10:01 12/10/2019

Song hành cùng cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc

19 giờ ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng phát bản tin đầu tiên, đánh dấu sự ra đời và thực hiện sứ mệnh duy trì mạch thông tin thông suốt, kịp thời về cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.

"Dòng điện không bao giờ tắt"

Nhà báo lão thành Thanh Bền, người gắn bó với Thông tấn xã Giải phóng từ những ngày đầu thành lập, nhớ lại: “Với phóng viên chiến trường thì chuyện sống hay chết cũng không còn quan trọng bằng việc đem được những tin, bài “nóng”, về những chiến thắng của quân giải phóng ở chiến trường gửi Tổng xã một cách nhanh nhất”.

Chú thích ảnh
Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về  Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh: TTXVN

Đôi dòng ký ức của nhà báo lão thành chứa trong đó biết bao tháng năm gian khổ mà hào hùng của đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng trong việc duy trì “mạch máu” thông tin ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam. Tin, ảnh của Thông tấn xã Giải phóng từ Cà Mau đến Quảng Trị, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn – Gia Định… đều luôn nóng hổi, không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí trong, ngoài nước mà còn giúp Trung ương cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định chiến lược.

Không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Tin, ảnh của Thông tấn xã Giải phóng đẫm tính thời sự, thông tin kịp thời thành tích quân dân ta bẻ gãy kế hoạch Staley-Taylor, chiến thắng lớn tại Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964), các đợt phản công chiến lược mùa khô của Mỹ ngụy (2 lần) và đặc biệt là cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968). Thông tin của Thông tấn xã Giải phóng thực hiện về Chiến dịch xuân - hè năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi trên chiến trường và trên các bàn đàm phán.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Thông tấn xã Giải phóng tung ra hai cánh quân lớn cùng với một số phóng viên Việt Nam Thông tấn xã bám sát các đơn vị chủ lực. Nhờ vậy, phóng viên Thông tấn xã là những nhà báo đầu tiên có mặt tại các “địa điểm đánh dấu mốc” ghi lại thắng lợi của cách mạng năm 1975 ở các địa phương. Nhiều phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đã có các tin, bài, ảnh có giá trị thông tin, lịch sử cao, trong đó có những bức ảnh nổi tiếng như “Xe tăng chiếm dinh Độc lập” của phóng viên Trần Mai Hưởng (sau này trở thành Tổng giám đốc TTXVN), “Mẹ con ngày gặp mặt” của phóng viên Lâm Hồng Long (sau này được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật)…và tác phẩm làm lay động lòng người như bức ảnh “Cầu người” của phóng viên Phạm Văn Thính.

Thông tấn xã Giải phóng còn là đơn vị chủ lực thông tin về hai phái đoàn của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh ngoại giao với phái đoàn của Mỹ và của ngụy quyền Sài Gòn tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng cũng có mặt tại Trại Davis để thông tin về hoạt động của Ban liên hợp quân sự bốn bên, chủ yếu là giám sát việc trao trả tù binh và việc rút quân Mỹ theo Hiệp định Paris.

Cùng với cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên mặt trận quân sự, ngoại giao..., Thông tấn xã Giải phóng đã tạo dư luận đồng tình trong nước và quốc tế, góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân 1975.

Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan ngôn luận chính thức và duy nhất phát đi toàn thế giới thông báo về sự ra đời và Cương lĩnh chính trị của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (20/12/1960) cũng như sự kiện thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (tháng 6/1969). Bên cạnh đó, Thông tấn xã Giải phóng thường xuyên phát đi những thông tin chính thức trong vai trò, tư cách là cơ quan phát ngôn của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đồng thời khẳng định vai trò cơ quan ngôn luận chính thức, chính thống có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh rất phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam.

Những chiến sĩ "chắc tay bút, vững tay súng"

Trong chiến tranh, lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng khi tham gia đưa tin trong các trận đánh đều trở thành chiến sĩ.

Trong chiến dịch càn quét của Mỹ có tên Junction City những năm 1966-1967, đội du kích cơ quan Thông tấn xã Giải phóng đã phối hợp cùng với du kích các cơ quan Ban tuyên huấn Trung ương cục, bộ đội địa phương, quân chủ lực bẻ gẫy trận càn lớn của địch.

Nhiều cán bộ, nhân viên của Thông tấn xã Giải phóng đã kiên cường chiến đấu và hi sinh. Điển hình như đồng chí Trần Ngọc Đặng, tháng 3/1967 đã bắn cháy 2 xe bọc thép Mỹ và anh dũng hi sinh, được tuyên dương danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”. Đồng chí Trần Văn Minh (chiến đấu cùng đồng chí Đặng) bị thương nặng, bị Mỹ bắt và cưa chân. Phóng viên Trương Thị Mai bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng vẫn không một lời khai báo, chấp nhận hi sinh để bảo toàn căn cứ.

