04:21 04/04/2012

Sơn Định huy động sức dân

Theo đánh giá của ông Hồ Văn Thiệt, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, sự thành công của Sơn Định có khả năng nhân rộng rất lớn. Đặc biệt trong thời điểm cả tỉnh đang huy động sức dân, chung tay xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Nhờ phát huy quyền làm chủ của người dân, Sơn Định hiện là xã có hạ tầng giao thông tốt nhất trong số 147 xã của tỉnh Bến Tre. Theo đánh giá của ông Hồ Văn Thiệt, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, sự thành công của Sơn Định có khả năng nhân rộng rất lớn. Đặc biệt trong thời điểm cả tỉnh đang huy động sức dân, chung tay xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Bến Tre vừa chọn 25 xã điểm xây dựng nông thôn mới, mục tiêu là đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 25 xã đạt được chuẩn này. Trên cơ sở đó, sẽ tiếp tục nhân rộng và hoàn thành chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh vào năm 2020. Riêng xã Sơn Định, huyện Chợ Lách đặt mục tiêu hoàn thành chương trình này vào năm 2013.


Từ xây dựng cầu, đường nông thôn

Bên cạnh sự đầu tư của nhà nước, những đóng góp của người dân là yếu tố quan trọng giúp Sơn Định ngày càng hoàn thiện hệ thống cầu, đường. Đây là địa phương dẫn đầu trong số 164 xã, phường tỉnh Bến Tre trong huy động sức dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn.

Nông dân Sơn Định vui mừng bên những chùm chôm chôm chín sớm.


Là một xã có hơn 90% người dân sống bằng nghề nông, Sơn Định có diện tích cây ăn trái và sản lượng dẫn đầu cả huyện. Toàn xã có hơn 3.200 hộ với hơn 13.000 nhân khẩu, và có mức thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,4 lần so với bình quân chung của tỉnh. Chính sự hoàn thiện của hệ thống cầu, đường, đê bao, thủy lợi đã hỗ trợ tích cực và đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vận chuyển, tập kết các sản phẩm nông sản, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Theo ông Trần Hiệp Tuấn, Chủ tịch UBND xã: Để đạt được kết quả này, xã luôn chủ động phát huy quyền làm chủ của người dân đối với những công trình ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Từ trước tới nay, do nguồn vốn khá hạn hẹp nên khi thực hiện bê tông hóa đường sá cũng như xây dựng cầu nông thôn, xã luôn tính đến sự thuận tiện đi lại của người dân lẫn vận chuyển hàng hóa, nông sản. Để hoàn thành cùng lúc hai mục tiêu này, chính quyền xã kêu gọi sự đóng góp về mọi mặt của người dân bên cạnh nguồn vốn được Nhà nước đầu tư. Trước khi triển khai một công trình cầu, đường, chính quyền đều đưa ra lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của người dân. Người dân có thể đóng góp chung về việc mở các tuyến đường, hay góp ý cụ thể, chi tiết về chiều ngang, chiều dài từng tuyến, đoạn đường, chiếc cầu... Bên cạnh đó, chính quyền xã luôn chú trọng đến vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong xã, ấp. Việc vận động thu chi đều được công khai, minh bạch, người dân được giao quyền tự chủ, quản lý.

Nhờ đó, hiện nay hệ thống giao thông của xã được đánh giá là tốt nhất trong 147 xã của tỉnh Bến Tre. Toàn bộ hệ thống cầu đường liên ấp, liên xã, liên xóm đã được trải nhựa hoặc bê tông hóa. Tổng kinh phí cho hệ thống cầu đường này tới hơn 50 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 41 tỉ, số còn lại là đóng góp của người dân. Bên cạnh đó còn có hộ đóng góp hàng trăm ngàn ngày công lao động và hàng chục công đất tại những nơi các công trình được xây dựng nên.

Theo ông Hồ Văn Thiệt, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bến Tre, sự thành công của Sơn Định thực sự là một điển hình về việc huy động tham gia xây dựng giao thông nông thôn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Đến chung sức xây dựng nông thôn mới

Được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, Sơn Định xác định đây là thời cơ để địa phương phát triển về mọi mặt, song cũng phải đối diện với không ít thách thức, đòi hỏi sự đóng góp, chung tay của toàn xã hội. Từ đầu năm 2011, khi có chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng xã nông thôn mới, đoàn cán bộ xã đã đến tham quan, học tập rút kinh nghiệm của xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh). Qua kết quả khảo sát thực tế, lãnh đạo xã Sơn Định thành lập ngay Ban Chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới. Được sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo tỉnh và huyện, xã đã tổ chức nhiều cuộc học tập tuyên truyền, vận động. Qua đó, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của lực lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể.

Các dự án xây dựng xã nông thôn mới đều được tuyên truyền rộng rãi để người dân biết rõ và tạo nên sự đồng thuận. Bước đầu triển khai cho thấy, đa số người dân trong xã đồng tình cao với các tiêu chí về nông thôn mới. Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: sự đồng thuận của người dân là một yếu tố quan trọng và hết sức thuận lợi trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, như việc mở rộng đường sá, cầu cống, xây dựng các công trình thủy lợi… bởi việc tiến hành các công trình này luôn ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của người dân

Theo đề án, để hoàn thành các tiêu chí còn lại và đạt chuẩn xã nông thôn mới, Sơn Định cần khoảng 300 tỉ đồng. Nguồn vốn này sẽ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau bên cạnh sự đầu tư của nhà nước. Và việc phát huy quyền làm chủ của người dân tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của xã. Nguyễn Văn Triết - Bí thư Đảng ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Sơn Định, cho biết: “Qua thời gian thực hiện đề án thí điểm xây dựng xã nông thôn mới, đến thời điểm này, xã Sơn Định đã đạt 12/19 tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Xã đang tập trung phấn đấu đến năm 2013, cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới”.

Hưng Thịnh