này.

Kỳ 1: Kẻ thù của Mỹ

Đại tá Moamer Kadhafi chào đời trong một ngôi nhà bạt của bộ tộc beduina (bộ tộc sống trên sa mạc vùng Bắc Phi - chú thích của người dịch) vào năm 1942. 21 tuổi, ông Kadhafi nhận bằng luật sư. Sau đó, ông theo học tại Học viện Quân sự Sandhurst của Anh và Học viện Quân sự của Hi Lạp. Năm 1969, lúc 27 tuổi, ông đánh đổ Vua Idris, một nhà độc tài do Anh và Pháp dựng lên, và tuyên bố ông muốn là “Che Guevara của Trung Đông”.

Ông Kadhafi (trái) và Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser năm 1969.


Năm 1970, Moamer Kadhafi ra lệnh trục xuất các căn cứ quân sự nước ngoài khỏi lãnh thổ Libi. Ông đã xây dựng cái gọi là “chủ nghĩa xã hội Hồi giáo” để thông qua đó tìm kiếm một nền dân chủ trực tiếp: Chính phủ của dân chúng thông qua các hội đồng nhân dân và công xã. Nhà nước Gran Yamahiriya Arập Libi Nhân dân Xã hội chủ nghĩa đã được hình thành như vậy.

Kadhafi đã quốc hữu hóa các công ty dầu lửa và trục xuất các nhân viên người Mỹ, Anh và Italia – những kẻ đã thống trị và đàn áp người dân Libi trong nhiều thập kỷ. Kadhafi lập tức bị coi là kẻ thù của Mỹ. Nhưng một phần khác của thế giới nhìn nhận chính phủ của ông Kadhafi như một nhà nước của người cùng khổ, để bảo vệ quyền tự quyết và tự chủ của mình. Mối quan hệ giữa Kadhafi và Oasinhtơn càng trở nên tồi tệ hơn với việc nhà lãnh đạo Libi đóng vai trò chính trong cuộc cấm vận dầu lửa năm 1973 đối với Mỹ và hợp tác với Liên Xô.

Xác chiếc máy bay bị nạn ở Lockerbie năm 1988.


Kadhafi là người rất hâm mộ nhà lãnh đạo xuất sắc người Ai Cập, Tổng thống Gamal Abdel Nasser, đặc biệt trong cuộc đấu tranh vì sự thống nhất của các dân tộc Arập. Kadhafi đã ký với Nasser Hiến chương Tripôli, trong đó có những thỏa thuận cụ thể về hợp tác quân sự, chiến lược và kinh tế giữa Ai Cập và Libi. Sau khi Nasser bị đầu độc chết năm 1970, Kadhafi nắm vai trò lãnh đạo xu hướng liên minh Arập. Hai năm sau, Liên đoàn các nước Cộng hòa Arập ra đời, với các thành viên là Xyri, Ai Cập, Irắc và Libi.

Kadhafi cũng ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Palextin trong nhiều thập kỷ. Năm 1972, ông tuyên bố, Libi sẽ ủng hộ, huấn luyện và tài trợ bất kỳ người Arập nào sẵn sàng bảo vệ sự nghiệp của Palextin. Ngay lập tức, ông bị liệt vào hàng “khủng bố”. Từ đó, những cơn mưa kết tội Kadhafi tham gia hoặc ủng hộ các cuộc tấn công khủng bố ở Italia, Áo, Đức, CH Sát, Philíppin, Ai Cập đã ập đến. Kadhafi bị cho là người đỡ đầu chính cho một trong những kẻ khủng bố nổi tiếng nhất lúc đó là Carlos Illich Ramirez - một người Vênêxuêla có biệt danh “Chó sói” (El Chacal). Ông cũng bị cáo buộc tham gia buôn lậu ma túy, xúi giục chủ nghĩa khủng bố, phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt... Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã gọi Kadhafi là “con chó dại trên sa mạc”.

Đại tá Kadhafi tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày trục xuất căn cứ quân sự nước ngoài khỏi lãnh thổ Libi ngày 12/6/2010.

Chính phủ Mỹ không ít lần định hạ bệ Kadhafi. Tháng 8/1981, tạp chí News Week đã tiết lộ một kế hoạch ám sát nhà lãnh đạo Libi do giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) trình lên chính phủ. Vài ngày sau đó, máy bay chiến đấu của Mỹ đã tấn công hai máy bay Sukhoi của Libi trên bầu trời Tripôli. Năm 1986, Ronald Reagan ra lệnh đánh bom các căn cứ quân sự và tòa nhà chính phủ Libi ở các thành phố Tripôli và Benghazi, trong một âm mưu giết chết Kadhafi và kích động sự nổi dậy của dân chúng. Các máy bay đã cất cánh từ các căn cứ của Mỹ ở Anh.

Trong các cuộc ném bom nói trên, một trong những người con gái của Kadhafi là Jana cùng hàng chục sỹ quan thân cận của cô đã thiệt mạng. Trong 10 năm sau đó, dưới con mắt của Mỹ, Đại tá Kadhafi đã trở thành Osama bin Laden của thời đại. Oasinhtơn tiến hành bao vây, cấm vận thương mại Libi hòng lật đổ ông Kadhafi.

Ông Kadhafi bị cáo buộc ra lệnh cài bom trên một chiếc máy bay thương mại Boeing 474 của hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ lúc đó là Pan American. Chiếc máy bay này đã bị nổ tung vào tháng 12/1988, tại vùng Lockerbie của Xcốtlen, khiến 259 hành khách trên chuyến bay và 11 người dân ở Lockerbie thiệt mạng. Sau một quá trình dài thương lượng, năm 1999, ông Kadhafi đã trao cho Xcốtlen 2 công dân Libi bị cáo buộc cài bom chiếc máy bay này. Nhà lãnh đạo Libi cũng chấp nhận bồi thường cho gia đình các nạn nhân trong vụ đánh bom ở Lockerbie, song không chấp nhận cáo buộc nhà nước Libi đã phạm tội.

Julio Cesar Centero-Lưu Vạn Kha (lược dịch)

Đón đọc kỳ 2: Ngôi sao chính trị