03:08 24/03/2021

Sự cố hàng trăm căn hộ nhiễm phóng xạ từ sắt vụn tại Đài Loan

Cuộc điều tra kéo dài 4 năm đã kết thúc với việc rà soát khoảng 30.000 căn hộ trên khắp Đài Loan, và 2% trong đó được phát hiện nhiễm phóng xạ nguy hiểm. Tổng cộng khoảng 10.000 công dân đã tiếp xúc với mức độ phóng xạ cao, một số người đã bị ung thư.

Chú thích ảnh
Sắt vụn nhiễm xạ là nguồn gốc sự cố phóng xạ tại Đài Loan vào thập niên 1980-1990. Ảnh minh hoạ

Một ngày tháng 10 năm 1982, 604 tấn sắt vụn được đưa tới Công ty Sắt thép Hsin Jong ở Thái Nguyên, Đài Loan (Trung Quốc). Chúng nhanh chóng được nấu chảy, trở thành một phần trong 20.000 tấn thép cây thành phẩm – lượng thép được sử dụng để xây dựng trên 200 toà nhà trên khắp Đài Loan từ năm 1982-1983, bao gồm 30 trường học và 100 toà chung cư với trên 1.700 căn hộ.

Trong gần một thập kỷ, cư dân của những toà nhà đó đã sinh sống mà không nhận thức được mối nguy hiểm rình rập từ những bức tường nhà, dù đã có những dấu hiệu cảnh báo.

Ví dụ, năm 1985, trong một cuộc kiểm tra định kỳ của cơ quan chức năng với máy chụp X-quang, một nha sĩ làm việc tại khu biệt thự Minsheng ở Đài Bắc đã bị cấm sử dụng chiếc máy này khi các thanh tra phát hiện mức độ phóng xạ cao không thể chấp nhận trong văn phòng của ông.

Cùng năm đó, một cuộn thép cây đã gây ra báo động phóng xạ tại một nhà máy điện hạt nhân ở địa phương.

Nhưng phải đến năm 1992, toàn bộ mức độ của thảm hoạ mới được biết đến và bí mật về những khu chung cư nhiễm xạ mới được hé lộ.

Vào ngày 30/7 năm đó, một công nhân làm việc cho Taipower (Công ty Điện lực Đài Loan),  đang chỉ cho con trai mình cách Bộ đếm Geiger (dùng để phát hiện ra các nguyên tố phóng xạ) hoạt động thì thiết bị này bắt đầu báo động hàm lượng bức xạ cao bất thường phát ra từ những bức tường trong căn hộ của hai bố con.

Câu chuyện nhanh chóng được một phóng viên tờ Liberty Times xác nhận rằng, toà nhà này – và nhiều toà nhà tương tự - đang phát thải ra hơn 100 milisieverts bức xạ mỗi năm – tức là gấp 100 lần liều bức xạ an toàn được khuyến nghị.

Hoá ra nguồn gốc bức xạ là những thanh cốt thép được dùng xây nhà đã bị nhiễm Cobalt-60 có độ phóng xạ cao.

Cobalt-60 đến từ đâu thì vẫn chưa được rõ. Một số nguồn tin cho rằng số kim loại phế liệu này đã được bán cho Hsin Jong bởi Taipower, công ty vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân tại Đài Loạn Những người khác cho rằng nó đến từ các thiết bị đo lường bức xạ hoặc từ một máy trị liệu bức xạ dùng trong điều trị bệnh ung thư đã bị thải loại.

Cho dù gì đi nữa, ban đầu Ủy ban Năng lượng nguyên tử Đài Loan (AEC), cơ quan quản lý hạt nhân của vùng lãnh thổ này, đã hành động chậm chạp, trấn an người dân rằng mức độ bức xạ thực sự an toàn.

Nhưng dưới sức ép của Hiệp hội An toàn Bức xạ (ARS), AEC cuối cùng đã phải mở cuộc điều tra chính thức.  

Chú thích ảnh
Một ấn phẩm đưa tin về sự cố phóng xạ tại Đài Loan/Trung Quốc.

 Cuộc điều tra kéo dài 4 năm, tốn kém 15 triệu USD, đã kết thúc với việc rà soát khoảng 30.000 căn hộ trên khắp Đài Loan, và 2% trong đó được phát hiện nhiễm phóng xạ nguy hiểm.

Tổng cộng khoảng 10.000 công dân đã tiếp xúc với mức độ phóng xạ cao, một số người đã bị ung thư, bao gồm cả một cậu bé bị chiếu xạ bởi khung cửa sổ kim loại ở trường mẫu giáo và sau đó tử vong vì bệnh bạch cầu.

Năm 1993, ba quan chức AEC bị buộc tội không cảnh báo về ô nhiễm tại khu biệt thự Minsheng, dù đã biết về nó từ rất sớm vào năm 1985.

Vào năm 1997, toà án quận Đài Bắc đã ra phán quyết có lợi cho 57 nạn nhân phơi nhiễm phóng xạ và yêu cầu chính quyền Đài Loan bồi thường chi phí y tế cho họ.

Ngày nay, hầu hết cư dân của các toà nhà nhiễm xạ đã được sơ tán và bản thân các công trình này đều được khử độc hoặc phá bỏ.

