09:00 21/09/2011

“Sóng di động” giúp ngư dân yên tâm bám biển

Để tự bảo vệ mình trong những chuyến ra khơi, ngư dân đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng những tổ tàu tự quản, liên kết ra khơi.

Để tự bảo vệ mình trong những chuyến ra khơi, ngư dân đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng những tổ tàu tự quản, liên kết ra khơi. Mỗi nhóm (tổ, đội) gồm ít nhất từ 3 - 5 tàu cá cùng xuất phát, nên khi có tàu nào gặp bất trắc thì các tàu còn lại hỗ trợ, thông báo cho thành viên trong tổ biết để chủ động ứng cứu kịp thời.

 

 

Anh Phan Văn Hải, xã Quỳnh Lâp, huyện Quỳnh Lưu, (tỉnh Nghệ An) - một ngư dân đã có nhiều năm đi biển cho biết: Bên cạnh việc tương trợ lẫn nhau giữa các tàu cá, thông tin liên lạc đối với người đi biển là vô cùng cần thiết, không chỉ về thời tiết, ngư trường, liên lạc giữa các thành viên trong tổ, đội mà việc trao đổi thông tin về giá cả, thị trường với đất liền được thông suốt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đánh bắt của ngư dân.

 

Nhằm giúp người ngư dân yên tâm bám biển, các doanh nghiệp viễn thông trong nước đều đã lên kế hoạch phủ sóng biển đảo. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) làm chủ được công nghệ phủ sóng xa tới 60 - 100km ra ngoài biển và sở hữu hạ tầng phát sóng phủ kín chiều dài hơn 3.200 km bờ biển. Tính đến thời điểm hiện tại, Viettel đã sở hữu mạng lưới phủ sóng biển đảo với hơn 1.400 trạm thu phát sóng (BTS) dọc bờ biển và ngoài khơi. Không chỉ cung cấp dịch vụ nghe, gọi và nhắn tin, ngay trên biển, người ngư dân có thể sử dụng dịch vụ GPRS qua sóng di động để truy cập Internet và đọc tin tức trong lúc rảnh rỗi.

 

Khi nghe đứa con lớn mới học lớp 2 khoe được nhận phần thưởng học sinh giỏi qua điện thoại từ nhà ở xã Hoà Hiệp Trung, Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, ngư dân Nguyễn Sinh đã không khỏi nghẹn ngào vì vui sướng. Anh Sinh nói: “Thiệt những ai không là dân đánh cá sẽ không hiểu nổi cảm xúc của mình, những người phải lênh đênh trên biển cả tháng trời khi được nghe giọng con ríu rít qua điện thoại. Đi làm trên biển là cả một sự khổ cực, trời lúc mưa, lúc nắng, khắc nghiệt và công việc thì vất vả, nhưng chỉ cần được nói chuyện với vợ với con là mình lại có thể vượt qua được hết”. Với người ngư dân đánh bắt xa bờ, đây quả thực là một câu chuyện cổ tích có thực giữa đời thường.

Nhiều ưu đãi đặc biệt cho ngư dân Thuê bao gói Sea+ được cung cấp miễn phí các bản tin thời tiết tại vùng biển ra khơi; được sử dụng tính năng thông báo khẩn cấp, khi gặp sự cố, ngư dân chỉ cần nhắn tin đến đầu số 1111, tin nhắn sẽ tự động chuyển tới 10 điện thoại trong nhóm đã đăng ký để thông báo gấp về tình trạng của mình. Ngư dân cũng có thể liên hệ tới tổng đài 1111 để được giải đáp thắc mắc về thời tiết biển và cập nhật số điện thoại của đồn biên phòng, lực lượng cứu hộ, cứu nạn để liên lạc khi cần thiết… Được cung cấp tính năng gọi nhóm tiết kiệm: Chỉ với 10.000đ/tháng, thuê bao được đăng ký 10 số di động Viettel để gọi với giá chưa đến 800đ/phút liên lạc (giảm 50% giá cước so với thông thường).

 

Không chỉ nỗ lực phủ sóng biển đảo, ngày 16-8-2011, đúng vào thời điểm cả nước đang có nhiều hoạt động thiết thực giúp người ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế, Viettel chính thức công bố gói cước dành riêng cho người dân vùng biển và ven biển. Với thông điệp “Cùng ra khơi”, gói cước Sea+ của Viettel được thiết kế với những tính năng, tiện ích đặc biệt nhằm mang tới cho người dân biển cuộc sống tiện ích và an toàn hơn.

 

Tính đến nay, sau 1 tháng cung cấp chính thức trên thị trường, gói cước Sea+ của Viettel đã đạt mốc 100.000 thuê bao (bao gồm cả thuê bao kích hoạt mới và thuê bao chuyển đổi từ các gói cước khác sang). Trong bối cảnh thị trường viễn thông Việt Nam đã kề cận ở mức bão hòa thì đây quả là một con số ấn tượng về tốc độ phát triển thuê bao.

 

Phát biểu tại lễ ra mắt gói cước cách đây 1 tháng, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel nhấn mạnh: “Chiến lược đầu tư ra khu vực biển đảo được Viettel ấp ủ từ lâu và đang dần hiện thực hóa. Mục tiêu cung cấp gói cước Sea+ lần này, lợi nhuận chưa phải là số 1. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kỳ vọng trong tương lai không xa khi kinh tế biển phát triển, người dân đi ra khơi nhiều hơn sẽ sử dụng sóng của Viettel để liên lạc nhiều hơn”.