12:05 08/12/2014

Sự trở lại của các cuộc chiến tiền tệ

Quyết định mới đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng quy mô (chương trình) nới lỏng định lượng là dấu hiệu về một vòng chiến tranh tiền tệ nữa có thể đang diễn ra. Nỗ lực của BoJ nhằm làm suy yếu đồng yen đang gây ra phản ứng chính sách khắp châu Á và trên thế giới.

Quyết định mới đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng quy mô (chương trình) nới lỏng định lượng là dấu hiệu về một vòng chiến tranh tiền tệ nữa có thể đang diễn ra. Nỗ lực của BoJ nhằm làm suy yếu đồng yen đang gây ra phản ứng chính sách khắp châu Á và trên thế giới.

Do lo ngại bị mất sức cạnh tranh tương đối với Nhật Bản, các ngân hàng Trung ương tại Trung Quốc, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Singapore và Thái Lan cũng đang hoặc sẽ sớm nới lỏng các chính sách tiền tệ của họ. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy và một số nước Trung Âu khác dường như đang sử dụng biện pháp nới lỏng định lượng hoặc các chính sách bất thường khác để ngăn chặn đồng tiền của họ tăng giá. Tất cả những điều trên sẽ dẫn đến việc đồng USD tăng giá, khi nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ đang mạnh lên và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào năm tới. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng toàn cầu vẫn yếu và đồng USD trở nên quá mạnh, ngay cả Fed cũng sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất để tránh việc đẩy đồng USD tăng giá mạnh.

Một vòng chiến tranh tiền tệ nữa có thể đang diễn ra.


Nguyên nhân của biến động tiền tệ hiện nay là rõ ràng trong môi trường mà cả nhà nước và tư nhân đều tìm cách giảm nợ. Thắt chặt ngân sách cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp tới tăng trưởng. Chi tiêu công thấp làm giảm nhu cầu, trong khi giảm giao dịch và thuế tăng làm giảm thu nhập thực tế, dẫn đến giảm tiêu dùng cá nhân. Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ trở thành công cụ duy nhất để thúc đẩy nhu cầu và tăng trưởng.

Tại Khu vực sử dụng đồng euro, việc các luồng vốn đổ vào các nước Nam Âu đột ngột dừng và những hạn chế tài chính bị Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và ECB áp đặt là một cản trở lớn đối với tăng trưởng. Tại Nhật Bản, việc tăng mạnh thuế tiêu dùng đã "giết chết" sự phục hồi đạt được trong năm nay. Tại Mỹ, các chính sách chi tiêu và thuế đã dẫn đến sự sụt giảm ngân sách mạnh trong các năm 2012 - 2014. Tại nước Anh, sự củng cố ngân sách đã làm suy yếu tăng trưởng cho đến tận năm nay.

Trên toàn cầu, sự điều chỉnh đối xứng của các nền kinh tế chủ nợ và con nợ đang làm trầm trọng vòng xoáy suy thoái và giảm phát này. Các nước vốn chi tiêu quá mức, không tiết kiệm đủ, bị thâm hụt tài khoản vãng lai đã bị buộc phải giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm. Kết quả là thâm hụt thương mại của các nước đó giảm. Trong khi đó, hầu hết những nước tiết kiệm nhiều lại không tăng chi tiêu. Điều này khiến thặng dư tài khoản vãng lai của họ tiếp tục gia tăng, qua đó làm trầm trọng thêm sự suy yếu của nhu cầu toàn cầu và làm xói mòn tăng trưởng.

Chính sách tài khóa thắt chặt và điều chỉnh bất đối xứng ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động kinh tế. Chính sách tiền tệ phải chịu gánh nặng hỗ trợ tăng trưởng bằng cách giảm giá đồng nội tệ qua đó thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, các cuộc chiến tiền tệ một phần là cuộc chơi “kẻ được, người mất”: Nếu một đồng nội tệ yếu đi, thì một đồng tiền khác phải mạnh lên và nếu cán cân thương mại của một nước được cải thiện, thì cán cân thương mại của nước khác phải xấu đi.

Tất nhiên, việc nới lỏng chính sách tiền tệ không hoàn toàn là một cuộc chơi một mất một còn. Chính sách tiền tệ lỏng có thể thúc đẩy tăng trưởng bằng việc tăng giá tài sản, giảm chi phí đi vay của nhà nước và hạn chế nguy cơ giảm phát. Nếu không có việc nới lỏng chính sách tiền tệ hiệu quả trong những năm vừa qua, thế giới có thể trải qua suy thoái kép. Tuy thế, cách tiếp cận tốt hơn tại các nền kinh tế phát triển bao gồm hạn chế điều chỉnh tài chính trong ngắn hạn và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kết hợp với tăng cam kết cho các điều chỉnh tài chính trung và dài hạn, và hạn chế nới lỏng tiền tệ. Cách tiếp cận đúng đắn trên là ngược lại với những chính sách mà các nền kinh tế lớn đang theo đuổi. Đó cũng chính là lý do khiến người ta tiếp tục thất vọng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Dương Hoa (Theo tin Project syndicate)