09:10 07/09/2011

Sự trở lại của một Trung thu rất xưa...

Không còn nỗi lo bánh nướng, bánh dẻo nhân bụi vàng giá tới hàng triệu đồng, rồi nhân vi cá, hải sâm... mới là món được quan tâm "xuýt xoa". Không còn nỗi lo tới một ngày con trẻ sẽ không biết tới đèn kéo quân, đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi của dân gian xưa...

Không còn nỗi lo bánh nướng, bánh dẻo nhân bụi vàng giá tới hàng triệu đồng, rồi nhân vi cá, hải sâm... mới là món được quan tâm "xuýt xoa". Không còn nỗi lo tới một ngày con trẻ sẽ không biết tới đèn kéo quân, đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi của dân gian xưa... Trung thu này, dạo phố phường Hà Nội, chợt thấy vui vì sự trở lại rất rõ rệt của một Trung thu rất xưa với bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, với trống gỗ, đèn kéo quân... chiếm vị trí trang trọng trong những cửa hàng đồ chơi Trung thu trên phố Hàng Mã...

Đồ chơi truyển thống được chọn mua rất nhiều. Ảnh: Lê Phú


Bảo Phương- Ninh Hương - Bà Dần- Phương Soát


Có lẽ đó là 4 cái tên mà bất cứ những ai mê mẩn với những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống; mà bánh dẻo bột cầm mềm oặt cả tay, thơm dịu dàng mùi hoa bưởi, bánh nướng vỏ vàng mỡ màng, thơm giòn với nhân nhiều thịt mỡ, lá chanh, hạt dưa, vừng, mứt bí... đều không thể không biết. Bởi đó là 4 thương hiệu bánh Trung thu truyền thống nổi tiếng của Hà Nội vài chục năm nay.

Cửa hàng Bảo Phương nằm trên phố Thụy Khuê, số 183, cùng phía với la liệt những hàng bánh Trung thu "ăn theo" thương hiệu này, biến Thụy Khuê cũng thành con phố của Trung thu Hà Nội. Nhưng trong khi những hàng bánh kia vắng hoe vắng hoắt, thì Bảo Phương cứ nườm nượp khách xếp hàng. Tủ kính lúc nào cũng tấp nập những bàn tay lấy bánh ra, xếp bánh vào. Và cánh cửa bên cạnh quầy hàng lấp ló mở, đủ thấy cả một dàn thợ áo trắng, mũ đầu bếp cũng trắng lốp, đang lăn bột đều như một dàn đồng ca. Bụi bột bay mờ mờ, những đôi tay liên tục quết quết, đập đập... Bởi vậy, thi vị nhất khi tới Bảo Phương không chỉ ở chỗ được ăn một chiếc bánh Trung thu truyền thống ngon mê mẩn, mà còn ở chỗ có thể chứng kiến những chiếc bánh vừa ra lò, còn nóng hôi hổi được mang liền ra quầy bán. Bánh ra đến đâu bán hết veo đến đấy, thế nên chả bao giờ phải lo ăn bánh cũ cả. Ngon, mới, giá lại cũng đủ loại, vừa với túi tiền của nhiều người tiêu dùng (từ 30.000-60.000 đồng/chiếc tùy loại), nên những ngày này, tới Bảo Phương là phải xếp hàng cả đấy. Còn nếu thư thả hơn, thì có thể “bật mí” rằng ngày nào trong năm Bảo Phương cũng có bánh nướng, bánh dẻo, vẫn ngon và đảm bảo chất lượng y như bán dịp rằm tháng tám này.

