07:14 31/07/2011

Sơn La: Dân mỏi mắt chờ công trình tái định cư

Tỉnh Sơn La đã công bố hoàn thành việc di chuyển gần 12.500 hộ dân vùng hồ thủy điện Sơn La đến các điểm tái định cư (TĐC) trong tỉnh vào ngày 19/5/2010...

Tỉnh Sơn La đã công bố hoàn thành việc di chuyển gần 12.500 hộ dân vùng hồ thủy điện Sơn La đến các điểm tái định cư (TĐC) trong tỉnh vào ngày 19/5/2010. Cùng với ổn định sản xuất và đời sống cho người dân, vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở cho các khu, điểm TĐC đang được các huyện, thành phố, chủ đầu tư và nhà thầu nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên so với thực tế, tiến độ xây dựng còn chậm, thời gian kéo dài, nhiều dự án, đơn vị xây dựng dừng thi công làm ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào.

Thi công chậm tiến độ

Thực hiện dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La đã xây dựng 56 khu, 220 điểm TĐC tập trung; 15 khu, 36 bản xen ghép. Theo đó, tổng số dự án xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc Dự án di dân TĐC thủy điện theo Quyết định số 801/QĐ-TTg (ngày 4/6/2010) của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tại tỉnh Sơn La là 2.134 dự án với giá trị 8.075 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Sơn La đã triển khai được 1.459 dự án, trong đó đưa vào sử dụng 994 dự án và 465 dự án thi công dở dang. Hiện còn 675 công trình chưa biết bao giờ mới thi công.

Theo báo cáo tổng hợp của chủ đầu tư dự án, các huyện có tiến độ thi công chậm là: Thuận Châu chỉ đạt 45% (191 công trình); Sông Mã đạt 55% (57 công trình); Quỳnh Nhai hoàn thành 559 công trình, đạt 68%; Công ty Điện lực Sơn La hoàn thành 57 công trình (đạt 43%), Sở Giao thông vận tải Sơn La 2/5 công trình đạt 40%, Ban Quản lý dự án khu công nghiệp – đô thị mới hoàn thành 11/18 công trình. Đặc biệt có 59 dự án bỏ, dừng thi công, trong khi bên đơn vị thi công đã được bên chủ đầu tư cho ứng vốn từ 20-30% dự án công trình và được thanh toán một phần khối lượng thi công.

Xây dựng cơ sở hạ tầng tại điểm tái định cư phường Chiêng Sinh, thành phố Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN.

Nguyên nhân chậm tiến độ xây dựng được cho là: Công tác quy hoạch, tiến độ lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết chậm. Chất lượng quy hoạch ở một số khu, điểm TĐC chưa sát thực tế gồm 9 khu TĐC Cà Nàng, Chiềng Khay (huyện Quỳnh Nhai), Mường Chùm, Mường Trai (huyện Mường La), Phiêng Khoài, Tú Nang, Lóng Phiêng, Yên Sơn, Mường Lựm (huyện Yên Châu). Những khu TĐC nói trên chưa có hồ sơ phê duyệt bước hoàn chỉnh, thậm chí còn bố trí nhồi nhét nhiều hộ vào điểm TĐC không bố trí đủ đất sản xuất, cũng như không đủ nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân. Bên cạnh đó, một số nhà thầu yếu, không đủ năng lực để thực hiện dự án. Sự phối hợp của các ngành liên quan chưa đồng bộ dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý và thanh quyết toán công trình.

Dân mỏi mắt chờ công trình

Ông Điêu Chính Thảnh, Bí thư Chi bộ bản Quyền (bản TĐC ven hồ) xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai phàn nàn: Công trình điện nước cho các hộ dân TĐC tại bản Quyền đã có, song công trình nhà trẻ mẫu giáo chưa làm, nhất là đường giao thông. Dân mỏi mắt chờ công trình hoàn thành mà vẫn chưa thấy bên thi công triển khai, làm cho người dân đi lại rất khó khăn, đặc biệt là mùa mưa này. Ông Thảnh đề nghị: Bây giờ ruộng cũ đã bị nước hồ dâng ngập mất, bà con sinh sống như ở trên ốc đảo, chưa ổn định đời sống, đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm giao đất cho bà con sản xuất, hướng dẫn, đào tạo nghề để bà con chuyển đổi sản xuất, ổn định đời sống lâu dài vùng ven hồ.

