01:09 01/01/2016

Sông

Thuở bé tôi thường ra sông chơi. Con sông tuổi thơ không có tên, nhỏ nhắn uốn lượn giữa hai bờ dâu. Bên kia sông, bãi dâu rộng ngút tầm mắt. Có một dạo đói kém người ta đào hết các cội dâu già để trồng ngô. Ngô răng ngựa hạt ken dày nhai mỏi răng.

Bà nội tôi sống gần trăm tuổi hàm răng đen vẫn dày nhưng nhức bảo: “Chặt phá hết dâu thế có tội đấy, có tội với cụ Thượng”. Tôi ngây ngô hỏi: “Cụ Thượng ở đâu hở bà?”. Bà nội thở dài: “Cụ ở dưới sông làng, năm trước các anh các chị chả phá miếu thờ, phá đình chùa quẳng xuống sông là gì”. Tôi hờn dỗi: “Cháu biết đâu đấy”. Bà nội vuốt vuốt mớ tóc đuôi gà của tôi thì thầm: “Cha tiên nhân chị. Rồi lại khổ thôi”.

Một luồng gió ù ù thổi xuống bàn làm việc. Tôi sực tỉnh, khẽ rùng mình. Tôi đã gục thiếp trên chiếc bàn làm việc lúc nào không biết. Cái đồng hồ cổ chạy lịch xịch báo hiệu đã đến bữa ăn trưa. Trấn tĩnh nhìn xuống ngực mình tôi khẽ mỉm cười. Cái áo véc khoác hờ rơi xuống đất lộ ra phần ba khuôn trăng căng đầy, lấp ló. Tuổi bốn mươi, thân thể tôi căng nhức giễu cợt lũ đàn ông hiếu sắc. Những thư ký xinh đẹp cánh đàn ông mới đến văn phòng tôi hấp háy xin số di động, hứa hẹn mây xanh khi được các em dẫn vào đối diện bà chủ cứ thẫn ra. Lúc ấy tôi thường nháy mắt với nữ thư ký: “Trưa cho phép em đi dùng bữa với chị. Anh đây cưng em rồi đó”. Thường những đức ông hiếu danh hiếu sắc lập tức xoa tay, sờ tai, gãi đầu thành kính: “Xin phép chị. Mời chị đi riêng ạ. Chuyện này quan trọng...”.

Minh họa: Trần Thắng

Tôi cười. Tiếng cười ma mị người đời bảo có dục tính và thường đậm nét khinh khi sao lũ kia vẫn cứ bám riết. Chúng cần tiền của danh vọng? Hay là chúng thật lòng yêu thương tôi, một tổng giám đốc duyên phận còn đang giăng ra phía trước. Trái tim tôi sao cứ chai như đá tảng. Những lá dâu cành dâu mơn mởn tuổi thơ tôi đánh đổi bằng bê tông cốt thép chóng vánh hoàn thiện đến vậy sao. Thuở mười ba, sau cái hôm bà nội mắng tôi ngốc nghếch tôi trở thành thiếu nữ. Hôm tắm con sông thiêng tôi hốt hoảng thấy lũ cá mương tợn tạo rúc rúc vào phần trinh nữ của tôi, một con hứng chí rúc quá mạnh mắc kẹt vào chiếc quần con mẹ tôi mới mua trên phố huyện ngúc ngắc cái đuôi tội nghiệp. Tôi gỡ chú cá mương ra chợt thấy trong làn nước trong vắt ghềnh đá bến sông lòa xòa tre trúc một màu đầm đậm, hồng hồng từ chiếc quần con xinh xinh rịn ra loang chùm sợi hồng lạ lẫm. Linh cảm mơ hồ và ngượng ngập, tôi gỡ chú cá mương háu đói lúng túng thả ra. Chú nhoai người liệng liệng trên mặt nước rồi phơi bụng thoi thóp, lềnh bềnh. Tôi bỗng ôm mặt khóc thương chú cá mương tội nghiệp vốn tinh nghịch nhưng yếu đuối và rất dễ bị tổn thương. Từ ấy tôi không tắm trong sông nữa.

Cô thư ký văn phòng bước vào sau tiếng gõ cửa. Váy xẻ cao, bộ cánh màu be hồng ôm khít tấm thân thiếu nữ. Tôi không nhìn em vẫn mường tượng ra cái mím môi trẻ con, hất hỏng. Học hành không đến nơi đến chốn song thường ghen tị. Tập tài liệu tôi đã ký đẩy về phía trước có thể thay câu trả lời nhưng tôi lại lên tiếng. “Em ngồi xuống. Chị muốn nói chuyện với em. Trưa nay, hai chị em mình ăn cơm mời”. Cô gái cúi đầu, di di ngón chân: “Thưa chị, được ạ”.

