01:21 18/01/2016

Sông Nile rực rỡ ánh sáng thần Amun - Kỳ 2

Những vị pharaoh người Kush được xem là con trai của thần Amun, và thần Amun sẽ chọn vua mới thông qua các thầy tế. Lễ đăng quang thường diễn ra ở ngôi đền tại ngọn núi thiêng Jebel Barkal.

DẤU VẾT CỦA VỊ THẦN “ĐẦU CỪU”

Từ những mảnh vỡ trong lớp đất đá còn sót lại ở thành phố hoàng gia Dangeil (Nubia cổ đại), các nhà khoa học lần tìm ra manh mối dẫn đến câu chuyện của một vị thần tối cao từng được tôn thờ.

Mảnh tượng của ít nhất ba vị vua Kush từng cai trị trong hai thế kỉ 6 và 7 trước Công nguyên đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy tại thành phố Dangeil của người Kush, cùng bằng chứng về sự tồn tại của một cấu trúc lớn từng là một ngôi đền thờ thần Amun, có cùng niên đại. Trong số ba vị vua được tìm thấy vết tích tại đây, Taharqo là pharaoh mang dòng máu Kush xuất hiện sớm nhất, cai trị Nubia và Ai Cập từ năm 690 đến 664 trước Công nguyên. Trong tình trạng nguyên vẹn ban đầu, bức tượng của Taharqo cao khoảng 2,7 m. Trên một mảnh vỡ được phục dựng, các nhà khoa học tìm thấy dòng chữ tượng hình Ai Cập: “Vị thần hoàn hảo Taharqo, được thần Amun-Re yêu mến”.

Dãy tượng tại đền thờ thần Amun ở Karnak.

Quả thật, trong khoảng thời gian này, những vị pharaoh người Kush được xem là con trai của thần Amun, và thần Amun sẽ chọn vua mới thông qua các thầy tế. Lễ đăng quang thường diễn ra ở ngôi đền tại ngọn núi thiêng Jebel Barkal. Vị vua mới sẽ thăm những ngôi đền khác của thần Amun rồi cho xây dựng thêm những ngôi đền mới cũng như sửa sang những ngôi đền cũ. Đây là những thủ tục để tạo nên sự kết nối của vị vua với thần Amun, đồng thời là sự khẳng định quyền cai trị của nhà vua.

Theo cách hiểu như trên, Taharqo là một nhà lãnh đạo đặc biệt tham vọng. Ông đã cai trị một vương quốc có đường biên giới phía bắc mở rộng đến Palestine. Ông đã cho sửa sang và xây dựng các ngôi đền trên lãnh thổ Ai Cập và Nubia, có khả năng bao gồm cả ngôi đền của thần Amun ở thành phố hoàng gia Dangeil. Thành phố hoàng gia này đồng thời cũng là điểm xa nhất về phía nam nơi các nhà khoa học tìm thấy một bức tượng mô phỏng Pharaoh Taharqo. Điều này chỉ ra rằng nơi đây có thể là điểm đánh dấu cực nam vương quốc của Pharaoh Taharqo. 

Theo thời gian, sự kiểm soát của người Kush mở rộng xa hơn về phía nam và đến thế kỉ thứ 3 trước công nguyên, thủ đô của vương quốc này được cho là đã được chuyển từ Napata đến Meroe, nằm ở phía nam của Dangeil. Julie Anderson, nhà nghiên cứu của Bảo tàng Anh, đồng giám đốc của cuộc khai quật tại thành phố Dangeil, cho hay: “Chúng tôi không biết chính xác thời điểm phía nam bắt đầu có ảnh hưởng lớn hơn, nhưng có vẻ như mọi chuyện diễn ra trong thế kỉ thứ 7 trước Công nguyên. Với việc tìm thấy những bức tượng ở Dangeil và sự hiện diện của công trình này, có vẻ như hoàng gia tại Napata có sự kiểm soát trực tiếp với khu vực đó trong thời gian này”.

