Ngày 8/5 Anh trở thành quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ kể từ khi Nhà Trắng công bố mức thuế quan toàn diện hôm 2/4.
1. Thỏa thuận với Mỹ được coi là chiến thắng mới đối với Thủ tướng Keir Starmer sau khi Anh đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Ấn Độ hôm 6/5 - thỏa thuận lớn nhất kể từ khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tổng kim ngạch thương mại hàng năm của Anh với Mỹ là 417,6 tỷ USD, trong đó 260 tỷ USD là xuất khẩu sang Mỹ.
2. Nợ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục hơn 324.000 tỷ USD trong quý I/2025, theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Trung Quốc, Pháp và Đức là những quốc gia đóng góp lớn nhất vào mức tăng nợ toàn cầu. Tổng nợ tại các thị trường mới nổi đã tăng lên mức cao kỷ lục hơn 106.000 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 2.000 tỷ USD.
3. Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới trong năm 2025, theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ấn Độ dự kiến sẽ đạt GDP danh nghĩa 4.187 tỷ USD, cao hơn một chút so với mức 4.186 tỷ USD của Nhật Bản.
Hình ảnh minh họa đồng tiền điện tử bitcoin. Ảnh: REUTERS/TTXVN
5. Đồng bitcoin trong phiên 8/5 vượt ngưỡng 100.000 USD, đánh dấu lần đầu tiên trở lại mốc này kể từ tháng 2/2025. Lực đẩy cho đà tăng của bitcoin là tâm lý lạc quan của nhà đầu tư sau khi Mỹ và Anh công bố thỏa thuận thương mại mới, được xem là tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương mại toàn cầu, và nhu cầu tài sản rủi ro trên thị trường phục hồi. Với việc trở lại mốc 100.000 USD, vốn hóa của bitcoin tăng lên hơn 2.000 tỷ USD.
6. Nhiều hãng hàng không từ châu Âu, châu Á và Trung Đông điều chỉnh lộ trình bay vào sáng 7/5 sau khi xảy ra xung đột Ấn Độ-Pakistan. Các hành trình dài bị chuyển hướng qua biển Arập và Trung Á. Tuy nhiên, đến ngày 10/5, Chính phủ Pakistan thông báo sẽ mở lại toàn bộ không phận cho tất cả các chuyến bay sau khi nước này và Ấn Độ đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau nhiều ngày giao tranh căng thẳng.
Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, D.C. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
7. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 7/5 quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25-4,50%, mức đã được duy trì từ tháng 12/2024. Tuy nhiên, Fed cảnh báo về rủi ro ngày càng gia tăng đối với mục tiêu lạm phát và thất nghiệp. Quyết định của Fed có thể khiến Tổng thống Donald Trump tiếp tục hối thúc cơ quan này giảm lãi suất.
8. Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro (113 tỷ USD) hàng hóa Mỹ nhằm đối phó với những chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại song phương đang rơi vào bế tắc, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại quy mô lớn. Các biện pháp này nhằm bảo vệ lợi ích thương mại của khối trước những đợt tăng thuế liên tiếp mà ông Trump đã công bố từ tháng 3/2025.
Công nhân vận chuyển gạo tại khu chợ ở Bangalore, Ấn Độ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
9. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm do nhu cầu giảm và đồng rupee mất giá. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 384-391 USD/tấn, giảm so với mức 390-397 USD/tấn của tuần trước.
10. Tập đoàn điện tử Panasonic của Nhật Bản ngày 9/5 thông báo sẽ cắt giảm 10.000 nhân sự nhằm tái cơ cấu hoạt động. Kế hoạch cắt giảm nhân sự sẽ được tập đoàn thực hiện đến năm tài chính 2026-2027 (kết thúc vào tháng 3/2027), chủ yếu thông qua việc khuyến khích nghỉ hưu sớm và các biện pháp khác. Trong số 10.000 nhân sự bị cắt giảm, sẽ có 5.000 người ở trong nước và 5.000 người ở nước ngoài.