10:11 23/10/2015

Sự thật đằng sau câu chuyện sinh con trên máy bay

Hình ảnh một nữ tiếp viên trìu mến bồng bế em bé sơ sinh ra đời trên không trong máy bay của China Airlines đã gây xôn xao và được đánh giá là câu chuyện cảm động, tuy nhiên đằng sau đó lại là vấn đề nhức nhối trong thời gian gần đây tại Đài Loan (Trung Quốc).


Các nữ tiếp viên của China Airlines bế em bé mới sinh trên không hôm 7/10.

Theo đó, một thai phụ người Đài Loan khi đang trong hành trình bay từ Đài Bắc tới Los Angeles (Mỹ) hôm 7/10 đã lâm bồn và hạ sinh một bé gái nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ và các tiếp viên trên chuyến bay của hãng China Airlines. Sau đó máy bay này đã chuyển hướng hạ cánh tại Alaska.

Tin tức về câu chuyện ngay lập tức trở thành đề tài nóng khi sau đó sản phụ giấu tên trên bị trục xuất từ Mỹ về Đài Loan hôm 17/10, chị từ chối trả lời phỏng vấn truyền thông. Một số nguồn tin cho biết con gái của chị vì còn quá nhỏ để bay về Đài Loan nên hiện đang được một người bạn chăm sóc tại Mỹ.

Trong khi truyền thông thế giới đua nhau đăng tải thông tin về câu chuyện thì ở Đài Loan, đã có rất nhiều người tỏ ra ngờ vực. Nhiều ý kiến thắc mắc về lý do một thai phụ gần đến ngày lâm bồn lại có thể được lên máy bay và mục đích nào khiến bà mẹ tương lai này quyết định liều lĩnh với tính mạng của cả hai mẹ con để đến Mỹ.

Theo truyền thông Trung Quốc, năm 2012, có khoảng 10.000 bà mẹ Trung Quốc sinh con tại Mỹ, gấp đôi so với năm 2008.



Nhiều ý kiến khẳng định điều này bắt nguồn từ chính sách của Washington rằng tất cả trẻ em sinh ra trên đất Mỹ sẽ được mang quốc tịch nước này. Chính vì vậy, nhiều thai phụ Đài Loan sẵn sàng dấn thân chi một số tiền không hề nhỏ để đến Mỹ với hộ chiếu du lịch, sau đó sinh con ở đây.

Nhà xã hội học Pei-chia Lan thuộc trường Đại học Quốc gia Đài Loan tỏ ra lo ngại về xu hướng “du lịch sinh đẻ” trong giới nhà giàu nước này hiện nay.

CNN dẫn lời Giáo sư luật Leti Volpp tại Đại học California cho biết các bà mẹ Trung Quốc muốn sinh con tại Mỹ để có một sự đảm bảo cho tương lai của họ. Theo đó, nếu có biến động về kinh tế và chính trị, đứa trẻ hoàn toàn có thể đến Mỹ, rồi đến năm 21 tuổi bảo lãnh cho cha mẹ đến đất nước cờ hoa để cùng sinh sống.

Ngoài ra còn một số yếu tố khác khiến các bà mẹ Trung Quốc sẵn sàng bằng mọi giá để sinh con tại Mỹ là nhằm giúp con cái tiếp cận nền giáo dục tốt hơn hoặc để tránh chính sách một con…

Chính vì vậy câu chuyện sinh con trên không của bà mẹ Đài Loan đã được các nghị sĩ nước này đưa ra nhằm chất vấn Bộ trưởng Giao thông Chen Jianyi trong một cuộc họp hôm 19/10.

Một điểm đặc biệt là chính quyền Đài Loan nắm giữ cổ phần lớn của hãng China Airlines nên nhiều nghị sĩ lên tiếng khẳng định sản phụ giấu tên trên phải chịu trách nhiệm chi phí hàng chục nghìn USD thiệt hại khi chiếc máy bay phải chuyển hướng bắt nguồn từ mục đích “muốn con mang hộ chiếu Mỹ” của cô.

Trong khi đó, hãng China Airlines khẳng định không bao giờ cho phép hành khách mang thai hơn 8 tháng được lên máy bay nếu không có ghi chú đặc biệt của bác sĩ. Còn trường hợp của sản phụ trên (người không có giấy tờ y tế) được bay bởi cô ta khai rằng mình đang trong những tháng đầu thai kỳ.

Hà Linh (Theo CNN/BBC)