01:07 05/01/2023

Sử dụng hệ thống phòng không đắt đỏ để bắn hạ UAV giá rẻ của Nga, Ukraine sẽ trả giá đắt?

Giới chuyên gia cảnh báo việc Ukraine sử dụng tên lửa phòng không đắt đỏ chống máy bay không người lái (UAV) giá rẻ của Nga có thể khiến Kiev và các đồng minh phương Tây phải trả giá đắt.

Chú thích ảnh
Vệt tên lửa trên bầu trời thủ đô Kiev của Ukraine. Ảnh: AFP

Tờ New York Times cho biết thực tế những chiếc UAV tự sát nhỏ mà Nga sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine rẻ hơn nhiều so với tên lửa phòng không mà Kiev sử dụng để bắn hạ chúng. Điều này đang gây ra tình trạng mất cân bằng trong hoạt động tác chiến, trở thành vấn đề đáng lo ngại đối với Kiev và các quốc gia phương Tây. 

Cụ thể, trong bài báo hôm 4/1, New York Times không đặt câu hỏi về tuyên bố của Kiev rằng Ukraine đã bắn hạ hầu hết các UAV của Nga, mà tờ báo này lo ngại rằng dù ở thời điểm hiện tại, Kiev có đủ vũ khí đạn dược để đối phó với mối đe doạ từ UAV của Nga, nhưng không biết khi nào kho vũ khí phòng không của Ukraine sẽ cạn kiệt.

“Ukraine có thể duy trì khả năng phòng thủ trong bao lâu, khi nhiều biện pháp phòng thủ của nước này đắt đỏ hơn nhiều so với những chiếc UAV tự sát mà họ bắn hạ?” - tờ báo đặt câu hỏi.

Theo New York Times, ngoài việc cố gắng tiêu diệt các máy bay không người lái bằng súng phòng không và vũ khí có hỏa lực nhỏ, lực lượng của Kiev còn đang phụ thuộc rất nhiều vào tên lửa phóng từ máy bay chiến đấu và mặt đất, vốn rất đắt đỏ.

Ông Michael Kofman - nhà phân tích quân sự kiêm Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại CNA, tổ chức tư vấn quốc phòng của Mỹ - cho rằng Ukraine đang sử dụng nhiều hệ thống phòng không khác nhau để chống lại mối đe dọa từ UAV, trong đó có các hệ thống từ thời Liên Xô và do NATO cung cấp. Mỗi hệ thống có giá thành khác nhau. Một số pháo phòng không của Ukraine, chẳng hạn như pháo phòng không tự hành Gepard do Đức cung cấp, có giá thành tương đối phải chăng, nhưng một số tên lửa do Mỹ sản xuất có giá thành cao hơn nhiều so với những chiếc UAV.

Dẫn lời ông Artem Starosiek, người đứng đầu công ty tư vấn Molfar của Ukraine, tờ New York Times cho biết việc sử dụng tên lửa chống UAV tốn kém gấp 7 lần so với giá thành của 1 chiếc UAV mà nó bắn hạ. Máy bay không người lái mà Nga sử dụng có giá khoảng 20.000 USD/chiếc. Trong khi tên lửa đất đối không được Ukraine sử dụng để bắn UAV này có thể dao động từ 140.000 USD - với loại S-300 sản xuất từ thời Liên Xô, đến 500.000 USD với loại NASAM do Mỹ sản xuất.

Cuối tuần qua, các quan chức Ukraine cho biết quân đội nước này đã tăng cường sử dụng tên lửa đất đối không được bắn từ hệ thống phòng không NASAMS để chống lại UAV của Nga.

Chú thích ảnh
Máy bay không người lái của Nga được nhìn thấy ở Kiev, Ukraine. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ông Starosiek vẫn bảo vệ chiến lược của Kiev. Theo ông, mặc dù sử dụng tên lửa chống UAV là tốn kém, nhưng chi phí cho việc bắn hạ UAV cần phải được xem xét trong bối cảnh thực tế. Ông giải thích rằng bắn hạ một chiếc UAV vẫn tốn ít chi phí hơn nhiều so với việc sửa chữa một nhà máy điện bị hư hỏng hoặc phá hủy.

Ông George Barros, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, cho rằng Ukraine đang triển khai các hệ thống phòng không phức tạp và đắt tiền hơn để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và nhạy cảm. 

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo sự khác biệt về giá cả giữa UAV của Nga với và hệ thống phòng không mà Ukraine sử dụng sẽ gây mất cân bằng trong hoạt động tác chiến của hai bên. Họ cho rằng đây là một cuộc chiến không cân sức mà nếu kéo dài thì sẽ có lợi cho Nga, khiến Ukraine và các đồng minh phải chịu tốn kém. Tổng thống Zelensky cũng nhận định rằng Nga đang đặt cược vào “sự kiệt quệ của nhân lực, hệ thống phòng không và lĩnh vực năng lượng” của Ukraine.

Chú thích ảnh
Bộ phận của một chiếc máy bay không người lái sau khi bị phá huỷ ở Kiev, Ukraine. Ảnh: Reuters

Trong diễn biến liên quan, tờ New York Times cũng cho rằng máy bay không người lái mà Nga sử dụng ở Ukraine thực chất là những chiếc Shahed-136 do Iran cung cấp. Song cả Moskva và Tehran đều đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định rằng máy bay không người lái Geran-2 được sản xuất trong nước, giống như tất cả các phần cứng khác được sử dụng trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Bộ Ngoại giao Iran chỉ xác nhận đã gửi một lô nhỏ máy bay không người lái tới Nga trước khi cuộc xung đột nổ ra, đồng thời nhấn mạnh Iran không thực hiện đợt giao hàng mới nào kể từ đó.

Theo ước tính của Molfar, Nga đã triển khai khoảng 600 chiếc UAV nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự và hệ thống năng lượng của Ukraine kể từ tháng 9.

Từ đầu tháng 10, Nga đã thay đổi chiến thuật, tấn công vào các cơ sở năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine bằng các cuộc không kích tên lửa và UAV. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tấn công này có mục đích làm gián đoạn khả năng của Ukraine trong việc sửa chữa trang thiết bị và huy động quân đội. Điện Kremlin tuyên bố các cuộc tấn công nhằm đáp trả việc Kiev tấn công các vùng lãnh thổ của Nga, bao gồm vụ đánh bom cầu Crimea mà Moskva cho rằng Kiev đứng sau vụ việc. Tuy nhiên, Kiev đã phủ nhận mọi liên quan.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT, NYT)