11:06 11/11/2020

Sứ mạng dang dở tấn công các thành phố Mỹ của đội tàu ngầm sân bay Nhật Bản

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, phát xít Nhật Bản đã sản xuất tàu ngầm sân bay để tấn công vào các thành phố Mỹ, tuy nhiên, kế hoạch này gặp phải nhiều sóng gió.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm lớp I-400. Ảnh: businessinsider

Ngày 28/8/1945, hai tàu sân bay Mỹ đã chặn một tàu ngầm lớn của Nhật Bản cách đảo Honshu vài km, buộc con tàu phải đầu hàng. Một ngày sau, tàu ngầm USS Segundo của Mỹ phát hiện một tàu ngầm Nhật Bản tương tự gần đó. Sau khi cố tẩu thoát, các thủy thủ Nhật Bản nhận ra chiến tranh đã kết thúc và không còn lựa chọn nào khác đã quyết định đầu hàng.

Theo tờ Business Insider (Mỹ), tàu ngầm này của Nhật Bản dài tới 122m và rộng 12m, được coi là một trong những tàu ngầm lớn nhất ở thời điểm đó. Giữa tàu còn có một khoang rỗng, khiến những binh sĩ Mỹ đầu tiên tiếp cận tàu ngầm này nhầm tưởng đây là tàu chở hàng.

Nhưng sau đó phía Mỹ nhận ra sự thật, hai tàu ngầm Nhật Bản này thuộc lớp I-400, là tàu ngầm sân bay – một trong những vũ khí tối mật nhất của phát xít Nhật Bản.

Vũ khí mới

Chú thích ảnh
Súng trên tàu ngầm lớp I-400. Ảnh: businessinsider

Tàu ngầm lớp I-400 (Sen Toku) là sản phẩm của Đô đốc Isoroku Yamamoto – người dẫn đầu cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Đô đốc Yamamoto khi đó tự nhận thấy rằng Nhật Bản không thể chống chọi được sức mạnh của quân đội Mỹ một khi lực lượng này hồi phục sau trận Trân Châu Cảng. Ông cho rằng các cuộc tấn công nhằm vào thành phố Mỹ sẽ ngăn Washington tấn công đáp trả tại Thái Bình Dương.

Nhưng Nhật Bản không sở hữu đủ chiến hạm và tàu sân bay đảm bảo cho những cuộc tấn công như vậy. Lấy cảm hứng từ tàu U-boat của phát xít Đức, Đô đốc Yamamoto quyết định tạo vũ khí mới: tàu ngầm sân bay.

Loại phương tiện này không phải là mới mẻ, tàu ngầm chở theo máy bay từng xuất hiện trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Nhưng những loại tàu ngầm này chỉ chở theo được một máy bay nhận nhiệm vụ trinh sát. Đô đốc Yamamoto muốn những tàu ngầm có thể chở theo chiến đấu cơ mang theo bom hoặc ngư lôi lớn.

Ông Yamamoto liền đề xuất về tàu ngầm này vào ngày 13/1/1942. Trong hơn một năm, Nhật Bản bắt tay vào việc dựng tàu ngầm sân bay đầu tiên trong lịch sử nước này.

Tàu ngầm đặc biệt này có thân hai xi lanh giúp chống đỡ trọng lượng lớn và tạo ổn định. Thân tàu được phủ cách âm. Ngoài ra tàu ngầm này còn có hệ thống nhiệt để “làm ấm” nhiên liệu cho máy bay trước khi cất cánh. Bên cạnh đó là cần trục thủy lực để nâng máy bay khỏi mặt nước sau khi hạ cánh.

Tàu ngầm lớp I-400 chở theo 3 thủy phi cơ Aichi M6A1 Seiran vốn mang theo ngư lôi lớp 91, 2 quả bom 250kg hoặc 1 quả bom 850kg. Bản thân tàu ngầm lớp I-400 được trang bị súng trên khoang rỗng cỡ nòng 14 cm, súng cỡ nòng 25mm trên boong và 8 ống phóng ngư lôi.

Quá muộn để tạo khác biệt

Chú thích ảnh
Hải quân Mỹ xem xét tàu ngầm lớp I-400. Ảnh: businessinsider

Kế hoạch ban đầu là sản xuất 18 tàu ngầm lớp I-400 dành cho mục đích đánh bom các thành phố bên bờ biển Mỹ. Nhưng đến thời điểm tàu ngầm lớp I-400 đầu tiên được hoàn thiện, phát xít Nhật Bản đã thất thế.

Đô đốc Yamamoto thiệt mạng trong một cuộc chiến vào tháng 4/1943. Không còn nhận được sự chống lưng từ Đô đốc Yamamoto, chương trình sản xuất tàu ngầm lớp I-400 đã cắt giảm từ 18 xuống chỉ còn 5 chiếc.

Nhưng chỉ có 3 chiếc tàu ngầm lớp I-400 được hoàn thiện. Chiếc đầu tiên đi vào hoạt động từ tháng 12/1944, sau đó một tháng là chiếc thứ hai và chiếc thứ ba ra mắt năm 1945.

Nhật Bản lên kế hoạch dùng tàu I-400 tấn công liều chết vào Kênh đào Panama để kìm chân tàu chiến Mỹ. Nhưng đến tháng 7/1945, hầu hết lực lượng Hải quân Mỹ tập trung tại Thái Bình Dương.

Kế hoạch cuối cùng là tấn công căn cứ Hải quân Mỹ ở đảo Ulithi. Hai tàu ngầm lớp I-400 đã đưa 6 chiến đấu cơ Seiran tấn công cảm tử. Nhưng kế hoạch này không bao giờ được hiện thực hóa.

Vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima, Nagasaki và Hồng quân Liên Xô đưa quân đến Mãn Châu buộc phát xít Nhật phải đầu hàng vào ngày 15/8/1945. Một ngày sau đó, các tàu ngầm lớp I-400 được lệnh ngừng tấn công.

Khi các tàu ngầm lớp I-400 quay trở về Nhật Bản, chúng liền đẩy các máy bay Seiran ra biển, phóng mọi ngư lôi và phá hủy mọi tài liệu. Sau khi đội tàu này đầu hàng, người chỉ huy cuộc tấn công Ulithi đã tự vẫn.

Sau chiến tranh, Liên Xô ngỏ ý muốn được xem xét chiếc I-400. Không muốn vũ khí này rơi vào tay Liên Xô, Mỹ đã “thủ tiêu” những tàu ngầm này. Một chiếc chìm tại quần đảo Gotō vào ngày 1/4/1946. Hai chiếc khác được đưa đến Trân Châu Cảng để nghiên cứu trước khi bị đánh đắm vào tháng 5 và tháng 6/1946. Lần lượt trong năm 2005, 2013 và 2015, người ta đã phát hiện được vị trí của 3 tàu ngầm lớp I-400 bị đánh chìm.

Hà Linh/Báo Tin tức