Không hấp dẫn vì cái cảm giác bánh "nóng hổi" như ở Bảo Phương, nhưng như cảm giác của một người phụ nữ Hà thành chính gốc khi cầm chiếc bánh dẻo cốm của Ninh Hương trên tay, rồi gật gù rằng: "Ôi, đây mới đúng là bánh dẻo này, mềm dịu dàng đến thế!" thì cũng đủ hiểu vì sao bánh Ninh Hương lại được chuộng tới vậy. Vốn nổi tiếng với trà ướp hương sen, hương nhài, mứt sen mà giá lên tới vài triệu/lạng trà sen; rồi nổi tiếng với bánh cốm, long nhãn, cùng vô số loại bánh truyền thống khác; nhưng dịp rằm Trung thu này mới là mùa để Ninh Hương thật sự đông đúc. Cũng bởi, như nhận xét của những dân phố cổ sành ăn, bánh Trung thu Ninh Hương (số 22 - Hàng Điếu) đúng chất truyền thống, vỏ thơm, nhân ngọt dịu nhẹ, khiến người già hay cả những ai khó tính đều cảm thấy hài lòng. Bánh Trung thu Ninh Hương năm nay có nhiều loại nhân hơn, nhưng tựu trung lại vẫn là nhân truyền thống, như nhân đậu xanh, hạt sen xát, nhân thập cẩm gà quay, nhân thập cẩm giăm bông... Đặc biệt bánh dẻo nhân cốm của Ninh Hương thì là "số một" như nhiều người thừa nhận. Tuy nhiên, cũng vì cái "chất tự nhiên" ấy mà cũng như những hàng bánh truyền thống khác, bánh của Ninh Hương chỉ để được 5 ngày với bánh dẻo, và 7-10 ngày với bánh nướng. Giá bánh cũng "sêm sêm" Bảo Phương, từ 35.000-65.000 đồng/chiếc tùy loại.

Với "Bà Dần" (52 Hàng Bè) và "Phương Soát" (75 Hàng Chiếu và số 10 Vọng Hà), thì đây cũng là hai cái tên cần biết nếu thực sự là những người đam mê bánh truyền thống. Vốn là một thương hiệu lâu đời, bánh Bà Dần nổi tiếng với bánh dẻo đậu xanh trứng mặn. Xuất phát từ chỗ khéo tay hay làm, cứ tới Trung thu bà Dần lại làm bánh nướng, bánh dẻo biếu hàng xóm, người quen... rồi dần dần được khích lệ, bà Dần mở cửa hàng làm bánh Trung thu. Con cháu bà sau đó cũng theo nghề của mẹ, của bà, khiến thương hiệu bánh này nức tiếng gần xa. Cứ tới dịp Trung thu, dân phố cổ lại tìm tới 52 Hàng Bè để xếp hàng vòng trong vòng ngoài mua bánh. Tuy nhiên, so với các hàng bánh khác thì bánh bà Dần có phần ngọt sắc hơn, phù hợp với những ai ưa ngọt.

Cũng vậy, là tiệm bánh Trung thu cổ truyền nhà Phương Soát trên phố Hàng Chiếu. Không có cửa hàng mặt tiền, khách tới mua bánh Phương Soát phải vào một ngõ nhỏ, đi qua một chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ lên tầng 2, vào tiệm bánh và cũng vào luôn cơ sở làm bánh. Cũng thú vị như với Bảo Phương, khách vừa đặt chân tới cửa đã ngửi thấy mùi bánh thơm lừng, hấp dẫn. Vào trong nhà, sẽ thấy từng chồng khay bánh mới và các nhân viên đang miệt mài, hàn nilon, đóng gói bánh kiểu rất thủ công... trông thật thích mắt. So với giá bánh của các tiệm cổ truyền khác, bánh Trung thu Phương Soát có phần đắt hơn, giá khoảng từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc.

Những ngày cận kề rằm Trung thu này, cùng với sự "no ứ" sau vài năm "mê mệt" với các loại bánh Trung thu kiểu ngoại... là thông tin bánh Trung thu đắt cắt cổ của một khách sạn 5 sao nọ đang bị "phanh phui" vì dùng nhân bánh của Trung Quốc có chất độc...; càng khiến người tiêu dùng thấy "yêu mến" hơn những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống của Hà Nội. Và thế là, những địa chỉ quen thuộc này của Hà Nội, vốn đã đông khách càng thêm đông khách.

"Rước đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu..."

