11:11 14/11/2021

Sự khác biệt giữa các quốc gia khi thu phí điều trị bệnh COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ sự khác biệt lớn giữa các quốc gia về cách thu phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19. 

Ví dụ, tại châu Âu, việc điều trị gần như là miễn phí toàn bộ, song ở Mỹ, người mắc COVID-19 phải nộp đến hàng chục ngàn USD. Dưới đây là danh sách cho thấy sự khác biệt trong vấn đề thu phí chữa trị COVID-19 ở các nước:

Mỹ

Theo một nghiên cứu của Chương trình Bảo hiểm Y tế của Mỹ, năm ngoái, chính phủ đã phê duyệt nguồn quỹ khẩn cấp để giúp người dân Mỹ không có bảo hiểm tránh được việc chi trả các hoá đơn y tế lớn phát sinh từ điều trị COVID-19, trung bình khoảng 30.000 USD cho mỗi trường hợp. 

Chú thích ảnh
Tại Mỹ, nhiều bệnh nhân phải thanh toán một khoản tiền lớn cho việc điều trị COVID-19. Ảnh minh hoạ: AFP

Nhưng thậm chí sau đó, nhiều bệnh nhân phản ánh rằng họ vẫn phải trả hàng nghìn USD do những lỗ hổng thiếu sót cùng các yếu tố khác.

Ví dụ, các bệnh viện có thể gửi hóa đơn trực tiếp cho bệnh nhân khi đến theo dõi các dịch vụ chăm sóc khác mà họ được thông báo là không được liên bang hỗ trợ chi trả. Truyền thông Mỹ cho hay một số trường hợp, số tiền viện phí có thể lên tới 1 triệu USD đối với những người không có bảo hiểm – chiếm hơn 11% dân số trưởng thành ở quốc gia này. 

Trước đó, trong thời gian xảy ra đại dịch, hầu hết các công ty bảo hiểm y tế lớn đã tự nguyện miễn chi phí, hạn chế các khoản đồng thanh toán và khấu trừ thông thường cho các lần khám cấp cứu và điều trị do nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Nhưng nguồn lợi ích đó sắp cạn kiệt với việc các công ty bảo hiểm ngày càng coi COVID-19 như một căn bệnh ít nghiêm trọng hơn và không còn trang trải đầy đủ các chi phí chăm sóc.

Ấn Độ

Điều trị COVID-19 phần lớn là miễn phí tại các bệnh viện công nhưng có tính phí tại các cơ sở y tế tư nhân, chiếm 70% lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ.
Phí điều trị tư nhân khác nhau tùy thuộc vào cơ sở vật chất và dịch vụ chăm sóc được cung cấp nhưng phải nằm trong hạn mức ở hầu hết các tiểu bang.  được giới hạn ở mức giới hạn ở hầu hết các tiểu bang. 

Ví dụ, tại Tamil Nadu, phí điều trị mỗi ngày đối với các ca không nghiêm trọng tại bệnh viện tư nhân là từ 5.000 – 7.500 rupee (1,5 – 2,3 triệu đồng), trong khi phí điều trị ca nghiêm trọng được cố định ở mức 15.000 rupee. 

Anh

Mọi dịch vụ chẩn đoán hoặc điều trị COVID-19 nào theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đều được miễn phí bất kể tình trạng nhập cư của bệnh nhân.

Đức

Bệnh nhân thường không phải thanh toán chi phí cho việc điều trị COVID-19 ở Đức, nơi bảo hiểm y tế là bắt buộc đối với công dân và thường trú nhân, phần lớn trong số họ thuộc diện hưởng bảo hiểm do chính phủ trợ cấp. Các khoản đồng thanh toán được giới hạn ở mức tối đa là 2% thu nhập hàng năm của hộ gia đình.

Nga

Người dân Nga được khám và điều trị COVID-19 miễn phí theo Quỹ bảo hiểm y tế bắt buộc của liên bang. 

Trung Quốc 

Từ năm 2020, Trung Quốc quy định rằng các chi phí chẩn đoán, điều trị và thuốc men đối với người mắc COVID-19 sẽ được thanh toán bởi một khoản quỹ cộng đồng đặc biệt và bảo hiểm y tế xã hội. Quỹ An sinh Y tế Xã hội ở đây hoàn trả hầu hết các phương pháp điều trị cơ bản, trong khi quỹ đặc biệt chi trả các chi phí còn lại.

Nhật Bản

Bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra được xem là một bệnh truyền nhiễm được chỉ định. Việc điều trị y tế được chi trả bởi ngân sách, bất kể quốc tịch của bệnh nhân.

Hàn Quốc 

Bảo hiểm y tế là bắt buộc ở Hàn Quốc và người dân quốc gia không cần lo lắng về tiền viện phí điều trị COVID-19. Dịch bảo hiểm y tế quốc gia (NHIS) chi trả 80 hoá đơn y tế, phần còn lại do chính quyền trung ương và địa phương chi trả. 

Theo NHIS, chi phí trung bình để điều trị cho một bệnh nhân COVID-19 nhập viện có triệu chứng nặng là 650.000 won/ngày (1,3 triệu đồng), trong khi chi phí điều trị bệnh nhân thể nhẹ là 260.000 won tại các bệnh viện công và 180.000 won tại phòng khám. 

Malaysia

Người dân Malaysia được điều trị hầu như miễn phí tại các bệnh viện công nhưng tại các bệnh viện tư nhân, mức phí chênh lệch từ RM1.000 - RM30.000 một ngày (từ 5,5 triệu đồng đến 163 triệu đồng) tùy thuộc vào bệnh viện và mức độ nghiêm trọng của trường hợp. Phần viện phí đối với bệnh nhân do bệnh viện chính phủ chuyển đến bệnh viện tư nhân điều trị được chính phủ trợ cấp.

Singapore

Bộ Y tế Singapore ngày 8/11 cho biết bắt đầu từ ngày 8/12 tới, tất cả những người đã lựa chọn không tiêm vaccine ngừa COVID-19 dù đủ điều kiện sức khỏe nếu bị nhiễm SARS-CoV-2 và nhập viện sẽ phải tự thanh toán toàn bộ chi phí điều trị.

Tại Việt Nam, theo quyết định của Bộ Y tế chi phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và tại trạm y tế lưu động do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế. (nguồn: covid19.gov.vn)

Hoàng Trang/Báo Tin tức