08:18 19/08/2022

'Sống mòn' bên dự án 'treo' đường sắt Yên Viên - Cái Lân - Bài 1: Mòn mỏi đợi điều chỉnh dự án

Hiện trạng của Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân gần 20 năm qua.

Chú thích ảnh
Đường tàu đã lâu không hoạt động, cỏ mọc um tùm, nhiều chỗ bị hư hỏng.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được phê duyệt đầu tư từ năm 2004 với chiều dài 131 km; trong đó, có 43 km xây mới và 88 km cải tạo, nâng cấp. Điểm đầu tại ga Yên Viên (Hà Nội), điểm cuối tại Cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Đến năm 2009, sau khi mới triển khai được một phần khối lượng, dự án đã “đắp chiếu. Người dân phải mòn mỏi chờ đợi quá lâu và có thể họ sẽ phải chờ thêm từ 4 - 8 năm nữa dự án mới có thể tái khởi động. Hiện trạng của dự án đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân gần 20 năm qua. Bộ Giao thông vận tải và các ngành liên quan có trách nhiệm gì và giải pháp nào để sớm khởi động lại dự án, giúp người dân ổn định cuộc sống vẫn là câu hỏi chờ giải đáp.

Bài 1: Mòn mỏi đợi điều chỉnh dự án 

Từ năm 2004, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo và được Chính phủ cho phép triển khai dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Dự án có tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, chia làm 4 tiểu dự án gồm: tiểu dự án Yên Viên - Lim; Lim - Phả Lại; Phả Lại - Hạ Long; Hạ Long - Cái Lân. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020 nhưng đến nay vẫn “bất động” mặc sự chờ đợi mòn mỏi của hàng nghìn hộ dân.

Dự án tiếp tục treo?

Trước cuộc sống khó khăn, mòn mỏi, “mắc kẹt” trong chính ngôi nhà của mình, cử tri tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp để có cơ chế tháo gỡ khó khăn cũng như khẩn trương tái khởi động dự án. Mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng Đoàn Đại biểu tỉnh Quảng Ninh đã có ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị làm rõ tiến độ, kế hoạch triển khai tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại -  Hạ Long - Cái Lân cũng như các cam kết của Bộ đối với dự án này.

Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục xác định hình thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trong giai đoạn đến năm 2030 nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, đảm bảo tính kết nối giữa nhiều phương thức và tối ưu hóa chi phí vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và những địa phương dọc tuyến.

Do dự án được phê duyệt đầu tư đã lâu và thực tế đã có những thay đổi nhất định về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực dự án đi qua nên Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt rà soát, nghiên cứu lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sớm tiếp tục triển khai hoàn thành để đưa dự án vào khai thác. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Bộ Giao thông vận tải sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền đề triển khai đầu tư trong Kế hoạch giai đoạn 2026 - 2030.

Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc người dân Quảng Ninh còn phải tiếp tục đợi chờ ngày dự án khởi động lại trong một khoảng thời gian không ngắn.

Hàng nghìn người “sống mòn” bên dự án

Chú thích ảnh
 Người dân bức xúc vì nhà cửa tạm bợ nhưng không được xây dựng, không được chuyện nhượng, mua bán.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 3.600 hộ dân ở các địa phương gồm thành phố Hạ Long, Uông Bí, thị xã Đông Triều, Quảng Yên trong diện dự án đi qua bị ảnh hưởng. Từ khi được phê duyệt đến nay, dự án đã nhiều lần thay đổi về thời gian hoàn thành. Hàng nghìn hộ dân đã hết năm này qua năm khác trông chờ dự án tái khởi động.

Nếu theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 thì hàng nghìn hộ dân sẽ tiếp tục thấp thỏm chờ đợi, không chỉ 4 năm mà có thể là 8 năm nữa.

Ông Trần Văn Nhuần, tổ 36C, khu 10 phường Quang Trung, thành phố Uông Bí bức xúc, dự án đường sắt đi qua nhà ông hơn chục năm nay nhưng chưa triển khai. Ông muốn tách sổ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho con hoặc xây nhà không được vì có dự án.

"Cứ như thế này, đến đời con, đời cháu cũng không xây được nhà để ở. Đã vậy, thời gian thực hiện lại tiếp tục kéo dài thì biết khi nào mới chuyển nhượng, tách sổ chia đất cho con cháu. Nếu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai dự án thì đề nghị tiến hành sớm" - ông Nhuần chia sẻ.

Cũng vì không thể tách sổ, chuyển nhượng hay xây dựng… mà gia đình 3 thế hệ nhà ông Nhuần sống chật chội trong căn nhà cấp 4 được xây dựng quá nửa thế kỷ. Cứ mưa là con cháu của ông phải lấy chậu hứng nước.

Chị Dư Thị Hợp con dâu ông Nhuần nói “cứ mưa là trong nhà bị dột khắp nơi, ngấm từ phòng trên xuống dưới, mặc dù đã ốp tôn chồng lên nhưng che được chỗ này lại dột chỗ khác”.

Cũng chung cảnh ngộ, ở vào tuổi “gần đất xa trời” vợ chồng ông Vũ Văn Miện ở khu Vĩnh Trung, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều đang sống cùng với người con trai bệnh tật và một cháu nhỏ trong căn nhà cũ nát. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình ông Miện đi làm nuôi 3 miệng ăn, ngôi nhà nhỏ gắn bó mấy chục năm đến nay đã xuống cấp, chật chội. Gia đình muốn sửa sang lại cũng không được, muốn bán đi không ai dám mua.

Đất thuộc phạm vi dự án nên dân muốn sửa chữa nhà hay bán không được. Còn nếu để nguyên hiện trạng thì phải chịu cảnh dột nát, chắp vá năm này qua năm khác.

Ông Miện kiến nghị, cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương nhanh chóng có phương án tháo gỡ, rút ngắn thời gian triển khai dự án. Nếu tiếp tục kéo dài thêm mấy năm nữa nữa những người đã hơn 70 tuổi như ông không đợi được. Trong khi đó, dự án treo nên người dân cũng chưa được nhận đền bù, không có kinh tế để mua được đất nơi khác sinh sống.

Nhu cầu về nhà ở của người dân là cần thiết và cấp bách, việc kéo dài dự án đến hơn 2 thập niên đã khiến rất nhiều quyền lợi của người dân bị trì hoãn. Trong khi thành viên ở các gia đình nhiều thế hệ ngày càng tăng lên và lớn dần khiến chất lượng cuộc sống giảm sút.

Bài cuối: Mong dự án tái khởi động và gỡ khó cho người dân

Bài và ảnh: Đức Hiếu (TTXVN)