Bữa tiệc sang trọng được bày biện tao nhã trên dòng sông Mẹ. Những tre trúc một thời giương đôi mắt trước tấm thân thiếu nữ đương thì giờ bình thản tiếp đón người trở về từ viễn xứ. Người đàn ông đối diện bông đùa với cô thư ký: “Em nhìn dòng sông kìa, mãnh liệt lắm đấy”. Cô thư ký của tôi như hoạt bát hơn trong bộ váy mới tinh thơm mùi vải vóc: “Anh tinh tế lắm, còn biết là sếp em thích sông”. Chàng thanh niên lái xe cho người đàn ông nghiêm trang nhìn mọi người nói nhỏ nhẹ, rõ ràng: “Em xin phép tự giới thiệu, em là Lăng, kỹ sư địa chất mới về chỗ anh Tư. Em đã được nghe nhiều về chị”.

Lăng? Một cái gì khẽ rộn rạo trong tôi. Xa lắm. Mộng mơ thời thiếu nữ tôi có gắn tới cái tên độc đáo ấy. Người ấy cũng làm khảo sát, dạo về sông thiêng khảo sát làm cầu tôi học dưới trường huyện. Một tốp cứ lặn ngụp đo đạc dọc triền sông và hay trêu chọc tôi. Hôm ấy, không hiểu sao có mỗi một anh, tôi đi học ngang bờ, bạo dạn: “Lặn ngụp ở đây có hà bá đấy, chú gì ơi!”. Chàng trai dưới sông cười lóa nhóa trong cái nắng tháng sáu khua khua tay: “Đừng gọi chú, chú lặn luôn xuống đáy mất đấy”. Tôi hứng chí càng tợn tạo: “Chú lặn thử xem!”. Tưởng chơi, ai ngờ người ấy lặn thật. Lâu lắm không thấy tăm bọt gì. Tôi hốt hoảng. Rồi hoang mang, quýnh quáng chạy trên bờ săm soi. Im lặng. Trưa vắng. Làng xa yên tĩnh đến rợn người. Và trước mặt tôi dòng sông không một gợn sóng, bóng tăm. Tôi ngồi buông phịch cặp xuống bãi cỏ sát mép nước, nước mắt tự nhiên cứ trào ra thút thít rồi òa vỡ.

Khi sự hoang mang đã lên tới tột cùng bỗng cảm giác có ai đang đến ở đằng sau. Tôi quay phắt người lại. Trời ơi! Chính là người ấy quần áo chỉnh tề, mặt mũi đầu tóc còn ướt sũng nước sông. Tôi quay phắt nhìn dòng sông hờn dỗi. Người ấy ngồi sát xuống và một giọng trong veo, ấm áp lạ thường: “Chú xin lỗi cháu”. Tôi bật cười, xoay người không nhìn chú, lặng ôm chặt cặp sách trước ngực đứng lên, người kia giọng chợt trở lên hốt hoảng: “ Sao? Giận gì mà vô cớ thế. Muốn chú lặn hẳn xuống lòng sông hay sao?”. Tôi mím môi, quay lại nói bừa: “Chú giỏi thì lặn đi. Lần này thì cho chết”. Rồi cứ thế, tôi chạy thẳng khỏi bãi cỏ ấy, không thèm ngoái lại.

Người đàn ông trò chuyện rất thân tình với cô thư ký. Mấy ly rượu vàng sóng sánh mật ong khua múa lanh canh. Tôi vẫn chưa trả lời cậu kỹ sư trẻ. Rõ ràng cậu trợ lý trẻ tinh tế và láu lỉnh. Thứ đàn ông này ít ra khiến tôi bớt khinh khi, tôi trêu lại cậu: “Thế người ta nói gì về tôi vậy đồng chí kỹ sư. Chắc không phải chuyện riêng tư chứ?”. “Không, em có cái nhìn của em, chị lạ lắm”. Tôi bật cười. Cũng thế cả thôi. Đã có người đàn ông nào bảo tôi không lạ? Rồi thì lân la làm quen, rồi thề bồi, dụ khị, cả lạy lục, lật lường. Tạm cất vào sâu cái ý nghĩa ấy, tôi nhìn người đàn ông đang tất bật trêu chòng cô thư ký, buông giọng lạnh lùng cố hữu: “Anh Tư, ta vào việc được chưa anh?”. Người đàn ông loay hoay sửa cái ca vát đỏ sặc sỡ: “Dạ, Cảm ơn chị. Xin được bắt đầu ạ. Chị đã đọc tập dự án tôi gửi hôm trước rồi chứ. Tôi muốn chị nhường lại cho mặt bằng dự án của chị. Mức đền bù là tùy ở chị”. Tôi mỉm cười nhìn vào cặp môi mỏng, sống mũi cao và vầng trán hơi dô của vị Tổng giám đốc nhỏ nhẹ: “Anh biết đấy. Nó là tuổi thơ tôi. Sao anh không tìm một nơi khác. Đất đai bây giờ thiếu gì?”.

