09:06 04/09/2021

Sử dụng mạng xã hội có văn hóa và trách nhiệm

Mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ với hàng tỷ người sử dụng trên thế giới, trong đó giới trẻ Việt Nam là một trong những nhóm sử dụng mạng xã hội nhiều nhất, với hơn 70 triệu người dùng. Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích nhưng đây cũng là "mảnh đất màu mỡ'' để nhiều người thể hiện "cái tôi" theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Bên cạnh những thông tin lành mạnh, vui vẻ, không ít người, trong đó phần lớn là giới trẻ trở thành các "anh hùng bàn phím" sử dụng mạng xã hội để bôi xấu hình ảnh, thậm chí xúc phạm danh dự của cá nhân, tổ chức nào đó với những lời lẽ thiếu văn hóa, thô tục xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm gần đây.

Nhận diện các loại "anh hùng bàn phím"

Chú thích ảnh
2 Fanpage: “Hải Phòng” (Page.HaiPhong) và “An Lão 24h” ngày 6/5/2021 đã đăng tải thông tin có nội dung sai sự thật về tình hình, diễn biến dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN phát

Theo định nghĩa của chính "cư dân" trên mạng xã hội, cụm từ "anh hùng bàn phím" thực chất được sử dụng với ý nghĩa mỉa mai, chê cười những người "giấu mặt" sau màn hình máy tính. Họ bình luận (comment) qua bàn phím, một cách thoải mái, không cần quan tâm vấn đề đó đúng hay sai, bởi họ nghĩ mạng xã hội là thế giới ảo. Họ buông những lời lẽ thách thức, ngông cuồng không kiểm soát, không lường trước được hậu quả, kể cả việc có thể gây tổn thương cho người khác, “chém” những chuyện không liên quan đến mình hoặc nói những lời hoa văn mĩ miều, cao siêu, thay vì hành động đem đến những điều tốt đẹp cho người khác. Họ có thể là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, hay làm việc ở bất kể ngành nghề nào khác.

Không khó để tìm thấy "anh hùng bàn phím" trên mạng xã hội. Chỉ cần tham gia các diễn đàn hay các trang fanpage lớn của Facebook, có thể dễ dàng bắt gặp hàng trăm "anh hùng bàn phím". Trạng thái chung của họ là thường tham gia bàn luận các vấn đề theo kiểu chọc ngoáy, chửi mắng bên này, đồng cảm chia sẻ với bên kia, nhưng dù ở bên nào cũng đều thiếu đi cái nhìn bình tĩnh, thái độ quan sát sự việc một cách đầy đủ, rõ ràng.

Điển hình như câu chuyện về cuộc tấn công dữ dội của cư dân mạng vào Facebook cá nhân của trọng tài người Iraq Ali Sabah Adday Al-qaysi - người cầm còi trận đấu giữa Việt Nam với UAE thuộc vòng loại World Cup 2022.

Thậm chí, ngay khi hiệp 1 chỉ mới kết thúc, từ khóa "Ali Sabah Adday" đã nhanh chóng lên Top tìm kiếm tại Việt Nam. Cộng đồng mạng Việt Nam liên tục vào các bài đăng facebook của vị trọng tài để lại phẫn nộ cùng nhiều bình luận khiếm nhã.

Hay mới đây là câu chuyện về một chiến sỹ cảnh sát giao thông ở Long An phạt hai người trẻ đưa mèo ốm đi khám bác sĩ thú y trong thời gian giãn cách xã hội, vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19, diễn ra giữa tháng 7/2021. Tình huống trên đã dẫn tới rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng. Các ý kiến chia làm 2 luồng: Một bên xót thương cho chú mèo ốm và hai bạn trẻ, không đồng tình khi lực lượng trực chốt phòng dịch "không thông cảm" cho tình cảnh gấp gáp của họ. Còn bên kia khẳng định các đồng chí công an đã thực hiện đúng nhiệm vụ vì tình hình dịch COVID-19 đang rất căng thẳng, Long An đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại thành phố Tân An và 4 huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc. Chưa bàn đến chuyện người cảnh sát giao thông này làm đúng hay sai; điều đáng nói là rất nhiều người đã dùng mạng xã hội để buông ra những lời chỉ trích, xúc phạm tới anh cảnh sát này. Họ "tấn công" tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội của anh và vợ con để xúc phạm, làm ảnh hưởng đến tinh thần, cũng như đời sống của gia đình anh.

Theo khảo sát của Microsoft vào tháng 2/2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng - Digital Civility Index (DCI) của Việt Nam đang đứng thứ 5/25 của thế giới (chỉ số càng cao, mức độ văn minh càng thấp) - sau Nga, Columbia, Peru, Nam Phi.

Khảo sát này của Microsoft nhằm tìm hiểu nhận thức của thanh thiếu niên và người trưởng thành trên 25 quốc gia về cuộc sống trên mạng và những trải nghiệm của các đối tượng này đối với 21 rủi ro do các hành xử không đúng mực gây ra. Cũng theo khảo sát của Microsoft, top 5 chủ đề người Việt Nam thường có những hành xử không đúng mực bao gồm các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%).

Không những vậy, tại nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội, nhiều "anh hùng bàn phím" tham gia bàn luận về các vấn đề chính trị, xã hội, như bản thân mắt thấy, tai nghe; thậm chí còn chia sẻ các thông tin, hình ảnh, video nhảm nhí, thiếu chuẩn mực đạo đức, tung tin giả có nội dung xấu, độc, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội để câu like (lượt thích), câu view (lượt xem), làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Các hành vi này đều đã bị các cơ quan chức năng "chỉ mặt, gọi tên" và xử lý nghiêm minh.

Mỗi người cần ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội

Mọi hành vi bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác là vi phạm pháp luật và có đủ các chế tài pháp luật để xử lý. Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Trường hợp tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Người vi phạm còn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Theo Khoản 2, Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm với tình tiết định khung là “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.

Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị xúc phạm, ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm nếu có thiệt hại xảy ra theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Mức thiệt hại được quy định chi tiết tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015...

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên ban hành các văn bản yêu cầu sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc lan truyền các thông tin xấu, độc, tin sai sự thật; các cơ quan báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng các vụ việc, không lan truyền các thông tin sai sự thật, xúc phạm đến uy tín tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Đáng chú ý, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐBTTTT ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”. Bộ Quy tắc này gồm 3 chương, 9 điều, được xem là "thể chế mềm" điều chỉnh các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng và có tính chất khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Mục đích chính của Bộ quy tắc ứng xử này là nhằm tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, Bộ Quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chỉ mang tính chất khuyến cáo, khuyến nghị, nhưng khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

Bên cạnh các chế tài xử lý, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của những người sử dụng mạng xã hội. Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, người dân hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng bằng cách sử dụng mạng xã hội đúng quy định và có văn hóa. Hãy thật thận trọng khi đăng tải thông tin, đừng vì sự thiếu hiểu biết, bốc đồng mà chia sẻ hoặc bình luận những nội dung sai trái. Hơn ai hết, mỗi người sử dụng cần có ý thức ứng xử có văn hóa mới dần loại bỏ được những mặt tiêu cực trên mạng xã hội.

Phúc Hằng (TTXVN)