08:22 26/08/2015

Sơn La loay hoay sắp xếp lại nông, lâm trường - Bài cuối

Để thực hiện chuyển đổi các lâm, nông trường thành Công ty TNHH Nhà nước MTV thì phải giải quyết dứt điểm công nợ. Trước khi chuyển đổi, các đơn vị này đều làm ăn thua lỗ, vì vậy ngân sách Nhà nước buộc phải mở “hầu bao” xóa nợ và tái đầu tư. Tuy nhiên câu chuyện chưa dừng lại ở đó.

GÁNH NỢ CHUYỂN ĐỔI

Để thực hiện chuyển đổi các lâm, nông trường thành Công ty TNHH Nhà nước MTV thì phải giải quyết dứt điểm công nợ. Trước khi chuyển đổi, các đơn vị này đều làm ăn thua lỗ, vì vậy ngân sách Nhà nước buộc phải mở “hầu bao” xóa nợ và tái đầu tư. Tuy nhiên câu chuyện chưa dừng lại ở đó.

Tiếp tục chuyển đổi?

Năm 2011, tỉnh Sơn La đã tiến hành chuyển 6 lâm, nông trường thành Công ty TNHH Nhà nước MTV. Tuy nhiên, sau lần chuyển đổi này các đơn vị vẫn làm ăn thua lỗ, lao động không có việc làm. Năm 2015, Sơn La tiếp tục xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới các Công ty TNHH Nhà nước MTV nông, lâm nghiệp. Cụ thể Công ty TNHH Nhà nước MTV nông nghiệp Tô Hiệu sẽ thành Công ty cổ phần, hai Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Phù Yên và Sốp Cộp chuyển đổi sang Công ty Lâm nghiệp 100 % vốn Nhà nước; 3 Công ty TNHH Nhà nước MTV lâm nghiệp Phù Yên, Sông Mã, Mộc Châu sẽ bị giải thể.

Gia đình chị Trương Thị Hạnh (Công nhân của Công ty TNHH Nhà nước MTV Tô Hiệu) bị mất trắng gần 1 ha ngô do mưa lũ, nên rất khó khăn để trả thuế đất và phí quản lý.


Trong mục khái toán kinh phí ngân sách Nhà nước khi thực hiện Đề án chuyển đổi 3 công ty cho thấy: Để chuyển đổi các Công ty TNHH Nhà nước MTV nông nghiệp Tô Hiệu, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Phù Yên và Sốp Cộp thì ngân sách Nhà nước phải chi hơn 100 tỷ đồng. Trong đó chỉ rõ, cần cấp bổ sung vốn điều lệ, kinh phí hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, xử lý khoản công nợ, giải quyết lao động dôi dư…

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Đức Thuận, Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp tỉnh Sơn La cho rằng, để chuyển đổi từ mô hình này sang mô hình khác thì các đơn vị phải giải quyết dứt điểm công nợ, tuy nhiên khả năng trả nợ là rất khó. Vì vậy, Sơn La dùng tiền ngân sách để chi trả. Việc ông Thuận quan tâm là các Công ty TNHH Nhà nước MTV lâm trường giải thể sẽ như thế nào? Theo nhu cầu, mỗi huyện cần phải có một Công ty lâm nghiệp để giúp thực hiện nhiệm vụ công ích, hướng dẫn người dân về giống, kỹ thuận trồng và chăm sóc, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm… Giải thể Công ty TNHH Nhà nước MTV lâm nghiệp Mộc Châu, Mường La, Sông Mã thì nhiệm vụ này ai sẽ đảm nhiệm. Mặc dù các huyện đã có Ban quản lý rừng, nhưng nhiệm vụ và chức năng của đơn vị này sẽ không thể gánh hết các việc.

“Tôi khẳng định, tỉnh Sơn La sẽ phải tái thành lập các công ty này dưới hình thức cổ phần, nhưng ai dám bỏ tiền ra mua lại doanh nghiệp thua lỗ. Tỉnh Sơn La cần có cơ chế, cụ thể là cho thuê lại đất và tài sản Nhà nước với giá ưu đãi, kể cả việc chấp nhận lợi ích nhóm”, ông Vũ Đức Thuận nói.

Công ty TNHH Nhà nước MTV lâm nghiệp Mộc Châu là một trong những đơn vị chờ giải thể, Giám đốc Sa Duy Tiên cho rằng, Nhà nước cứ chuyển đổi liên tục như vậy khiến các doanh nghiệp xoay chóng cả mặt. Mỗi lần chuyển đổi là phải làm quen, giai đoạn này lấy đâu ra lợi nhuận. Doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm, theo Luật Doanh nghiệp thì giải thể hoặc tuyên bố phá sản. “Tôi đã đề nghị với lãnh đạo tỉnh, nếu quyết định giải thể Công ty TNHH Nhà nước MTV lâm nghiệp Mộc Châu thì tiến hành nhanh, đừng đưa ra chủ trương rồi kéo dài năm này qua năm khác. Chúng tôi chờ mãi cũng nản, chẳng ai muốn làm nữa”, Ông Tiên bức xúc nói.

Mối lo phá sản

Sơn La không chỉ loay hoay việc chuyển đổ nhiều lần các lâm, nông trường. Các công ty vốn Nhà nước được thành lập mới, nhưng không giao đất để phát triển vùng nguyên liệu, nên lâm vào khó khăn, dẫn đến việc phá sản. Ông Phùng Như Đoán, Giám đốc Công ty dịch vụ phát triển chè Sơn La cho biết doanh nghiệp đang chờ ngày tuyên bố phá sản. Khi chúng tôi đề nghị gặp để viết bài, ông Đoán lắc đầu nói: “Còn gì nữa đâu mà các cậu tìm hiểu, sắp phá sản rồi. Tôi chỉ tiếc công sức của anh chị em bỏ ra, bây giờ thành công cốc”.

Thực hiện nhiệm vụ dịch vụ và phát triển cây chè trên địa bàn tỉnh Sơn La, tháng 4/1999 Công ty dịch vụ phát triển chè Sơn La được thành lập. Công ty được cấp vốn lưu động 700 triệu đồng, còn lại là tài sản trụ sở và vườn ươm, không được cấp đất để phát triển vùng chè nguyên liệu. Lãnh đạo công ty lăn lộn về gặp chính quyền, tổ chức họp dân, vận động từng gia đình trồng chè. Dân đồng thuận, công ty phải chạy đôn chạy đáo để vay tiền ngân hàng đầu tư cho các hộ, kinh phí giống và phân bón, công làm đất do đơn vị lo liệu. Hoạt động được 6 năm, công ty nợ chồng chất và buộc phải phá sản.

Hiện Công ty dịch vụ phát triển chè Sơn La nợ các cá nhân và tổ chức tín dụng là 18 tỷ đồng. Giải thích về phần nợ này, ông Đoán cho biết, đây là số tiền công ty cho người dân vay để trồng chè. Thời gian trồng cây chè 3 năm mới cho thu hoạch, đất của dân, bán sản phẩm cũng quyền của dân nên khó thu lại. “Tỉnh sinh ra doanh nghiệp nhưng không nuôi dưỡng, bỏ mặc đơn vị bươn chải”, ông Đoán nói.

Bài và ảnh: Việt Hoàng