Tuy nhiên, khi khoảng 8 chu kỳ bán rã của Cobalt-60 đã trôi qua kể từ năm 1982, bức xạ do các toà nhà còn lại phát ra đã giảm xuống dưới mức an toàn.

Mặc dù sự cố nhiễm xạ năm 1982 là một thảm kịch, nhưng đối với cộng đồng khoa học, nó lại mang đến một cơ hội nghiên cứu hiếm có và duy nhất. Hầu hết dư liệu về các ảnh hưởng của phóng xạ lên con người đến từ nạn nhân của những vụ phơi nhiễm phóng xạ cấp tính, như nạn nhân vụ bom nguyên tử ở Hiroshima, Nagasaki hay thảm hoạ Chernobyl. Còn sự cố tại Đài Loan là ví dụ lớn đầu tiên về phơi nhiễm phóng xạ mãn tính, trong thời gian dài với một lượng lớn dân số.

Năm 2007, một nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Khoa học và Công nghệ hạt nhân Đài Loan, dẫn đầu bởi ông W.L. Chien, đã công bố nghiên cứu phân tích kết quả sức khoẻ của 10.000 cư dân trong các căn hộ nhiễm phóng xạ, tất cả đều bị nhiễm trong 9-10 năm. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ liều bức xạ trung bình /mỗi người dân là 0,4 sievert/năm, khiến liều lượng cho cả tập thể là 4.000 sievert.

Theo mô hình LNT tuyến tính được chấp nhận rộng rãi về phơi nhiễm bức xạ, với tỷ lệ liều như vậy, người ta sẽ thấy tỷ lệ tử vong do ung thư là 7,8% và tỷ lệ dị tật bẩm sinh có thể nhìn thấy ở con cái của những cư dân trong độ tuổi sinh sản là 1,3%. Xét trong sự cố này, lần lượt là 302 và 67 trường hợp.

Chú thích ảnh
Một bản thống kê mức độ nhiễm xạ của cư dân tại 1.700 căn hộ được xây bằng thép nhiễm Cobalt-60. 

Nhưng khi Chien và các cộng sự phân tích dữ liệu, họ chỉ phát hiện 7 ca tử vong do ung thư và 3 ca bị dị tật bẩm sinh, chiếm khoảng 3% so với con số dự kiến. Kỳ lạ hơn, tỷ lệ ung thư còn thấp hơn tỷ lệ chung của dân số Đài Loan.

Vậy điều gì xảy ra ở đây?

Ông Chien suy đoán rằng hiện tượng này có thể liên quan đến một lý thuyết gọi là Bức xạ Hormesis, cho rằng liều lượng bức xạ thấp có thể có lợi.

Lý thuyết này cho rằng, một mức độ bức xạ thấp hoạt động giống như một loại vaccine, kích thích và tăng cường các cơ chế tế bào sửa chữa DNA bị hư hỏng, hoặc khiến các tế bào ung thư tự chết.

Theo mô hình Bức xạ Hormesis, mức bức xạ thấp có tác dụng trung tính hoặc có lợi, và chỉ trở nên có hại ở một ngưỡng nhất định. Những người ủng hộ lý thuyết bức xạ Hormesis cho rằng, sự cố chung cư nhiễm xạ tại Đài Loan là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy nguyên tắc này đang hoạt động.

Nhưng vẫn có một số vấn đề với lý thuyết Bức xạ Hormesis.

Mặc dù ý tưởng về Bức xạ Hormesis đã có từ hơn 100 năm, nhưng vẫn luôn là một chủ đề gây tranh cãi, và cho đến nay vẫn chưa có thí nghiệm nào chứng minh sự tồn tại của nó.

Điều tệ hơn nữa là nghiên cứu của Chien đã không kiểm soát độ tuổi của dân số được nghiên cứu. Vì các tòa nhà bị ảnh hưởng chủ yếu là trường học hoặc các tòa chung cư gia đình, có độ tuổi trung bình của cư dân trẻ hơn nhiều so với dân số Đài Loan nói chung - và do đó, tỷ lệ ung thư đương nhiên thấp hơn đáng kể.

Hơn nữa, các nghiên cứu của Đại học Yang Ming và Trường Y Đại học Đài Loan cho thấy tỷ lệ tổn thương DNA, quang sai nhiễm sắc thể, đục thủy tinh thể và bệnh tuyến giáp cao hơn - cũng như số lượng tế bào miễn dịch trung bình thấp hơn - trong số những người bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đồng ý rằng quy mô mẫu được sử dụng trong các nghiên cứu này là quá nhỏ để có thể đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào. Vấn đề phức tạp hơn nữa là thực tế là tỷ lệ ung thư có xu hướng thay đổi một cách tự nhiên lên đến 40% chỉ đơn giản là do lối sống như chế độ ăn uống, tập thể dục và hút thuốc, khiến ảnh hưởng của các yếu tố môi trường như bức xạ khó xác định.

Vì vậy, bồi thẩm đoàn trong vụ án căn hộ nhiễm xạ không quan tâm đến vấn đề Bức xạ Hormesis, và trong khi nhiều nhà nghiên cứu y học sẽ tranh thủ cơ hội thu thập thêm dữ liệu về chủ đề này, chúng ta chỉ hy vọng rằng một sự cố đáng sợ như vậy sẽ không bao giờ xuất hiện nữa.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo todayifoundout)