11:23 19/11/2012

Sống mãi tình thầy trò với bài hát “Khi tóc thầy bạc trắng”

Hàng năm, mỗi khi đến ngày 20/11, những ca khúc, những giai điệu đẹp ca ngợi công lao to lớn của các thầy cô giáo, những "người chèo đò” được xã hội tôn vinh là một trong những nghề cao quý nhất lại vang lên.

Hàng năm, mỗi khi đến ngày 20/11, những ca khúc, những giai điệu đẹp ca ngợi công lao to lớn của các thầy cô giáo, những "người chèo đò” được xã hội tôn vinh là một trong những nghề cao quý nhất lại vang lên. Trong gia tài của các nhạc sỹ viết về đề tài này có nhạc sỹ, NSƯT Trần Đức với bài hát “Khi tóc thầy bạc trắng”. Tác phẩm được công nhận là 1 trong top 50 bài hát hay nhất thế kỷ 20 dành cho các em thiếu niên nhi đồng.

 

Nghệ sỹ ưu tú Trần Đức.

 

Có lẽ rất nhiều người, trong đó có biết bao thế hệ học sinh, mỗi khi nghe những giai điệu nhẹ nhõm, ca từ dung dị của bài hát “Khi tóc thầy bạc trắng” đều cảm thấy đôi chút bâng khuâng. Đặc biệt là mỗi khi đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.


Nhạc sỹ, NSƯT Trần Đức sinh năm 1937, tại Vị Xuyên, Mỹ Lộc, Nam Định. Những năm 1940, do cuộc sống khó khăn, mẹ con ông bồng bế nhau vào Thanh Hóa ngụ cư, nương tựa người bà con đang làm quan ở trong đó. Kháng chiến bùng nổ, gia đình ông chạy vào Cầu Quan (Nông Cống, Thanh Hóa). Chính tại đây, ông đã được thầy giáo Nguyễn Đức Ninh - người thầy giáo dạy văn, hết lòng dạy dỗ, dìu dắt. Và chính thầy Ninh cũng là người góp phần không nhỏ vào việc định hướng cho nghề nghiệp của ông sau này. Nhạc sỹ Trần Đức kể lại, năm đó ông khoảng 11-12 tuổi, trong một lần đến thăm nhà, thầy giáo đã nói với mẹ của ông rằng: “Bà cố gắng nuôi cháu nên người, nếu được dạy dỗ tốt, tôi nghĩ cháu sẽ thành một văn nhân giúp ích cho đời...”. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi câu nói ấy của thầy.


Với bài hát "Khi tóc thầy bạc trắng", nhạc sỹ Trần Đức cho biết, bài hát được ông lấy nguyên mẫu từ thầy giáo Nguyễn Đức Ninh, từ cảm xúc trong lần ông gặp lại thầy. Ông nhớ lại: “Trong một chuyến công tác vào Thanh Hóa, tôi tìm về Nông Cống thăm thầy giáo cũ. Khi tôi gõ cửa nhà thầy, thầy giáo ra mở cửa, nhưng không nhận ra tôi. Chỉ đến khi tôi gọi: “Thầy ơi, con Trần Đức đây ạ”, thầy giáo ôm chầm lấy tôi, vỗ vai bảo: “Sao lại cao lớn thế này!”. Ngày tôi học thầy, tôi chỉ cao đến ngang vai thầy, còn hôm ấy, đứng so với tôi thầy chỉ cao ngang vai tôi, nhưng mái tóc thầy thì đã bạc trắng. Khi trở về Hà Nội, hình ảnh người thầy giáo già với mái tóc bạc trắng vẫn in đậm trong tâm trí, khiến tôi vô cùng xúc động. Thế rồi, khi mấy anh bạn nhạc sỹ động viên tôi sáng tác ca khúc về người thầy giáo để chuẩn bị cho hội diễn, những hình ảnh và cảm xúc của tôi khi gặp lại thầy Ninh lại ùa về, và tôi đã viết bài “Khi tóc thầy bạc trắng”. Bài hát ra đời xuất phát từ tình cảm chân thật của tôi dành cho thầy giáo già đáng kính của mình...”.


Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết, ca từ dung dị, nhưng lại ẩn chứa trong đó tình cảm nồng thắm, cùng nỗi niềm bâng khuâng của người học trò, khi nhớ về người thầy giáo cũ với mái tóc bạc trắng:


Khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh
Khi tóc thầy bạc trắng, chúng em đã lớn khôn rồi
Thời gian trôi nhanh mau
Cầu Kiều thầy đưa qua sông
Tuổi ấu thơ như hoa nở dưới mái trường...


Nhớ về thầy giáo, nhạc sỹ lại nhớ đến những câu ca dao, những bài đồng dao ngày xưa thầy dạy, để từ đó ông cho ra đời những câu hát chan chứa tình thương yêu, lòng biết ơn công lao người thầy đã dạy dỗ mình nên người:


Một con đò sang ngang - Ôi lòng thấy mênh mang!
Cho em biết yêu cánh cò trong câu ca dao
Cho em biết yêu bống trắng ăn cơm vàng của cô Tấm ngoan
Và cho em yêu ai hai sương một nắng để làm nên lúa vàng
Bài học làm người em vẫn nhớ ghi
Công cha nghĩa mẹ ơn thầy


Nhạc sỹ Trần Đức cho biết, hầu hết những hình ảnh ẩn chứa trong lời bài hát đều được ông vận dụng từ những câu ca, những bài đồng dao thầy dạy ngày xưa. Hình tượng “một con đò sang ngang” và “cầu Kiều” trong bài hát được ông vận dụng từ câu ca dao: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”; hay câu hát “Cho em yêu ai hai sương một nắng để làm nên lúa vàng” được ông lấy ý từ những ca dao “Cày đồng đang buổi ban trưa/Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày...”. Tất cả những hình tượng trong bài “Khi tóc thầy bạc trắng” rất gần với thực tế, là nơi tuổi thơ ông đã trải qua với nhiều kỷ niệm. Những tình cảm của ông trong bài hát đã cộng sinh với tình cảm của biết bao thế hệ học trò, cảm xúc của ông cũng giống như cảm xúc của các học trò về những người thầy của mình, có lẽ vì vậy mà bài hát có sức sống mãnh liệt và nó được nhiều thế hệ học trò yêu thích.


Năm 1999 - 2000, bài hát “Khi tóc thầy bạc trắng” đã được bình chọn vào trong top “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20”. Sau khi ca khúc được chọn, nhạc sĩ Trần Đức đã mang thành tích này, đặt lên bàn thờ, thắp hương để báo tin vui với người thầy của mình. “Trong tâm khảm tôi, tôi luôn nhớ và biết ơn những gì thầy Ninh đã định hướng, dạy dỗ tôi nên người. Bài hát “Khi tóc thầy bạc trắng” được công chúng yêu thích cũng là cái “lộc” lớn lao mà thầy đã mang đến cho tôi” - nhạc sỹ, NSƯT Trần Đức tâm sự.


Bài và ảnh: Phương Hà