02:08 08/02/2018

Sơn La tích cực phòng, chống rét cho học sinh vùng cao

Sơn La là một trong nhiều địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng của không khí lạnh tăng cường, đặc biệt ở huyện vùng cao như Vân Hồ.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Chiềng Xuân (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) bổ sung nhiều chăn đệm, màn chiếu để giữ ấm cho học sinh. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, các đơn vị trường học trên địa bàn đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống rét hiệu quả cho học sinh.

Huyện Vân Hồ có 15 trường trung học cơ sở. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Chiềng Xuân và Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Vân Hồ là hai trường có đông học sinh nhất. Với đặc thù là trường bán trú và nội trú, các học sinh chủ yếu sinh hoạt tại trường.

Theo Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Chiềng Xuân Đặng Nhân Tây, trong những ngày rét đậm, rét hại, nhà trường đã cử giáo viên chuyên theo dõi thông tin về nhiệt độ, từ đó kịp thời thông báo cho phụ huynh học sinh qua điện thoại. Nếu thời tiết dưới 7 độ C, học sinh được nghỉ theo quy định; đối với học sinh bán trú sẽ lưu lại trường.

Nhà em Vì Thủy Ngân, học sinh lớp 9 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Chiềng Xuân ở bản Nà Sàng, cách trường gần 15km. Em cho biết, những ngày rét, em đã xin phép các thầy cô cho ở lại trường cuối tuần, không về nhà. Theo lời dặn của thầy cô, em và các bạn tranh thủ ôn bài ở trong phòng bán trú, không ra ngoài trời vào sáng sớm và tối muộn. Dù ngày nghỉ nhưng nếu các em xin ở lại, nhà trường vẫn bố trí người nấu ăn như ngày thường nên các em rất vui.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở xã Chiềng Xuân có 198 học sinh; trong đó, có 89 học sinh bán trú và là người dân tộc thiểu số. Nhiều em vẫn giữ thói quen đốt củi để sưởi ấm. Để bảo đảm sức khỏe cho học sinh và tránh thiệt hại về cơ sở vật chất, hàng ngày, ban quản lý bán trú tổ chức kiểm tra, tuyệt đối không để các em đốt củi, sưởi ấm bằng than trong phòng bán trú. Trước mỗi đợt rét, nhà trường lên kế hoạch tu sửa và bổ sung chăn đệm, màn chiếu, giữ cho phòng bán trú của các em luôn được kín gió và ấm áp.

Không chỉ chú trọng bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Vân Hồ còn tập trung nâng cao thể sức khỏe cho học sinh qua các bữa ăn. Em Vì Thị Kim Ngân, học sinh lớp 8 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Vân Hồ chia sẻ, ở trường các em được ăn uống đầy đủ như ở nhà. Thức ăn được chuẩn bị đa dạng thành phần dinh dưỡng và nóng hổi. Những ngày rét, em và các bạn được nhà bếp bổ sung thêm hoa quả và sữa. Bình thường các em tập trung ăn sáng từ 6h còn những ngày này, các thầy cô linh động lùi thời gian. Bữa sáng của các em bắt đầu muộn hơn, từ 6h30.

Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Vân Hồ Trương Văn Nghị cho biết, thực đơn trong những ngày rét đậm, rét hại được nhà trường liên tục thay đổi, bổ sung các chất dinh dưỡng, thức ăn ấm nóng và giàu năng lượng. Các em được nhà bếp chuẩn bị đầy đủ 3 bữa với nguyên liệu được bổ sung hàng ngày, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Vân Hồ, một bữa ăn, nhà bếp phục vụ 299 suất với đủ 4 món gồm cơm, canh, rau và thịt. Ngoài ra, thầy cô và các học sinh tích cực lao động, tăng gia sản xuất thêm nhiều rau, củ, quả để nhập thêm vào nguyên liệu nấu ăn mỗi ngày.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ Phạm Thanh Hải cho biết: Qua các đợt rét đậm, rét hại, tình trạng sức khỏe của các học sinh trên địa bàn được bảo đảm, sỹ số lớp học được duy trì ổn định. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số học sinh chưa nhận được sự quan tâm của gia đình nên đi học mặc không đủ ấm. Để bảo đảm sức khỏe và phòng, chống rét cho học sinh, ông Hải khuyến nghị các bậc phụ huynh cần tích cực phối hợp với nhà trường quan tâm mặc đủ ấm và trực tiếp đưa đón con em đến trường.

Trước đó, vào đầu mùa đông, ngành giáo dục tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị trường học chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, nếu nhiệt độ có xu hướng xuống thấp và kéo dài thì cho dừng việc dạy học đúng theo quy định, sau đó có kế hoạch tổ chức dạy bù.

Diệp Anh (TTXVN)