04:09 12/04/2012

Sống sót sau khi máy bay rơi từ hơn 3.000 mét

Một ngày cuối năm 1971, cô gái 17 tuổi người Pêru gốc Đức Juliane Koepcke đã thoát chết một cách kỳ diệu sau khi rơi từ độ cao hơn 3.000 mét trong một vụ tai nạn máy bay tại một khu rừng nhiệt đới ở Pêru.

Một ngày cuối năm 1971, cô gái 17 tuổi người Pêru gốc Đức Juliane Koepcke đã thoát chết một cách kỳ diệu sau khi rơi từ độ cao hơn 3.000 mét trong một vụ tai nạn máy bay tại một khu rừng nhiệt đới ở Pêru. Suốt 10 ngày sau đó, Koepcke lần mò trong rừng sâu, đối mặt với cái đói, cái rét và những hiểm nguy rình rập, nhưng sau cùng đã may mắn được trở về với gia đình. Hơn 40 năm sau, Koepcke quyết định kể lại những gì đã xảy ra mà đối với bà là nỗi ám ảnh khủng khiếp.

"Chuyến bay định mệnh diễn ra vào một ngày trước lễ Giáng sinh năm 1971. Hành khách ai cũng muốn sớm được về nhà nên cảm thấy rất khó chịu khi chuyến bay bị chậm tới 7 tiếng. Rồi khi đang ở trên không trung, đột nhiên, máy bay của chúng tôi chui vào trong một đám mây đen. Mẹ tôi có vẻ như hốt hoảng, nhưng tôi thì không; vì tôi thích được bay.


Koepcke (trái) trong lễ tốt nghiệp trước ngày xảy ra tai nạn.


Mười phút sau đó, mọi chuyện có vẻ như không ổn. Sau một cú rung lắc khá mạnh, chiếc phi cơ bắt đầu chao đảo bất thường. Hành lý, túi xách... rơi ra khỏi khoang đựng, bay tung tóe khắp máy bay. Tôi hoảng sợ khi nhìn thấy những tia chớp bắn ra quanh thân máy bay. Mẹ tôi nắm chặt lấy tay tôi, nhiều hành khách khác bắt đầu khóc lóc và la hét. Khoảng 10 phút sau, tôi nhìn thấy một khối lửa lớn phát ra từ động cơ bên ngoài, phía bên trái máy bay. Mẹ tôi nói bằng giọng bình tĩnh: “Thôi, xong rồi; đây là thời khắc tận thế”. Đó là câu nói cuối cùng của mẹ mà tôi nghe được.

Chiếc phi cơ lao chúi xuống đất. Tất cả tối đen như mực, chỉ có tiếng gầm rú của động cơ. Rồi đột nhiên, tiếng động cơ im bặt, và tôi cảm thấy mình bị bắn ra khỏi máy bay. Tôi ở trong trạng thái rơi tự do, người vẫn dính chặt vào ghế ngồi. Âm thanh duy nhất tôi có thể nghe lúc đó là tiếng gió rít chói tai. Tôi cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi thấy mình gần rơi xuống một cánh rừng. Sau đó, tôi bị ngất và không hề nhớ gì về cú tiếp đất. Về sau, tôi mới biết là máy bay đã bị vỡ tan thành nhiều mảnh từ độ cao khoảng 3.000 mét.

Tôi tỉnh lại vào ngày hôm sau. Ý nghĩ đầu tiên thoáng trong đầu là: “Mình đã sống sót sau một vụ tai nạn máy bay”. Tôi gào khóc gọi mẹ, nhưng chỉ nghe những tiếng hú vọng của núi rừng. Tôi cảm thấy đơn độc và đau đớn.

Tôi bị vỡ xương đòn gánh và bị nhiều vết cắt sâu ở cả hai chân, nhưng các vết thương không nghiêm trọng lắm. Sau đó, tôi mới nhận ra là mình đã bị đứt một dây chằng ở đầu gối, nhưng tôi vẫn có thể đi được.


Juliane Koepcke - người may mắn sống sót sau vụ tai nạn máy bay.

Trước khi bị tai nạn, tôi đã có một năm rưỡi sống cùng cha mẹ tại trạm nghiên cứu trong rừng sâu nên đã học được nhiều điều về cuộc sống nơi rừng thẳm. Nó không đến nỗi nguy hiểm, càng không phải là chốn địa ngục màu xanh như người ta vẫn tưởng. Tôi nghe thấy âm thanh của những chiếc phi cơ bay lượn phía trên đang tìm xác chiếc máy bay gặp nạn, nhưng rừng quá âm u, nên tôi không thể nhìn thấy chúng được.

