06:06 21/06/2014

Sự trỗi dậy của Al-Qeada ở Iraq

Al-Qaeda ở Iraq (AQI) đã trỗi dậy mạnh mẽ kể từ sau khi tan rã trên chiến trường này năm 2010. Thành công trong việc tái phát động phong trào hồi tháng 4/2011 đã giúp mạng lưới khủng bố toàn cầu tái chiếm những vùng lãnh thổ quan trọng bên trong các cộng đồng người Hồi giáo Sunni ...

Al-Qaeda ở Iraq (AQI) đã trỗi dậy mạnh mẽ kể từ sau khi tan rã trên chiến trường này năm 2010. Thành công trong việc tái phát động phong trào hồi tháng 4/2011 đã giúp mạng lưới khủng bố toàn cầu tái chiếm những vùng lãnh thổ quan trọng bên trong các cộng đồng người Hồi giáo Sunni mà đáng chú ý là tỉnh Anbar, khiến quốc gia Trung Đông này một lần nữa rơi vào vòng xoáy bạo lực và bất ổn. Trên thực tế AQI đang hợp nhất các hoạt động nổi dậy ở Iraq với cuộc nội chiến tại Syria.


Quy mô của một lực lượng


Đổi lại, cuộc khủng hoảng Syria đang tiếp thêm sức mạnh cho AQI cũng như các chiến binh Iraq, làm phức tạp lộ trình tương lai của Syria. Hoạt động dưới cái tên Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant (ISIL), AQI có tham vọng chi phối các hoạt động khủng bố của giáo phái Salafi ở Syria. Kể từ năm 2011, chính phủ do người Shiite kiểm soát ở Baghdad đã kỳ thị cộng đồng người Sunni của Iraq bằng các biện pháp phân biệt đối xử và đàn áp, khiến nhiều người Sunni di chuyển đến tỉnh Anbar và biến đó thành một thành trì của Al-Qaeda trên biên giới giáp Syria.

Bản đồ vị trí Fallujah và Ramadi, hai thành phố rơi vào tay ISIL.


Một báo cáo ngày 9/10/2013 của Viện Nghiên cứu chiến tranh đặt trụ sở tại Washington, Mỹ, đánh giá AQI đã tái lập thành một lực lượng quân sự.
Báo cáo có đoạn viết AQI đang trỗi dậy. Khả năng kiểm soát lãnh thổ và tàn phá của nhóm này lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007, trước khi bị chiến lược “tăng quân” của Mỹ và phong trào “thức tỉnh” nhổ rễ khỏi các hang ổ ở bên trong và xung quanh Baghdad. Các chiến dịch sau đó đã truy quét AQI về phía bắc qua Diyala, Salah ad-Din và Mosul, làm tiêu hao phong trào này trong khoảng thời gian 2007-2008, đến mức chỉ một số ít các thủ lĩnh và nhóm nhỏ còn lay lắt hoạt động và tập trung tại Mosul.


Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2013, AQI đã tái hợp, khôi phục sức mạnh và mở rộng địa bàn sang những khu vực mà chúng bị đánh bật trong giai đoạn “tăng quân”. Việc kiểm soát lãnh thổ đóng vai trò quan trọng đối với AQI, bởi phong trào này nảy nở trong một môi trường hỗn loạn mà từ đó có thể nổi lên là một lực lượng cạnh tranh được tổ chức tốt. AQI đang tìm cách tạo ra sự bất ổn trong nỗ lực nhằm chiếm giữ các vùng đô thị hiện do quân đội chính phủ Iraq kiểm soát.


AQI tuyên bố mục tiêu của chúng là nhằm giành quyền kiểm soát Mosul để hủy hoại lòng tin của công chúng đối với chính quyền Baghdad, cô lập người dân và chính quyền Mosul với phần còn lại của đất nước, lợi dụng sự chia rẽ về sắc tộc và xã hội bên trong cộng đồng đa dạng ở thành phố này, hăm dọa để người dân chấp nhận sự hiện diện của AQI và sau đó cạnh tranh với chính quyền tỉnh và địa phương để nắm quyền điều hành. Tuy nhiên, sự tàn bạo của AQI thật khủng khiếp. Theo số liệu của Liên hợp quốc, tổ chức này đã gây ra hơn 5.500 thương vong cho dân thường kể từ tháng 4/2013. Từ tháng 8/2013, AQI đã gia tăng cường độ và tần suất các vụ đánh bom cũng như tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu, như cảng Um Qasr, cảng nước sâu duy nhất của Iraq, ở tỉnh Basra.