Người đàn ông hơi nhổm người nhìn thẳng vào tôi giọng nói vẻ hơi run: “Ra là thế, thú thật với chị nó cũng là tuổi thơ của tôi. Hay là ta liên doanh với nhau được không?”. Tôi lặng đi. Người đàn ông trước mặt chợt mờ nhòe, ẩn hiện chập chờn sương khói. Không thể là người trước đây trêu chòng, lặn ngụp trên sông thiêng được vì đoàn khảo sát địa chất ngày ấy mãi trên trung ương về. Về rồi lại đi. Năm cuối cấp tôi còn nhận được lá thư từ biên giới Tây Nam, nói rằng anh đã chuyển ngành sang Quân đội và đang vừa làm địa chất vừa cầm súng. Lá thư bây giờ tôi còn giữ. Trải qua bao biến cố nó vẫn nằm trong trái tim tôi. Tôi coi đó là mối tình duy nhất của mình đến bây giờ và biết đâu là mãi mãi. Tôi bảo người đàn ông trước mặt: “Tôi không tán thành dự án của anh. Nó sẽ giết chết con sông bằng chất thải. Tôi không đồng ý”. Người đàn ông đờ đẫn thở dài: “Tôi không còn phương án khác. Nếu nó không được thực hiện, chúng tôi có thể bị phá sản”. “Kinh doanh thì phải chấp nhận”. Tôi lạnh lùng nhìn người đàn ông không chút xót thương.

Tôi không thể làm khác vì đó là biến cố gia tộc tôi. Dự án của tôi đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mọi chuyện đền bù đã xong. Địa phương hoan nghênh tôi trở về quê đầu tư, lại đầu tư chính ngành nghề đang mai một. Ao ước của tôi cho những triền dâu phải xanh trở lại. Gió trên sông ngai ngái hương dâu thở dọc tuổi thơ tôi phải hồi sinh. Đó là mệnh lệnh tâm linh không gì xâm phạm được.

Bữa tiệc đi vào im lặng. Tôi nhìn ra sông. Ở đấy sông đang trôi. Sông đang miệt mài trôi về phía chân trời.

Tôi trở về văn phòng trong trạng thái mông lung, huyền hoặc. Chúng tôi đã uống khá nhiều rượu. Cô thư ký lễ phép xin tôi về nghỉ mắt bỗng ánh lên lóng lánh. Cuộc đời vốn vậy ư? Một cái gì đã và sẽ tiến hành cản trở công việc của tôi? Chắc sẽ là rất nhiều. Chắc sẽ là rất quyết liệt. Trời sẩm sẩm. Chiếc điều hòa phòng ngủ chạy êm ả, ru vỗ. Tôi ngắt mọi liên lạc với bên ngoài để trở về với thế giới của riêng mình.

Năm giờ rưỡi sáng tôi tỉnh dậy. Cảm thấy có cái gì váng vất, tôi ào vào bồn tắm xả nước nóng. Cơ thể tôi bồng bềnh. Khoái cảm dồn trở lại. Tôi chợt nhớ đến cậu kỹ sư trẻ và cái nhìn mạnh mẽ, bao dung. Cậu ấy bao nhiêu tuổi nhỉ? Đã đến ba mươi chưa? Hay là hơn? Còn người đàn ông tham vọng kia nữa. Khổ thân các người chưa. Mê lú vào những tiền tài, xác thịt để làm gì?

Vận bộ đồ thể thao mốt nhất tôi rời khỏi văn phòng. Trời đất còn mờ mịt hơi sương. Những bước chân sếu của tôi giẫm sang đường đất rồi tràn ra triền cỏ xanh mướt. Những bụi dâu non ngỡ ngàng đón bàn chân chờ đợi, phấp phỏng mấy mươi năm. Gió sớm lào xào trên mặt sông, lùa vào tai vào tóc vào bờ mi khóe mắt mùi lá dâu non ngai ngái, ươn ướt. Hít thật sâu hơi thở đồng bãi. Tôi nhìn sang bên kia sông phía xa mờ mờ, ụ lô cốt xù xì nghiêng đổ xuống lòng sông hình như có ai đang ngồi bó gối nhìn dòng sông đang thầm thĩ chảy.

Phùng Văn Khai