Cũng lại là một niềm vui khi lên phố Hàng Mã những ngày này, đã có thể "thở phào" khi thấy đồ chơi dân gian, truyền thống được bày bán nhiều hơn hẳn. Không còn sự độc tôn của những đồ chơi nhựa của Trung Quốc, không còn rầm rầm những đèn lồng chạy pin... Tất cả những loại đồ chơi xanh, đỏ, tím, vàng... sặc sỡ và hiện đại ấy đã bị "đẩy lùi" xuống phía đầu Hàng Mã cắt ra Phùng Hưng. Còn đầu trên này, vốn là "trung tâm" phố, thì rực rỡ những đèn lồng "made in Việt Nam" đủ sắc màu, rồi đèn ông sao, trống gỗ, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử đủ kích cỡ.

Không kể tới những số nhà vốn trung thành bao năm nay với đầu sư tử, trên phố Hàng Mã (đoạn giữa Đồng Xuân và Hàng Lược), bất cứ cửa hàng nào cũng thấy bày ra mặt tiền các loại đồ chơi dân gian. Và có một điều đáng nói là đồ chơi dân gian "Hàng Việt Nam chất lượng cao" được bán với giá cũng rất cao: Đèn kéo quân giá 60.000 đồng/chiếc cỡ nhỏ, 120.000 đồng/chiếc cỡ lớn. Trong khi một chiếc đèn lồng Trung Quốc giá chỉ có 30.000 đồng, bằng lụa, đủ màu sắc sặc sỡ. "Năm nay, lần đầu tiên loại đèn lồng nhỏ bằng lụa này của Trung Quốc được nhập bán, tuy nhiên chỉ các bạn trẻ chuộng mua, còn thì các ông bố, bà mẹ, rồi các em nhỏ đều chọn mua đèn lồng Việt Nam, dù giá đắt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều là đồ chơi Việt Nam giá đắt nhưng hình thức lại chưa thật sự đẹp, tinh xảo. Giá như được chăm chút hơn về hình thức, chắc chắn những đồ chơi này sẽ còn được ưa chuộng hơn"- một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết.

Cũng như vậy, theo một chủ cửa hàng khác, trống gỗ của Việt Nam năm nay rất được ưa chuộng, hơn hẳn những chiếc trống nhựa sặc sỡ của Trung Quốc; tuy nhiên, hình thức thì lại không đẹp: "Trống Việt Nam giá 30.000-80.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ, đắt gấp mấy lần trống Trung Quốc, tất nhiên, đồ chơi Việt Nam bền hơn, nhưng giá như mặt trống đẹp hơn, tang trống không sần sùi thế này thì chắc chắn sẽ bán chạy hơn".

Bên cạnh đèn lồng, trống..., xem ra mặt nạ giấy bồi cũng được ưa chuộng với giá 35.000 đồng/chiếc, và nếu mặc cả khéo thì có thể là 30.000 đồng. Rồi đầu sư tử với giá từ 25.000-60.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ. "Tôi chọn mua đầu sư tử cho cháu nội, cháu ngoại làm quà Trung thu, tôi tin các cháu sẽ thích, dù mọi năm chúng vẫn được bố mẹ mua cho toàn đồ chơi ngoại đắt tiền; bởi dù sao đồ chơi truyền thống vẫn có sức hấp dẫn riêng của nó"- bà M, phố Hàng Chiếu tâm sự, sau khi đã dạo một vòng Hàng Mã và đang xách tới 4 cái đầu sư tử đủ kích cỡ.

Sức hấp dẫn riêng của đồ chơi truyền thống, có thể coi đó là một tín hiệu đáng mừng cho Trung thu năm nay. Tuy nhiên, để đồ chơi nội có thể thực sự chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường đồ chơi Trung thu, đánh bại những thứ đồ chơi ngoại vừa thiếu tính giáo dục, vừa ẩn chứa những hiểm họa về chất độc trong đồ chơi... thì có lẽ cũng nên có sự đầu tư hơn nữa của các nghệ nhân, để nâng cao chất lượng, hình thức, đặc biệt là sự tinh tế, bắt mắt cho những đồ chơi truyền thống.

T.Anh