09:21 16/09/2015

“Sống chết” giữ ca trù

Nghệ nhân dân gian - NSƯT Bạch Vân là cái tên mà những người yêu ca trù và những người gắn bó với ca trù không thể không biết. Đã 25 năm nay, cùng với những thành viên trong CLB Ca trù của mình, chị đã “sống chết” để giữ loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc vùng đồng bằng Bắc Bộ này.

Vất vả ngày đầu

Như chia sẻ của NSƯT Bạch Vân, ca trù là bộ môn nghệ truyền thống rất lâu đời của người Việt ở vùng Bắc Trung Bộ và đồng bằng trung du Bắc Bộ, với nhiều tên gọi khác nhau: Hát nhà trò, ả đào, hát nhà tơ, hát gõ, hát thẻ, hát cô đầu.. gắn với những giai đoạn lịch sử nhất định. Lối hát này cũng trải qua những bước thăng trầm của lịch sử với những không gian diễn xướng rất phong phú và đa dạng: Hát cửa quyền trong cung vua những dịp đại lễ của triều đình phong kiến Việt Nam như chúc thọ nhà vua, hoàng hậu, tiếp đãi sứ thần nước ngoài; hát cửa đình, hát ở dinh quan và nhà dân. Nhưng do sự “thoái hóa” và lạm dụng ca trù (ả đào) trong thời gian cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nên loại hình nghệ thuật này đã bị chính công chúng ruồng bỏ và mai một.

NSƯT Bạch Vân hướng dẫn một du khách nước ngoài trong một buổi biểu diễn ca trù.


Năm 1976, Giáo sư Trần Văn Khê ở Pháp về có thu âm giọng hát của bà Quách Thị Hồ, ông Đinh Khắc Ban để tham dự cuộc thi băng từ ở Pháp và Tiệp Khắc đạt giải cao nhất; sau đó với sự cố gắng của một số cá nhân và tổ chức nói chuyện, dạy ngắn ngày cho một vài người nhưng xã hội vẫn nhìn nhận nặng nề.

Trước thực tế các nghệ nhân người còn, kẻ mất, năm 1990, nghệ nhân Lê Thị Bạch Vân - cán bộ Sở văn hóa - Thông tin Hà Nội, đã thuyết phục một số nghệ nhân, người hiểu biết, tâm huyết, họp và đề xuất sáng kiến thành lập tổ chức nghệ thuật bác học này trong một sinh hoạt quần chúng tự nguyện cùng sở thích, đặt tên là Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, do chị làm chủ nhiệm. Việc làm này của nghệ nhân Bạch Vân đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nghệ nhân, tuy nhiên, cũng không ít người né tránh khi được nghệ nhân Bạch Vân tìm đến thuyết phục trở lại với ca trù. Ngay cả NSND Quách Thị Hồ, NSƯT Nguyễn Thị Phúc và các nghệ nhân Chu Văn Du, Phó Đình Kì, Đinh Khắc Ban, Phó Thị Kim Đức… cũng nhất quyết không nhận lời. Hành trình để thuyết phục các nghệ nhân thật sự là vất vả.

Năm 1991, CLB Ca trù Hà Nội chính thức ra mắt, trở thành CLB Ca trù đầu tiên ở Việt Nam, để giới thiệu, quảng bá giá trị nghệ thuật độc đáo với khán giả trong nước và quốc tế; gióng tiếng chuông báo động về nguy cơ biến mất của nó. CLB mở cửa chào đón tất cả mọi người già trẻ, trai gái, nghành nghề… đến thưởng thức. Vì mục đích bảo tồn và phát triển nên không bán vé, chỉ hưởng theo tiền thưởng.

Quả ngọt hôm nay

Không ít những ngày nghệ nhân Bạch Vân và các thành viên trong CLB Ca trù Hà Nội cảm thấy “tủi thân” vì không được quan tâm, của cả các cơ quan chức năng lẫn công chúng. Nhưng rồi mưa dầm thấm lâu, giờ đây nhìn lại những thành công của 25 năm qua, mới thật sự thấy quả ngọt đã kết, dù khó khăn không phải không còn.

Những ngày đầu tiên khi CLB mới thành lập, mỗi tuần chỉ sinh hoạt được 1 buổi còn chật vật, thành viên lúc đông lúc thưa, nhưng những năm gần đây, CLB đã duy trì được hoạt động thường xuyên của mình tại Bích Câu đạo quán, đồng thời có những buổi diễn tại các địa điểm của Hà Nội như số 25 Tông Đản, 87 Mã Mây, đình Kim Ngân phố Hàng Bạc, 34 Hàng Cầu (Hà Nội); biểu diễn trong những dịp ngày lễ trọng đại của dân tộc… Đồng thời, CLB còn tham gia biểu diễn, hát thờ tại các hội nghị, hội diễn, các lễ hội các trường đại học, cao đẳng của Trung ương và Hà Nội, cũng như phục vụ các đoàn khách nước ngoài đến tìm hiểu ca trù.

Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Câu lạc bộ ca trù Hà Nội sẽ diễn ra từ 18 giờ đến 21 giờ 30 ngày 24/9, tại Bích Câu Đạo Quán, với các hoạt động: “Triển lãm một số tư liệu trong quá trình 25 năm hoạt động”, “Tọa đàm về phương hướng bảo tồn và phát triển ca trù nói chung và câu lạc bộ ca trù Hà Nội nói riêng”, biểu diễn một số thể cách cơ bản của nghệ thuật ca trù của các nghệ nhân, nghệ sĩ, đào nương, ghép đàn của Hà Nội và một số tỉnh thành phố trong cả nước.

Đặc biệt, với phương châm bảo tồn môn nghệ thuật độc đáo này sắp bị biến mất, nghệ nhân Bạch Vân đã đi đến nhiều thôn, xã, quận, huyện, tỉnh thành của 18 tỉnh thành ở miền Bắc để tìm hiểu nghệ nhân, giáo phường và các di tích thờ cúng tổ nghề; thuyết phục vận động rất nhiều nghệ nhân giỏi nghề mai danh ẩn tích bỏ nghề từ 30 - 70 năm của Hà Nội và nhiều tỉnh thành, rũ bỏ mặc cảm, trở lại đàn hát, trống chầu, tham gia sinh hoạt CLB và đào tạo thế hệ trẻ. Rất nhiều những di tích thờ tổ nghề được chăm lo, phục dựng duy trì lễ hát thờ, đơn cử như Lỗ Khê (Hà Tây), thôn Giáo Phòng (Văn Giang-HưngYên), Thủy Nguyên (Hải Phòng); Cổ Đạm (Nghi Xuân - Hà Tĩnh); Diễn Châu (Nghệ An)…

Cùng với đó, CLB đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thành công “Hội thảo ca trù Thăng long - Hà Nội lần thứ nhất” với 18 tham luận của các nhà khoa học trung ương và Hà Nội; tham gia tổ chức “Liên hoan ca trù Hà Nội mở rộng lần thứ nhất”, với đại diện 13 tỉnh thành tham gia. Đây là liên hoan ca trù đầu tiên, lớn nhất, tuy là của Hà Nội nhưng lại thu hút được ca trù nhiều tỉnh thành tham gia.

Đặc biệt, rất nhiều lớp học hát ca trù đã được tổ chức, cùng với các lớp cầm trống chầu và hướng dẫn làm thơ ca trù. Tính đến nay, CLB cũng đã có hơn 30 hội viên, với độ tuổi từ 13 - 98 tuổi.

PV