06:06 16/06/2014

Sự thật vấn đề năng lượng ẩn sau giàn khoan 981-Kỳ 1

Có lẽ đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, cái giá phải trả cho những chỉ trích của cộng đồng quốc tế thấp hơn so với nhu cầu thúc đẩy và phát triển năng lực trên biển và nhu cầu khai thác tài nguyên tại Biển Đông.

Theo ông James Manicom, chuyên gia tại Trung tâm Quốc tế về Cải cách Chính phủ ở Waterloo, Canada, có lẽ đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, cái giá phải trả cho những chỉ trích của cộng đồng quốc tế thấp hơn so với nhu cầu thúc đẩy và phát triển năng lực trên biển và nhu cầu khai thác tài nguyên tại Biển Đông.
 
Đầu tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Động thái này là một sự leo thang có tính toán của Trung Quốc. Hành động đó đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương khai thác các nguồn hydrocarbon trong vùng biển của Việt Nam mặc dù các quan chức tại Bắc Kinh từ lâu đã toan tính đến hành động này. 

Trung Quốc đã huy động nhiều tàu các loại để bảo vệ hoạt động phi pháp của giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc đang phản tác dụng. Bắc Kinh rõ ràng là có ý định muốn duy trì áp lực đối với các bên tuyên bố chủ quyền thông qua một loạt các hành động mà chưa đến mức phải sử dụng sức mạnh vũ lực, nhưng đủ để chiếm thế thượng phong đối với một bên yếu hơn. Tuy nhiên động thái này lại phá vỡ mối quan hệ một năm tương đối lắng dịu giữa Việt Nam và Trung Quốc ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và dường như đã làm xói mòn thông điệp hợp tác và chia sẻ an ninh khu vực mà ông Tập Cận Bình sau đó đã tuyên bố tại Hội nghị Hợp tác và Xây dựng Lòng tin ở châu Á tại Thượng Hải mới đây.

Mặc dù vậy, động thái trên không những không phải là một quyết định bất ngờ mà còn là một sự hiện thực hóa nỗ lực 1 năm nhằm phát triển công nghệ nước sâu và triển khai giàn khoan trong khu vực. Trung Quốc đã triển khai giàn khoan Hải Dương 981 khi có đủ khả năng và thực hiện ngay khi có thể. Hành động này nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là vừa khẳng định khả năng khai thác tài nguyên vừa ngăn cản các công ty quốc tế hợp tác với Việt Nam và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khác. Tuy nhiên, mặc dù có lợi thế đáng kể về công nghệ khoan nước sâu, Trung Quốc vẫn thiếu khả năng khai thác khí đốt tự nhiên xa bờ, điều này cho thấy rằng hành động trên của Trung Quốc đã bị chi phối bởi cả những toan tính chiến lược và năng lượng.

Tính toán thời điểm

Khả năng hàng hải của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng, trong đó có việc thực thi luật hàng hải, sức mạnh quân sự và khai thác xa bờ. Trung Quốc đã đầu tư đáng kể để trở thành “cường quốc biển” như cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 đề ra mục tiêu nền kinh tế biển nước này đóng góp 10% tổng GDP của Trung Quốc. Bên cạnh việc hiện đại hóa hải quân, Trung Quốc cũng đang tăng cường khả năng thực thi các tuyên bố hàng hải với các tàu dân sự bán vũ trang hạng nhẹ.

Trung Quốc cũng đã đầu tư đáng kể vào công nghệ khoan xa bờ. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đang tìm cách nâng cao khả năng khai thác xa bờ với việc tập trung vào các khu vực biển sâu ở Biển Đông. Một chi nhánh của CNOOC là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dịch vụ Dầu khí Trung Quốc (COSL) đã nhận 62% nguồn vốn của mình để đầu tư các giàn khoan mới vào năm 2013. COSL hiện đang xây dựng thêm hai giàn khoan nửa chìm mới có khả năng khoan ở độ sâu 1.500m. Độ sâu này vẫn chỉ bằng ½ so với Hải Dương-981 nhưng dù sao vẫn là độ sâu đáng kể.

COSL đã đầu tư vào khả năng khoan nước sâu nhằm mục tiêu khai thác khoảng 1 triệu thùng/ngày vào năm 2020.


