05:10 19/05/2014

Sự ‘ngạo mạn’ nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông

Hành động hiện nay của Trung Quốc tại Biển Đông trước các nước láng giềng là hiếu chiến, ngạo mạn, mang tư tưởng Đại Hán và thuyết vị chủng. Những người yêu nước ở Hong Kong cần phải nhận thấy rằng: Đó là một âm mưu nguy hiểm.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 18/5 đã cho đăng bài viết có tiêu đề “Sự ngạo mạn nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông”, của cây bút bình luận chuyên trang Philip Bowring, người đã có 39 năm kinh nghiệm viết các vấn đề tài chính, chính trị tại khu vực. Bài viết có một số điểm đáng chú ý sau:

Hành động nguy hiểm, phi lý

Hành động hiện nay của Trung Quốc tại Biển Đông trước các nước láng giềng là hiếu chiến, ngạo mạn, mang tư tưởng Đại Hán và thuyết vị chủng. Những người yêu nước ở Hong Kong cần phải nhận thấy rằng: Đó là một âm mưu nguy hiểm.

Không chỉ buộc Việt Nam, Philippines hiểu rõ trắng đen những hành động bành trướng, việc làm của Trung Quốc cũng đã đẩy Indonesia từ chỗ mang quan điểm trung gian giữa Bắc Kinh với các bên tranh chấp ở Biển Đông, chuyển sang thái độ phản kháng. Ít nhất là 2 lần gần đây, Indonesia đã cáo buộc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên một phần quần đảo Natura của họ. Làm sao có thể gọi là một sự “trỗi dậy hòa bình” khi quấy rối cả những nước láng giềng với dân số hơn 400 triệu?

Tất cả tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đều gói trong “Đường 9 đoạn”, mở rộng hơn 1.000 hải lý từ bờ biển Quảng Đông và Hải Nam tới gần Borneo, hòn đảo mà chủ quyền được chia làm 3 phần thuộc Malaysia, Indonesia và Brunei. Tuyên bố này cũng bao trọn 90% diện tích Biển Đông.

Những tuyên bố này đều dựa trên nền tảng là những viện dẫn lịch sử thiên lệch bỏ qua sự tồn tại của những dân tộc khác cũng như lịch sử đi biển và giao thương cách đây 2.000 năm của họ, trước khi có giao thương với Trung Quốc ở biển Đông và xa hơn nữa.

Trong vụ việc với Việt Nam hiện nay, Bắc Kinh lấy cớ quần đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm đóng gần với vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan hơn so với Việt Nam.

Trung Quốc đang có những bước đi nguy hiểm ở Biển Đông. Ảnh: TTXVN phát


Nhưng cả hai nước vẫn đang tranh chấp quần đảo này, sau khi Trung Quốc vô cớ xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974. Do vấn đề chưa được giải quyết triệt để, việc Trung Quốc đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ Hoàng Sa là không hợp lý.

Hiển nhiên là có những hình mẫu cho việc xử lý tranh chấp này. Malaysia và Thái Lan đã đạt được sự thống nhất về vùng biển giàu tiềm năng khí đốt giữa hai nước ở Vịnh Thái Lan. Indonesia, Singapore, Malaysia đã cùng nhau đưa vấn đề chủ quyền biển đảo ra Tòa án Công lý Quốc tế và chấp nhận phán quyết cuối cùng. Thế nhưng Trung Quốc luôn tỏ vẻ không sẵn lòng đi theo các phương cách này. Hợp tác chung cũng không phải là điều mà Bắc Kinh theo đuổi, vì họ luôn đưa ra điều kiện tiên quyết “chủ quyền thuộc Trung Quốc”.

Đối với các bãi cạn ngoài khơi Philippines, tuyên bố của Trung Quốc dựa trên “lịch sử nhào nặn” và thực tế rằng, họ tuyên bố chủ quyền trước – một nền tảng rất yếu về lý lẽ, khi mà Trung Quốc không duy trì được sự hiện diện liên tục tại những vùng này, còn Philippines thừa hưởng hiệp ước giữa hai cường quốc thực dân phương Tây. Những bãi cạn này và một số cấu trúc khác mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hiển nhiên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và vùng biển mà người dân nước này đã khai thác và đi biển từ lâu đời -  một thực tế không có gì phải bàn cãi.

Tư tưởng Đại hán

Việc viện dẫn các tuyên bố khác từ thời Tưởng Giới Thạch cũng không có chỗ đứng trong các tranh chấp này. Tương tự như vậy, lề thói “cống nạp” từng diễn ra trong quá khứ không thể là nhân tố để khẳng định chủ quyền hiện nay.

Cống nạp thực chất là một loại thuế mà các quốc gia giao thương phải trả để làm ăn với Trung Quốc - chứ không có nghĩa là Trung Quốc có chủ quyền với các vùng đất của những nhà nước này. Nếu cứ theo mô thức này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tuyên bố sở hữu cả Ai Cập, còn người Nga sở hữu cả Trung Á. Và nếu Trung Quốc hành xử như một đế quốc khu vực, chắc chắn sẽ gây ra nhiều lo ngại.

Mục đích của việc làm trên là gì? Một Trung Quốc hồi sinh muốn thể hiện sức mạnh cơ bắp và khẳng định ai là ông chủ trong khu vực và cũng để nhắc nhở Mỹ về điểm yếu của chính họ.

Nhưng một nguyên nhân nữa là tâm lý không coi những dân tộc ngoại Hán láng giềng ở vị thế bình đẳng. Trung Quốc có lịch sử rất dài tự coi mình là ưu việt hơn những dân tộc khác, đặc biệt đối với những tộc người da vàng. Tư tưởng này từng bị phương Tây chỉ trích, bị lên án dưới thời kỳ Mao Trạch Đông, nhưng nay đang trở lại ở đại lục.


Hoài Thanh (SCMP)