04:21 04/04/2016

Sống chung cư vẫn lo nước bẩn

Những tưởng sống ở những khu chung cư văn minh, người dân sẽ không phải lo lắng về chất lượng nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại một số chung cư ở Hà Nội, người dân vẫn đang phải sống chung với nước bẩn.

Ô nhiễm do lưu trữ, truyền dẫn

Mới đây, sự việc nguồn nước của chung cư CT9 Định Công (Hoàng Mai) bị phát hiện có giun sán đã làm nhiều người sống ở chung cư lo lắng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do bể chứa nước lưu cữu lâu ngày không được thay lọc. Đồng thời, do chung cư này thường xuyên mất nước nên khi hút đến phần nước ở đáy thì có cặn đục, giun sán.

Phóng viên đến khu chung cư Đồng Tàu (Thịnh Liệt, Hoàng Mai) và được ông Nguyễn Tường Lân (tòa N2) dẫn đi mục sở thị hệ thống ống nước, bể chứa của tòa nhà này. Ông Lân cho biết, nếu quan sát mắt thường thì không thể biết nguồn nước có thực sự an toàn hay không. “Bể chứa nước thỉnh thoảng được thay rửa nhưng tôi thấy họ làm rất qua loa. Còn bể ngầm chứa nguồn nước cho cả 10 tòa chung cư thì không bao giờ được thay rửa. Do đó, không ai kiểm soát được nước tại bể chứa này”, ông Lân nói.

Đường ống nước ở chung cư Đồng Tàu (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) bị rò rỉ, nước chảy lênh láng khiến chất lượng nước bị ảnh hưởng.

Thực tế, nhiều chung cư không thay rửa bể nước ngầm bởi nhiều nguyên nhân. Phần vì bể chứa quá lớn, muốn thau rửa phải thuê nhân công mà người dân không chịu đóng góp tiền. Lý do khác là muốn thay rửa bể ngầm thì sẽ phải cắt nước 2 - 3 ngày, trong khi nhiều chung cư luôn trong tình trạng thiếu nước, người dân không có nước để tích trữ trước.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, tại các khu chung cư, chất lượng nguồn nước liên quan đến việc vận hành, phân phối qua bể chứa nước. Nguồn nước sinh hoạt nhiều nơi bị nhiễm bẩn do quy trình xử lý, vệ sinh các bể chứa nước chưa đúng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có bể chứa nước chưa được sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng và cộng đồng mà chủ yếu do chủ đầu tư tự thực hiện, nên thiếu giám sát đảm bảo an toàn nguồn nước.

Được biết, hiện ở nội thành Hà Nội có 3 đơn vị chính cung cấp nước sạch là Công ty nước sạch Hà Nội, Công ty nước sạch Hà Đông và Công ty nước sạch Vinaconex. Đánh giá chung, việc xử lý nước tại các nhà máy này đều đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, không phải chung cư nào cũng sử dụng nguồn nước của các công ty đạt chuẩn này. Một số chung cư có trạm cấp nước riêng từ nguồn nước giếng khoan, có thể chưa đạt tiêu chuẩn an toàn. Hơn nữa, dù có sử dụng nguồn nước sạch đạt chuẩn nhưng do hệ thống truyền dẫn nước sau nhiều năm sử dụng bị xuống cấp nghiêm trọng, khiến nước sạch khi về đến chung cư cũng thành… nước bẩn.

Thậm chí, nếu các đơn vị khi thi công các công trình ngầm hoặc cải tạo lòng đường, vỉa hè đã tác động vào hệ thống ống nước cũng có thể khiến nguồn nước bị thất thoát hoặc nhiễm bẩn.

Giám sát chặt chất lượng nước

Để giám sát chất lượng nguồn nước tại các chung cư, vai trò của ban quản trị tòa nhà là rất quan trọng. Như tại chung cư Đồng Tàu, mỗi lần thau lọc bể chứa nước, người dân phải đóng góp tiền. Nếu không có ban quản trị đại diện đứng ra điều hành các hoạt động của chung cư, trong đó có quản lý nguồn nước thì người dân sẽ có tâm lý “mặc kệ”, nguồn nước sẽ rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”. Hiện nay, nhiều chung cư vẫn chưa thành lập được ban quản trị, việc điều hành quản lý chung cư, trong đó có nước sạch, phó mặc cho đơn vị quản lý tòa nhà.

Trở lại với chung cư CT9 Định Công, chủ trương của chính quyền là muốn đưa đường ống nước sạch sông Đà về cung cấp cho 240 hộ dân thay vì nguồn nước giếng khoan như hiện nay. Tuy nhiên, để lắp đặt thì mỗi gia đình phải đóng khoảng 1,3 triệu đồng. “Có không ít hộ gia đình phản đối bởi họ vẫn muốn dùng nước giếng. Cư dân chưa thống nhất được thì vẫn phải dùng nước giếng khoan và vẫn phải chịu cảnh nước cặn bẩn, có giun và chảy nhỏ giọt”, bà Lê Lan Hương, thành viên Ban quản lý tòa nhà cho biết.

Theo bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, việc chất lượng đường ống nước hoặc các bể chứa cung cấp nước cho chung cư đang có vấn đề là trách nhiệm của chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà. “Đã đến lúc đơn vị đầu tư và cung ứng nước sạch cho chung cư cần phải rà soát lại chất lượng nguồn nước cũng như đường ống. Nếu có hiện tượng đường ống nước hỏng hóc, rò rỉ thì phải thay thế càng sớm càng tốt. Đây là vấn đề liên quan đến chất lượng sống của người dân nên phải tiến hành rà soát, kiểm tra thật kỹ càng và nhanh chóng”, bà An nói.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thay thế đường ống dẫn nước. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nước sạch lâu dài thì cần có sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc vệ sinh, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị của hệ thống nước sạch trong từng tòa nhà.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: “Hiện nay quy chuẩn chất lượng nước sinh hoạt đã được quy định tại Thông tư số 05/2009/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm là do việc kiểm tra định kỳ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa nghiêm, chưa thường xuyên. Cùng với đó, chế tài xử phạt vi phạm hiện còn yếu, thiếu tính răn đe. Việc giám sát của người dân cũng là cần thiết nhưng nhiều người còn chưa quan tâm”.



Hoàng Dương - Thu Trang