COSL cũng đã mua một giàn khoan nước sâu của Transocean’s Richardson vào giữa 2013 sau khi giàn khoan Hải Dương-981 bị ngưng hoạt động do sự phá hủy của kết cấu chống đỡ thép hay chất lượng mối hàn. Hải Dương-981 rõ ràng là giàn khoan có khả năng lớn nhất của Trung Quốc. Đây là giàn khoan do Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc đóng, và COSL đã sở hữu công trình trị giá 900 triệu USD này vào tháng 5/2012. Nó hoạt động lần đầu tiên tại Vùng châu thổ sông Châu Giang trước khi hoạt động gần mỏ khí Liwan, cách phía đông nam Hong Kong 198 hải lý, trên Biển Đông.

Theo tờ Petroleum Economist, khi giàn khoan này được đưa vào hoạt động năm 2012, Liu Feng tại Viện Nghiên Quốc gia Biển Đông đã nói rằng: “Với sự phát triển của công nghệ khoan nước sâu của Trung Quốc, thì việc CNOOC đẩy mạnh khai thác tại khu vực trung tâm và phía nam Biển Đông chỉ là vấn đề thời gian”.

Cuối cùng, việc khai thác nguồn tài nguyên nước sâu là mục tiêu dài hạn mà Trung Quốc đang muốn nhanh chóng tiếp cận. Trung Quốc đã đưa Giao Long, một trong những tàu lặn có khả năng lặn sâu nhất thế giới với độ sâu 5000m vào hoạt động. Họ cũng là một trong những quốc gia tích cực nhất trên thế giới tại Ủy ban Đáy biển Quốc tế có trụ sở chính tại Jamaica –một ủy ban cấp phép cho các hoạt động khảo sát tài nguyên nước sâu ở đáy biển thuộc các vùng biển quốc tế. Việc theo đuổi công nghệ khoan nước sâu của Trung Quốc đã được dư luận chú ý rộng rãi khi CNOOC đưa ra lời đề nghị “hào phóng” đối với công ty dầu khí Nexen của Canada năm 2012.

COSL đã đầu tư vào khả năng khoan nước sâu nhằm mục tiêu khai thác khoảng 1 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Đầu năm nay, CNOOC tuyên bố phát hiện mỏ khí trung bình Lingshui 17-2 tại Qingdongnan. Theo tờ “Oil and Gas Journal” (ngày 19/3), mỏ khí này nằm ở vùng biển sâu 1.450m và ở độ sâu 3.510m dưới đáy biển. Qingdongnan nằm ở phía nam đảo Hải Nam và ở phía bắc vùng biển Hoàng Sa, tại khu vực mà Việt Nam không tuyên bố chủ quyền.

Những hoạt động khai thác này bị chi phối bởi sự thiếu hụt nguồn cung nội địa, giá dầu tăng cao ở châu Á – Thái Bình Dương và tầm quan trọng về an ninh nguồn cung năng lượng của Trung Quốc. Theo quan điểm của CNOOC, khai thác nước sâu tại Biển Đông là vấn đề thiết yếu cho nền kinh tế của Trung Quốc trong tương lai. Các mỏ ở vịnh Bột Hải đang bắt đầu bước vào giai đoạn suy giảm, còn các mỏ ở biển Hoa Đông lại bị ngưng khai thác do những tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.

Tiềm năng khai thác dầu khí tại Biển Đông sẽ hỗ trợ cho các mục tiêu về an ninh năng lượng trên ba vấn đề. Thứ nhất, đa dạng hóa nguồn năng lượng để không bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng than. Thứ hai, bổ sung vào quá trình "bản địa hóa khai thác" nhằm tăng cường đa dạng hóa nguồn khí đốt của Trung Quốc (như việc nước này mới đây đã ký các thỏa thuận khí đốt tự nhiên với Nga). Cuối cùng, nguồn khí đốt nhập khẩu sẽ không phải đi qua đường biển, điều đó giúp làm giảm sự lo ngại của Trung Quốc vào nguồn nhập khẩu qua các lộ trình đường biển mà Mỹ đang kiểm soát.


Vũ Thanh
(Theo J.F)

Kỳ cuối: Làm nhụt ý chí các đối thủ