Tôi gặp một con suối nhỏ và quyết định đi men theo nó, vì tôi biết rằng lội dưới nước là an toàn nhất. Trước đó, tôi nhặt được một túi kẹo, nhờ đó có cái bỏ vào dạ dày. Nhưng khi kẹo hết, tôi không còn gì để ăn và cảm thấy vô cùng sợ hãi với ý nghĩ mình sẽ chết đói trong rừng sâu.

Thời tiết ban ngày rất nóng, dù đôi khi có vài trận mưa. Nhưng về đêm trời khá lạnh và khốn khổ cho tôi là chẳng kiếm được cái gì giữ ấm cơ thể (khi đi máy bay, tôi chỉ mặc một bộ quần áo cộc).

Sang ngày thứ tư tôi nghe thấy tiếng chim kền kền bay ngang qua đầu. Tôi nhận ra âm thanh của nó nhờ những ngày sống cùng với bố mẹ ở trong rừng. Tôi thấy sợ vì biết rằng loài kền kền chỉ xuất hiện khi đánh hơi thứ gì đó bị thối rữa và chắc đó là thi thể của những hành khách xấu số.

Tôi phát hiện một hàng ghế ngồi với ba hành khách trong tư thế đầu cắm xuống đất. Tôi tê cứng cả người, đó là lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy xác người chết. Tôi thầm nghĩ có thể là mẹ tôi, nhưng khi chạm vào thân thể của người phụ nữ, tôi mới nhận ra người này sơn móng chân - điều mà mẹ tôi không bao giờ làm. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng về sau lại thấy hổ thẹn vì ý nghĩ đó.

Đến ngày thứ mười tôi không thể đứng vững được nữa và buộc phải từ bỏ ý định đi dọc theo một con sông lớn mà tôi mới phát hiện ra. Tôi cảm thấy tuyệt vọng vô cùng, cứ như thể tôi đang sống trên một hành tinh hoàn toàn tách biệt với thế giới con người.

Khi nhìn thấy một con thuyền lớn, tôi cứ nghĩ là mình bị ảo tưởng, cho đến khi chạm tay vào nó, tôi mới tin đó là sự thật một trăm phần trăm. Cùng lúc ấy, tôi nhìn thấy một lối đi nhỏ dẫn tới một túp lều lợp lá cọ. Bên trong túp lều có một động cơ dùng cho loại xuồng nhỏ và một lít xăng.

Tôi có một vết thương trên cánh tay phải bị một số con côn trùng xâm nhập. Tôi chợt nhớ lại ngày trước khi con chó của gia đình tôi bị nhiễm trùng như thế, bố tôi đã lấy dầu hỏa bôi vào vết thương, vì thế, tôi lấy xăng đổ vào vết thương trên cánh tay. Đau và nóng khủng khiếp, nhưng tôi đã loại bỏ được một số côn trùng. Tôi quyết định nghỉ qua đêm trong túp lều.

Ngày hôm sau, tôi nghe giọng nói của vài người đàn ông bên ngoài túp lều. Nghe tiếng họ mà tôi cứ ngỡ như nghe tiếng của các thiên thần. Nhưng khi nhìn thấy tôi, họ lập tức bặt im, không nói gì nữa. Họ tưởng tôi là Thần nước - động vật tạp lai giữa cá heo và người đàn bà tóc vàng, da trắng thường xuất hiện trong các câu chuyện dân gian địa phương.

Sau khi tôi tự giới thiệu với họ bằng tiếng Tây Ban Nha và kể cho họ nghe về những gì đã xảy ra, họ đã cho tôi ăn và chữa trị những vết thương cho tôi. Ngày hôm sau, họ đưa tôi trở về với thế giới văn minh.

Một ngày sau khi ra khỏi rừng sâu, tôi đã được gặp cha. Hai cha con không thể thốt nên lời, chỉ ôm chặt lấy nhau. Những ngày sau đó, cha tôi quyết tâm tìm cho được mẹ tôi. Ngày 12/1/1972, người ta đã tìm thấy xác bà.

Về sau, tôi được biết là mẹ tôi cũng sống sót sau vụ tai nạn, nhưng không may mắn như tôi, vì bị thương quá nặng nên bà đã chết vài ngày sau đó.

Hà Thu Hoạch (P/v TTXVN tại Cuba)