Sau khi chia tách địa chính để di dân TĐC (năm 2009), hiện xã Mường Chiên thuộc huyện Quỳnh Nhai chỉ còn 6 bản, trong đó 5 bản di chuyển từ dưới cốt ngập lên trên cốt 218m vùng ven hồ thủy điện Sơn La. Xã có 382 hộ, theo quy định mỗi khẩu thuộc diện tái định cư được hỗ trợ 10 triệu đồng, nhưng do bà con chưa được chia đất tại nơi ở mới, nên số tiền này bà con cũng chưa được hưởng. Từ thực tế đó, nhiều hộ TĐC ở xã Mường Chiên nguy cơ tái nghèo là rất cao.

Bà Lò Thị Lả ở khu TĐC Cà Nàng (huyện Quỳnh Nhai) lo lắng: Tiền được Nhà nước đền bù, hỗ trợ đã dồn vào việc chuyển nhà cửa và làm nhà tại nơi ở mới hết rồi. Ruộng thì đã mất, mặc dù được Nhà nước hỗ trợ lương thực trong ba năm, nhưng từng ấy thời gian làm sao đủ khai hoang ruộng nước nơi ở mới. Chủ đầu tư hứa sẽ hỗ trợ các hộ vay vốn để làm ăn, nhưng cũng chưa thấy tiền đến tay người dân. Bà con dân bản, nhất là thanh niên cần được đào tạo để chuyển đổi nghề, làm ăn lâu dài.

Ở bản Lo 2, xã Mường Trai, huyện Mường La có 42 hộ TĐC ven hồ (năm 2009). Để có được nhà ở bà con đã chuẩn bị, mở đường, dỡ nhà, di chuyển với quãng đường từ bản cũ đến bản mới chỉ khoảng 3 cây số, nhưng để dựng được ngôi nhà, quy hoạch lại bản tại nơi ở mới, bà con phải mất gần 2 năm, đến nay chưa ổn định đời sống. Bà Hà Thị Hặc ở bản Lo 2 cho biết: Từ khi về bản mới, nhà cửa đàng hoàng hơn, biết là nhà nước có dự án cho dân khai hoang ruộng nước nhưng chưa có đất, dự án công trình thủy lợi thì có đấy, mà lâu rồi họ không làm. Gia đình chúng tôi bây giờ chỉ trông chờ vào nương ngô, nương sắn, nuôi bò. Trước không phải lo cái ăn, nay mai hết gạo hỗ trợ, gia đình đang tính mỗi năm bán 1 con bò đi để mua gạo ăn thôi.

Sơn La hiện còn 511 hộ di chuyển tạm (chưa có nơi tái định cư). Theo Ban Quản lý di dân tái định cư tỉnh Sơn La, hiện đã có quyết định chấp nhận cho 280 hộ di chuyển tạm (trên cốt ngập 218m). Số hộ dân còn lại (231 hộ) chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng. Các hộ này phải tự mở đường, tự san ủi nền nhà, tự làm hệ thống nước sinh hoạt và lớp học tạm cho các cháu mẫu giáo - mầm non. Hiện nay các hộ dân này gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và đời sống.

Tỉnh Sơn La hiện đang rà soát, điều chỉnh phương án bố trí TĐC, quy mô các công trình hạ tầng trong các khu TĐC theo nguyên tắc không làm tăng tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, lập dự án chi tiết để quyết toán 994 công trình đã hoàn thành, tiếp tục giải ngân cho 559 công trình đang thi công. UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản số 886/UBND-TĐC ngày 17/5/2011 đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi các điểm TĐC tạm cho 412 hộ dân di chuyển tạm trong năm 2010 thành điểm TĐC tập trung nông thôn để sớm ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân.

Điêu Chính Tới