Nếu không có Starlink và SpaceX, Mỹ sẽ mất đi phần lớn vệ tinh đang hoạt động và tụt lại phía sau trong cuộc chiến kiểm soát không gian với Trung Quốc.
Tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang tin Oilprice.com ngày 6/7, những lời chỉ trích gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Elon Musk và SpaceX, với những đe dọa trục xuất hoặc cắt giảm hoạt động đang có nguy cơ làm chậm đáng kể hoạt động thám hiểm không gian của Mỹ, thậm chí nhường vị trí dẫn đầu cho Trung Quốc. Đây là một nhận định có cơ sở, khi nhìn vào lịch sử không gian của Mỹ và vai trò then chốt của SpaceX trong việc định hình lại cục diện này.
Khi Mỹ từng "mắc kẹt" trong không gian
Giai đoạn lịch sử trước khi SpaceX xuất hiện cho thấy một bức tranh đáng lo ngại về chương trình không gian của Mỹ. Sau vinh quang của sứ mệnh Mặt Trăng, chương trình bay vào vũ trụ có người lái của Mỹ đã gặp không ít trở ngại. Chương trình Tàu con thoi, kéo dài ba thập kỷ (1981-2011), đã tiêu tốn gần 200 tỷ USD nhưng không đáp ứng được kỳ vọng. Matthew Hersch, nhà sử học về công nghệ, người nghiên cứu về các công nghệ hàng không vũ trụ, máy tính và quân sự thời Chiến tranh Lạnh, trong nghiên cứu "Dark Star: A New History of the Space Shuttle", đã kết luận một cách cay đắng: "Theo mọi thước đo, tàu con thoi đã không đáp ứng được ngay cả những hy vọng khiêm tốn nhất xung quanh nó".
Sau hai vụ tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng của 14 phi hành gia, chương trình Tàu con thoi bị ngừng, đẩy Mỹ vào thế bị động. Ngày 14/11/2011 đánh dấu thời điểm tồi tệ nhất khi phi hành gia Mỹ Daniel Burbank phải bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bằng tên lửa Soyuz của Nga. Trong những năm tiếp theo, các phi hành gia Mỹ đã thực hiện tới 30 chuyến bay lên ISS bằng tên lửa Nga, một sự phụ thuộc rõ ràng và tốn kém.
SpaceX: "cứu tinh" của ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ
Sự xuất hiện của SpaceX đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Việc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ký hợp đồng với công ty tư nhân này là lối thoát duy nhất để tiến lên. Thành công lớn nhất của tỷ phú Elon Musk, CEO của SpaceX, chính là việc giảm đáng kể chi phí phóng.
Harry W. Jones từ Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA đã chỉ rõ trong bài luận năm 2018: "Chi phí phóng trung bình không thay đổi nhiều từ năm 1970 đến năm 2010… Từ năm 1970 đến năm 2000, chi phí phóng trung bình là 18.500 USD/kg. Chi phí đã giảm mạnh vào năm 2010 với Falcon 9 ở mức 2.700 USD/kg. Nhưng Falcon Heavy (tên lửa đẩy siêu nặng có thể tái sử dụng một phần được thiết kế và sản xuất bởi SpaceX) đã giảm chi phí xuống còn 1.400 USD/kg". So với Tàu con thoi, chi phí phóng của SpaceX thấp hơn khoảng 20 đến 40 lần.
Khả năng tái sử dụng tên lửa của SpaceX, đặc biệt là với Falcon 9 và sắp tới là Starship, là một thành tựu kỹ thuật mang tính cách mạng. Hãy tưởng tượng nếu mọi máy bay phải bỏ đi sau một chuyến bay duy nhất, du lịch hàng không sẽ trở nên quá xa xỉ. Đây chính là lý do tỷ phú Musk tập trung vào khả năng tái sử dụng, giúp giảm chi phí và tăng tần suất phóng. Tên lửa đẩy giai đoạn một và tàu vũ trụ quỹ đạo giai đoạn hai của Starship đều có thể tái sử dụng, mở ra kỷ nguyên mới cho việc khám phá không gian sâu và các sứ mệnh lên sao Hỏa.
Ưu thế vệ tinh và thách thức từ Trung Quốc
Vai trò của SpaceX trong việc duy trì ưu thế vệ tinh của Mỹ là không thể phủ nhận. Vào năm 2024, SpaceX đã phóng gần gấp đôi số tên lửa so với Trung Quốc – quốc gia đứng thứ hai về du hành vũ trụ. Trong số 261 sứ mệnh không gian trên toàn thế giới năm 2024, SpaceX đã phóng 134 tên lửa (Trung Quốc với 68 lần phóng). Không có SpaceX, Mỹ thậm chí sẽ không thể thực hiện được hai chục lần phóng tên lửa vào năm ngoái.
Hơn nữa, trong tổng số 12.952 vệ tinh đang hoạt động trong không gian, 8.530 vệ tinh đã được Mỹ triển khai. Đáng chú ý, 7.855 vệ tinh trong số này thuộc về Starlink, một công ty khác của tỷ phú Musk. Nếu loại bỏ Starlink, Mỹ sẽ chỉ còn chưa đến 700 vệ tinh trong không gian, tụt xuống vị trí thứ 4 sau Nga (1.559), Trung Quốc (906) và Vương quốc Anh (763). Những con số này minh chứng rõ ràng tầm quan trọng của Starlink trong việc duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ trong không gian.
Do đó, những gì Tổng thống Trump gọi là "trợ cấp" mà công ty của tỷ phú Musk nhận được, thực chất chủ yếu là các hợp đồng của NASA. SpaceX cung cấp các dịch vụ mà NASA không thể tự cung cấp, hoặc chỉ có thể làm được với chi phí cao hơn rất nhiều. Việc hủy bỏ hoặc cắt giảm các hợp đồng này sẽ không chỉ gây thiệt hại cho ngành công nghiệp không gian Mỹ mà còn vô hình trung có lợi cho Trung Quốc – đối thủ cạnh tranh chính mà Tổng Trump đã từng đề cập.
Tóm lại, vai trò của Starlink và SpaceX không chỉ đơn thuần là thúc đẩy thám hiểm không gian mà còn là trụ cột then chốt trong chiến lược an ninh quốc gia và duy trì ưu thế công nghệ của Mỹ. Bất kỳ hành động nào nhằm làm suy yếu SpaceX cũng đồng nghĩa với việc tự nguyện nhường lại lợi thế quan trọng này cho các đối thủ.