10:00 10/10/2011

Sống lại dòng xẩm Hà Nội

Một thời gian dài, nghệ thuật hát xẩm nói chung và hát xẩm Hà Nội nói riêng đã bị lãng quên. Thế nhưng giờ đây, xẩm Hà Nội đã lại trở về với người dân Thủ đô và khách du lịch trong và ngoài nước khi đến tham quan tuyến phố đi bộ, chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân ...

Một thời gian dài, nghệ thuật hát xẩm nói chung và hát xẩm Hà Nội nói riêng đã bị lãng quên. Thế nhưng giờ đây, xẩm Hà Nội đã lại trở về với người dân Thủ đô và khách du lịch trong và ngoài nước khi đến tham quan tuyến phố đi bộ, chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân qua những chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Phát triển Âm nhạc Việt Nam.

Đi chợ… nghe hát xẩm

Đã thành thông lệ, cứ đến tối thứ 7, chợ đêm Đồng Xuân trở nên náo nhiệt hơn, phần vì tối cuối tuần, người mua kẻ bán đông đúc hơn, nhưng cũng còn có một lý do khác nữa, đó là vì hôm đó chiếu xẩm “Hà Nội 36 phố phường” ở trước cổng chợ Đồng Xuân lại “sáng đèn”.

Hát xẩm trở thành “món ăn” không thể thiếu của người dân Thủ đô vào tối thứ bảy hàng tuần tại chợ đêm Đồng Xuân.


Khoảng 8 giờ tối, những người dân sống quanh khu phố cổ Hà Nội, những du khách trong và ngoài nước và người yêu âm nhạc dân tộc lại tìm đến cổng chợ Đồng Xuân để nghe hát xẩm. Vòng người trong ngoài vây kín sân khấu, người xem đủ mọi lứa tuổi, từ người già đến người trẻ, đặc biệt là có rất nhiều khách du lịch nước ngoài cũng đến xem. Khi ánh đèn sân khấu rực sáng, những nghệ sỹ vận đồ nâu thẫm, đeo kính đen, đội nón lá, người kéo nhị, người gõ phách lại say sưa với những “Lỡ bước sang ngang”, "Mục hạ vô nhân", rồi xẩm chợ, xẩm tàu điện, xẩm xoan, xẩm ba bậc... làm sống động cả khu phố cổ Hà thành.

Mở đầu là điệu xẩm chợ với bài “Vui nhất có chợ Đồng Xuân”: “Hà Nội như động tiên sa / Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần / Vui nhất có chợ Đồng Xuân / Mùa nào thức nấy xa gần đến mua/Cổng giữa có chị hàng dừa/ Hàng cau, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng/ Ai ơi đứng lại mà trông/ Hàng vóc, hàng nhiễu thong dong rườm rà...”. Rồi Đồng Xuân, người nghe được đi thăm 36 phố phường Hà Nội qua bài xẩm “Hà Nội 36 phố phường”: “Nghìn thu lập hội thái bình/ Trải xem phong cảnh, khắp thành Thăng Long/ Ba mươi sáu mặt phố phường/ Hàng Đẫy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào…”.
Mê hát xẩm và trở thành một khán giả thường xuyên của chiếu xẩm “Hà Nội 36 phố phường” từ nhiều năm nay, chị Vũ Hà, trú tại số 3A - Đồng Xuân cho biết: “Ngày còn bé, tôi đã từng được nghe hát xẩm, nhưng khi đó nhỏ quá tôi chưa biết nhiều. Bây giờ chiếu xẩm ngay gần nhà, hôm nào có chương trình biểu diễn tôi lại ra xem. Nghe nhiều thế nhưng tôi vẫn không thấy chán, mà càng ngày càng thấy thích, thấy hay”.

Anh Darren, một du khách đến từ Mỹ đã đứng nghe từ đầu đến cuối chương trình. Anh thích thú cho biết: “Thật tuyệt vời khi du lịch đất nước bạn, tôi lại được xem một chương trình nghệ thuật dân gian độc đáo đến vậy. Nếu có cơ hội trở lại, nhất định tôi sẽ lại tìm đến đây để nghe”.

Nét riêng cho phố phường Hà Nội

Hát xẩm có từ rất lâu trên đất kinh kỳ Thăng Long xưa. Vốn có nguồn gốc từ chốn thôn quê, nhưng khi ra tới Hà Nội, xẩm cũng được thay đổi để thích nghi và dần trở thành một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của Hà Nội. Người Hà Nội am hiểu và có trình độ trong việc thưởng thức văn hóa, họ yêu thích thơ ca, vì thế các gánh hát xẩm đã khéo léo lồng vào điệu hát xẩm những bài thơ của các thi sỹ như “Anh khóa”, “Cô hàng nước” (của Á Nam Trần Tuấn Khải), “Giăng sáng vườn chè”, “Em đi tỉnh về” của Nguyễn Bính và xẩm đã trở thành một thứ âm nhạc đường phố vô cùng độc đáo, góp phần tạo nên nét đặc sắc riêng văn hóa phố phường của Thăng Long – Hà Nội. Nhưng suốt một thời gian dài, nghệ thuật hát xẩm nói chung và hát xẩm Hà Nội nói riêng đã bị lãng quên, tưởng như đã thất truyền.

Nhận thấy đây là một loại hình nghệ thuật dân gian quý báu của Hà Nội cũng như Việt Nam, rất cần được phục hồi, cách đây 8 năm, một nhóm nhà nghiên cứu, nghệ sĩ tự bỏ tiền túi ra để đi học hát xẩm, khôi phục lại loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Nhạc sỹ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển âm nhạc Việt Nam, phụ trách chiếu xẩm “Hà Nội 36 phố phường” cho biết: “Phục hồi xẩm đã rất vất vả, nhưng để chiếu xẩm “sống” được thì càng vất vả hơn. Với mong muốn giới thiệu loại hình nghệ thuật này với công chúng, nên 6 năm nay, chiếu xẩm biểu diễn miễn phí cho bà con đã hình thành. Điều an ủi chúng tôi nhiều nhất là khán giả đến xem ngày càng đông, và hơn thế nữa, số người đến xin học hát xẩm cũng ngày càng nhiều.

Đức Huy, một chàng trai Hà Nội, chỉ vì mê xẩm mà bỏ cả đại học để theo hát xẩm, tâm sự: “Nghệ thuật truyền thống nói chung, hát xẩm nói riêng là một môn nghệ thuật dân gian rất bình dị, mà càng hát càng thấy mê, càng hát càng thấy hay hơn…”. Còn nghệ sỹ trẻ Thu Phương, cũng vì mê hát xẩm mà từ Quảng Ninh lên tận Hà Nội, gia nhập đội ngũ những nghệ sỹ hát xẩm. Phương tâm sự: “Khi thấy những bài hát xẩm được nhân dân đón nhận, tôi thấy hạnh phúc và thấy việc làm của mình có ý nghĩa hơn. Tôi sẽ cố gắng thật nhiều để ngày càng có nhiều bạn trẻ biết đến âm nhạc dân gian, có cơ hội tiếp xúc và thử sức mình với âm nhạc dân gian”.

Bài, ảnh: Phương Lan