Một đoàn xe chở các chiến binh ISIL ở tỉnh Anbar trong tháng 1/2014.


Mỹ đã phản ứng bằng việc tái khẳng định phần thưởng trị giá 10 triệu USD cho thủ cấp của Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh AQI, nhân vật mà các quan chức cho là đã “hạ trại” tại Syria vào tháng 8/2013. Tuy nhiên, tiêu diệt thủ lĩnh AQI sẽ không mang lại hiệu quả cho việc ngăn chặn sự phát triển của tổ chức này. AQI không còn là một nhóm nhỏ hoạt động xung quanh một thủ lĩnh đơn lẻ, mà đúng hơn là một tổ chức quân sự hồi sinh hoạt động hiệu quả ở Iraq và Syria. Phần lớn tình trạng bạo lực tái diễn được quy cho những chiến binh nước ngoài đến Iraq từ Syria, tạo ra một vùng xung đột rộng lớn mà cũng lan sang cả Liban. Tình trạng bạo lực ở Iraq từ đầu năm 2014 đang ngày càng nghiêm trọng.


Đe dọa một loạt quốc gia


Tháng 1/2014 , ISIL chiếm Fallujah, thành phố thuộc tỉnh Anbar và tấn công Ramadi, hòng củng cố thành trì của chúng ở tỉnh giáp giới với Syria này. Quân đội Iraq và các bộ lạc địa phương đang tổ chức kháng cự. Ahmed Abu Risha, Chủ tịch Hội đồng dân tộc “thức tỉnh”, một liên minh các thành viên bộ lạc ở Anbar, tuyên bố “đang có một cuộc chiến không giới hạn chống ISIL”, trong đó các bộ lạc thành lập một tổ chức chống Al-Qaeda với sự trợ giúp của cảnh sát địa phương.


Tuy nhiên, người ta đang hoài nghi về quy mô của đợt phản công này. Thông tin đăng tải ngày 3/1/2014 trên kênh “Al Arabiya” của Saudi Arabia nói rằng việc Baghdad không chiêu mộ các chiến binh của phong trào “thức tỉnh” vào quân đội chính quy và tình hình chiến sự leo thang ở Syria là nguồn cảm hứng cho sự trỗi dậy của Al-Qaeda ở Anbar, một tỉnh có vị trí quan trọng chiến lược kết nối Iraq với Syria, Jordan và Saudi Arabia.


Tháng 12 năm ngoái, tiến sĩ Michael Knight thuộc Viện Washington chuyên nghiên cứu chính sách Cận Đông, đã gửi báo cáo lên Quốc hội Mỹ cho rằng mặc dù Al-Qaeda ở Iraq chỉ là một tổ chức khủng bố quy mô tương đối hạn hẹp trong nhiều năm, song trong sự trỗi dậy của phong trào này ở đó dứt khoát đang làm tổn hại các lợi ích của Mỹ tại Iraq, ở những khu vực rộng lớn hơn và có nguy cơ ở cả những môi trường an ninh nội địa ở châu Âu và Mỹ. AQI đã tự túc về tài chính từ năm 2010 thông qua các hành vi phạm tội có tổ chức như bắt cóc đòi tiền chuộc, tiền bảo lãnh từ các công ty lớn của Iraq, cùng với các hoạt động vận chuyển, buôn lậu và buôn bán bất động sản.


ISIL nay đã giành được quyền kiểm soát một dải lãnh thổ trải dài từ Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar cách Baghdad 100 km về phía tây, đến Al-Raqqah ở phía bắc Syria, cách Aleppo 160 km. Thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố sẽ thành lập một nhà nước Hồi giáo, điều sẽ tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với Israel, Jordan, Saudi Arabia và Liban.


Tuy nhiên, bất chấp những thành công này, ISIL đã bị thủ lĩnh al-Zawahiri và ban lãnh đạo Al-Qaeda chối bỏ. Trên thực tế, đặc biệt ở Syria, có 2 tổ chức cùng chia sẻ hệ tư tưởng của Al-Qaeda nhưng lại đang giao tranh với nhau, đó là ISIL và một nhóm thánh chiến Hồi giáo khác là Mặt trận Al-Nusra. Al-Zawahiri đã ra lệnh giải tán ISIL và yêu cầu trở về Iraq, đồng thời tuyên bố Mặt trận Al-Nusra là nhánh chính thức của Al-Qaeda tại Syria.


Huy Lê