11:07 20/11/2014

Sự nghiệp trồng người trên vùng cao

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để chúng ta nhìn lại và tri ân những người chèo đò đã đưa biết bao thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức; trong đó có bước chân thầm lặng của các thầy cô giáo vùng cao, những người đang cần mẫn làm việc cõng chữ lên non.

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để chúng ta nhìn lại và tri ân những người chèo đò đã đưa biết bao thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức; trong đó có bước chân thầm lặng của các thầy cô giáo vùng cao, những người đang cần mẫn làm việc cõng chữ lên non.

Giáo viên trường THCS Pa Vệ Sử (Mường Tè, Lai Châu) tận tình hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm.



Mặc dù trường lớp còn tạm bợ, nhưng các cô giáo ở điểm trường Leng Su Sìn (Mường Nhé, Điện Biên) vẫn kiên trì bám trường.



Nói đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hẳn ai cũng biết đó là nơi còn rất nhiều khó khăn, trong đó có cả khó khăn về giáo dục. Mặc dù những năm qua giáo dục vùng cao đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, cũng như chế độ với những nhà giáo giảng dạy ở vùng đặc biệt khó khăn, nhưng nhiều trường, điểm trường vẫn còn trong tình trạng tranh, tre, nứa, lá, mùa đông thì lạnh cóng, mùa hè thì nắng xuyên, trang thiết bị dạy và học thiếu thốn. Hành trình mỗi ngày của các thầy, cô giáo còn đầy gian khó, phải vượt qua những quả đồi, lội qua những con suối sâu, để mang cái chữ đến cho các em. Nhưng dù khó khăn, vất vả tới đâu, các thầy cô ở dưới xuôi lên, hay giáo viên bản địa, đều giảng dạy bằng cái tâm của người thầy.

Kiểm tra chất lượng bữa ăn của học sinh ở trường THPT nội trú (huyện Mường Khương, Lào Cai).


Tranh thủ học sinh nghỉ hè, các thầy trường Tiểu học Chung Trải (Mường Nhé, Điện Biên) tu sửa lại phòng học.


Thời gian qua, nhiều ngôi trường ở vùng cao huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai được khởi công xây dựng.


Các cô giáo ở huyện Mường Nhé (Điện Biên) nhiều năm liền phải vượt qua những con suối sâu để đến trường.



Lớp học mầm non ở xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn).


Trường Tiểu học xã Yên Khoái (Lộc Bình, Lạng Sơn) đã có cơ sở vật chất khá đầy đủ, giáo viên yên tâm hơn trong việc giảng dạy.

Ngày Nhà giáo Việt Nam đến với các thầy cô giáo vùng cao cũng rất dung dị, mộc mạc, nhưng không vì thế mà thiếu đi sự ấm áp, chân thành. Những thế hệ thầy cô giáo vùng cao hôm nay và cả những thế hệ trước đó đang góp cả cuộc đời của mình cho một tương lai tươi sáng hơn của vùng cao. Công trình vĩ đại của tri thức và lòng nhân ái đó chắc chắn sẽ rộng lớn và tráng lệ hơn khi những người đang xây lên nó được xã hội ghi nhận và quan tâm săn sóc. Đó sẽ là nguồn động lực to lớn để các thầy cô giáo vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thêm nỗ lực, thêm nhiệt huyết để mỗi bước chân đến trường, mỗi bước chân đến chân trời tri thức của các em học sinh, thêm vững vàng hơn.

Trọng Thủy