Phóng viên ảnh Lương Nghĩa Dũng đã hi sinh trong lúc chụp ảnh truy kích xe tăng địch tại mặt trận Quảng Trị. Năm 2007 phóng viên Lương Nghĩa Dũng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật với tác phẩm ảnh “Đấu pháo ở Dốc Miếu” và năm 2016 được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật với bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại”. Đồng chí Phó giám đốc Bùi Đình Túy (bút danh Đinh Thúy), hi sinh tại trảng Dầu (Bình Long) ngày 21/9/1967 do bị địch ném bom. Ông là nhà báo đầu tiên được lấy tên để đặt cho đường phố tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, có 14 phóng viên tin, ảnh và điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng anh dũng hi sinh, trong đó có các trường hợp hi sinh tập thể, điển hình như phân xã Kiến Tường (nay là Long An) 3 lần bị địch hủy diệt, nhiều đồng chí hi sinh năm 1968. Phân xã Rạch Giá (Kiên Giang) 5 lần bị địch giết hại toàn bộ phóng viên, kỹ thuật viên (tổng cộng 16 đồng chí hi sinh, số liệu chưa xác minh đủ). Phân xã Nam Tây Nguyên (khu X) có 5/6 đồng chí cùng hi sinh do bom địch năm 1969. Phân xã Nam Trung Bộ cũng có 4 cán bộ, phóng viên hy sinh vì bom đạn của địch...

Có gia đình, hai cha con đều là liệt sĩ của Thông tấn xã Giải phóng hoặc hai anh em ruột cùng hi sinh cho sự nghiệp thông tấn.

Theo số liệu chưa đầy đủ, Thông tấn xã Giải phóng có 240 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên… hi sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu, tương đương hơn 50% tổng biên chế phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên... của Thông tấn xã Giải phóng vào thời điểm cuối năm 1974 (cuối năm 1974 Thông tấn xã Giải phóng có 441 người). Nhiều phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên những cánh rừng, đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hi sinh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Tiếp bước truyền thống

Ngày 10/12/1975, Việt Nam Thông tấn xã thành lập Chi nhánh Việt Nam Thông tấn xã tại Đà Nẵng (nay là Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung – Tây Nguyên, và ngày 8/6/1976, Bộ phận thường trực của Việt Nam Thông tấn xã tại B2 (nay là Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam) chính thức được thành lập.

Phát huy truyền thống của Thông tấn xã Giải phóng nói riêng và TTXVN nói chung, lực lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… của TTXVN đã tiếp tục nỗ lực cống hiến, hi sinh, ghi tiếp những trang vàng cho lịch sử thông tấn cách mạng Việt Nam. Vừa thực hiện nhiệm vụ thông tin trong nước, các phóng viên, biên tập viên của TTXVN trong đó có rất nhiều người từng công tác tại Thông tấn xã Giải phóng còn thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer đỏ và giúp bạn xây dựng cơ quan thông tấn quốc gia. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, phóng viên TTXVN bất chấp hiểm nguy, đã bám sát cơ sở, tham gia tuyên truyền, góp phần làm tan rã hoàn toàn lực lượng Fulro.

Hơn 40 năm tiếp bước truyền thống thông tấn trong kháng chiến, TTXVN nói chung và Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng tiếp tục đạt được những kết quả to lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Những nỗ lực đó đã được Đảng, Nhà nước cùng nhiều bộ, ngành ghi nhận thông qua nhiều phần thưởng cao quý.

CÁC PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ
Tập thể: Năm 1968, Trung ương cục miền Nam khen tặng Thông tấn xã Giải phóng 16 chữ vàng “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.
Thông tấn xã Giải phóng đã được nhận: 1 Huân chương (HC) Độc lập hạng Ba, 2 HC Độc lập hạng Nhất, 2 HC Độc lập hạng Nhì, 2 HC Độc lập hạng Ba, 6 Cờ thi đua của Chính phủ, 9 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 Huân chương Thành đồng hạng Nhì, 1 Huân chương giải phóng hạng Nhất.
Bên cạnh đó là Khen thưởng thành tích tiêu biểu của Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam và Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung – Tây Nguyên: 1 HC Độc lập hạng Ba, 2 HC Lao động hạng Nhất, 2 HC Lao động hạng Nhì, 2 HC Lao động hạng Ba, 6 Cờ thi đua Chính phủ, 9 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Cá nhân: 1 HC Độc lập hạng Nhất, 5 HC Độc lập hạng Nhì, 15 HC Độc lập hạng Ba, 1 HC kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, 1 HC kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, 44 HC kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 34 HC kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, 32 HC kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, 18 Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 44 Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì.
TH/Báo Tin tức