Sự cai trị của người Kush ở Ai Cập lên đến cực thịnh dưới thời Pharaoh Taharqo, nhưng chương cuối của vương triều này lại là thất bại với việc phần lớn lãnh thổ Ai Cập rơi vào tay những kẻ xâm lược Assyria. Và dưới sự cai trị của người kế cận Taharqo, Tanutamun (triều đại khoảng từ năm 664 đến năm 657 trước Công nguyên), cuối cùng, Nubia bị tách hoàn toàn khỏi Ai Cập.

Ngoài tượng của Pharaoh Taharqo, các nhà khoa học còn tìm thấy tượng của hai vị vua khác của người Kush tại Dangeil là Senkamanisken (triều đại khoảng từ năm 643 đến năm 623 trước Công nguyên) và có thể là Aspelta (triều đại khoảng từ năm 593 đến năm 568 trước Công nguyên). Chữ tượng hình trên lưng tượng của Senkamanisken xác nhận ông là “Vua của Thượng và Hạ Ai Cập”. Chi tiết này cho thấy cho dù đã tách khỏi Ai Cập từ nhiều thập kỉ trước, người Kush vẫn xem mình là những nhà cai trị chính đáng của Ai Cập. Tuy nhiên, tất cả những ý định tái chinh phục Ai Cập của người Kush đều bị dập tắt khoảng vào thời kì bắt đầu triều đại của Aspelta. Năm 593 trước Công nguyên, đội quân của Pharaoh Ai Cập Psamtek II đã xâm lược và đánh bại Nubia. Dù bị làm vỡ một cách có chủ ý ở phần cổ, đầu gối và mắt cá, nhưng vẻ ngoài của những bức tượng các vị vua người Kush được tìm thấy tại Dangeil không bị hủy hoại.

Tại cùng địa điểm ở Dangeil nơi được cho từng có một ngôi đền của thần Amun có niên đại từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy bằng chứng tồn tại của một ngôi đền thờ thần Amun khác có niên đại từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, có cùng hướng với công trình cũ và sử dụng một số bức tường của công trình cũ làm nền móng. Theo Anderson, điều này cho thấy công trình cũ có thể vẫn còn hoạt động khi được thay thế dưới triều đại của nữ hoàng Amanitore và người cùng nhiếp chính Natakamani, một giai đoạn hòa bình và thịnh trị, được xem là kỷ nguyên vàng son của nền văn minh Kush. Cuộc chiến với người La Mã vốn đã biến Ai Cập thành thuộc địa, chấm dứt khoảng vào năm 20 trước Công nguyên bằng một hiệp ước hòa bình và giao thương. Theo bước chân của những nhà lãnh đạo như Taharqo, những người trị vị thời kì này cũng theo đuổi việc xây dựng, sửa chữa và mở rộng các ngôi đền trên lãnh thổ Nubia.

Những gì còn sót lại của tổ hợp ngôi đền tại Dangeil chỉ ra rằng đây từng là một địa điểm rất lộng lẫy. Từng có một cánh cổng lớn rộng khoảng 30 m nhìn ra dòng sông Nile. Phía bên trong là một lối đi với hai bên là những bức tượng cừu đực bằng đá sa thạch trong tư thế quỳ, những biểu tượng có mối liên hệ rõ ràng với thần Amun ở Nubia. Tại vương quốc này, thần Amun được khắc họa là một vị thần có đầu của một con cừu đực. Đây được xem là cách thần Amun đầu người của Ai Cập được hợp nhất với những vị thần đầu cừu địa phương vào thời điểm du nhập vào Nubia. Dọc theo con đường dẫn đến một khu vực nơi bức tượng thần Amun ngự trên một con thuyền linh thiêng. Trong các kì lễ hội, các thầy tế sẽ khênh bức tượng thần Amun ra bên ngoài khu vực linh thiêng của ngôi đền. Đám đông dân chúng vốn bị cấm lui tới khu vực linh thiêng, sẽ được phép chè chén trước sự hiện diện của thần Amun.

Kỳ cuối: Lịch sử huy hoàng
Anh Minh (Theo Archaeology)