07:07 27/07/2025

Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

Báo tin tức và Dân tộc (TTXVN) điểm lại những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

1. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần qua thông báo đạt thỏa thuận thương mại với Indonesia, Philippines và Nhật Bản. Hàng hóa của Indonesia và Philippines khi xuất sang thị trường Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 19%, trong khi với Nhật Bản con số này là 15%. Các chính phủ trên khắp thế giới đang gấp rút đàm phán với Nhà Trắng trước thời hạn ngày 1/8/2025, thời điểm cam kết của ông Trump về việc áp mức thuế cao hơn sẽ có hiệu lực.

2. Trung Quốc vừa ban hành văn bản hướng dẫn chuẩn hóa an toàn xe đạp điện, nhằm giúp các nhà sản xuất nhanh chóng đưa sản phẩm đạt chuẩn ra thị trường, đồng thời đẩy nhanh quá trình loại bỏ các xe tồn kho không đạt tiêu chuẩn. Đây là một phần của nỗ lực chung nhằm chuẩn hóa an toàn xe đạp điện trên quy mô toàn quốc từ ngày 1/9/2025. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc ghi nhận 7.048 vụ cháy liên quan đến xe đạp điện, giảm 44,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

3. Hệ thống Internet vệ tinh Starlink của SpaceX đã gặp một trong những sự cố nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trong ngày 24/7, khi lỗi phần mềm nội bộ khiến hàng chục nghìn người dùng bị mất kết nối - một sự gián đoạn hiếm hoi đối với dịch vụ nổi tiếng về độ ổn định của tỷ phú Elon Musk. Downdetector đã ghi nhận 61.000 báo cáo về sự cố liên quan đến Starlink. Mạng lưới Starlink hiện có hơn 6 triệu người dùng tại khoảng 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

4. Đồng ruble của Nga đã trở thành một trong những đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới, khi tăng tới 45% giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân dẫn đến đà tăng này là chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Trung ương Nga và tâm lý lạc quan sau cuộc đàm phán Mỹ - Nga hồi tháng 2/2025, làm dấy lên kỳ vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, mức tăng quá mạnh này đang trở thành “con dao hai lưỡi” đối với nền kinh tế Nga vốn đang chịu nhiều lệnh trừng phạt.

5. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất sau khi cắt giảm 8 lần trong một năm qua, trong bối cảnh các cuộc đàm phán về thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối. ECB đã cắt giảm lãi suất xuống 2% trong tháng 6/2025, so với mức 4% của cùng kỳ năm 2024.

6. Ngày 22/7, Mỹ chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) với lý do việc tiếp tục tham gia không còn phục vụ lợi ích quốc gia của nước này. Mỹ hiện đóng góp khoảng 8% ngân sách của UNESCO, giảm so với mức gần 20% vào thời điểm Tổng thống Trump rút khỏi tổ chức này trong nhiệm kỳ đầu tiên.

7. Châu Âu cán mốc 1 triệu điểm sạc xe điện - một cột mốc quan trọng trong hạ tầng phục vụ xe điện tại châu lục này. Đây là lời khẳng định mạnh mẽ cho cam kết của châu Âu trong việc xây dựng một hệ thống giao thông bền vững và không phát thải.

8. Mỹ gỡ bỏ các hạn chế về công nghệ để thúc đẩy phát triển AI. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký 3 sắc lệnh hành pháp mới nhằm đẩy nhanh quá trình phê duyệt giấy phép xây dựng các trung tâm dữ liệu, thúc đẩy xuất khẩu các mô hình AI ra nước ngoài và yêu cầu các mô hình AI do chính phủ sử dụng phải trung lập về mặt tư tưởng. Chính quyền Mỹ đã công bố “Kế hoạch hành động AI” gồm một gói các sáng kiến và khuyến nghị chính sách nhằm củng cố vị thế của Mỹ là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ AI.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

9. Hàn Quốc truy quét hoạt động xuất khẩu công nghệ trái phép. Chiến dịch truy quét toàn diện kéo dài 100 ngày từ ngày 24/7/2025, nhắm vào hoạt động xuất khẩu và môi giới bất hợp pháp các công nghệ cốt lõi quốc gia, nhằm ứng phó với tình trạng gia tăng các vụ rò rỉ công nghệ cao liên quan đến các lĩnh vực như chất bán dẫn và pin xe điện. 

10. Số vụ phá sản các doanh nghiệp nhỏ của nông dân và ngư dân tại Mỹ trong nửa đầu năm nay đứng ở mức cao nhất kể từ năm 2020. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo tổng nợ của ngành nông nghiệp ước đạt kỷ lục 561,8 tỷ USD trong năm nay. Các nhà sản xuất đậu nành, ngô và thịt lợn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi Trung Quốc chuyển sang các nhà cung cấp từ Brazil và các nước Mỹ Latinh khác.

Hương Giang/TTXVN (Tổng hợp)