09:22 18/09/2012

Sơn Đi Nết và niềm đam mê hoa văn Khmer

Mới ngoài 20 tuổi nhưng Sơn Đi Nết đã có trên 10 năm làm thợ chạm khắc đã thực hiện thành công hàng trăm tác phẩm tại nhiều chùa Phật giáo Nam tông Khmer Đồng bằng sông Cửu Long, được chư tăng và đồng bào phật tử Khmer nhiều nơi khen ngợi.

Mới ngoài 20 tuổi nhưng Sơn Đi Nết đã có trên 10 năm làm thợ chạm khắc đã thực hiện thành công hàng trăm tác phẩm tại nhiều chùa Phật giáo Nam tông Khmer Đồng bằng sông Cửu Long, được chư tăng và đồng bào phật tử Khmer nhiều nơi khen ngợi.


 

Giới thiệu đến các nhà sư mới tu và du khách về ý nghĩa của tác phẩm.

 

Sơn Đi Nết sinh ra và lớn lên tại xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng), vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông anh em nên hầu hết các anh em trai của Sơn Đi Nết đều được cha mẹ gửi vào chùa Prey Chóp (xã Lai Hòa) để theo học chữ Khmer và chữ quốc ngữ. Thời gian này, chùa Prey Chóp đang trong giai đoạn trùng tu sửa chữa, nên ngoài việc học chữ Sơn Đi Nết còn thường xuyên phụ giúp cho các thợ điêu khắc, vẽ hoa văn. Thời gian rảnh rỗi Nết thường nhìn các hình hoa văn rồi vẽ theo trên cát. Thấy em có năng khiếu nên nghệ nhân Thạch Mười ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng nhận làm học trò. Từ đó, Nết vừa học chữ vừa theo học nghề điêu khắc.


 

Sơn Đi Nết luôn chăm chú từng nét hoa văn.

 

Đến khi tốt nghiệp tiểu học, Sơn Đi Nết được Hòa thượng Trụ trì chùa Prey Chóp đưa về chùa Ghositaram (Cù Lao) xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu để tiếp tục học chương trình trung học cơ sở. Ở đây Nết có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nghệ nhân chạm khắc nổi tiếng khác và trở thành nghệ nhân chạm khắc chuyên nghiệp. Sơn Đi Nết nhớ lại: “Chắc em có duyên với nghề làm chạm khắc nên đi đến đâu cũng gặp các “bậc thầy” có tay nghề và kinh nghiệm lâu năm, các thầy đều rất thương và dạy nghề rất nhiệt tình nên em đã sớm bén duyên với nghề này”.


Đại đức Thạch Ngọc Hận, Phó Trụ trì chùa Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu nhận xét: “Đi Nết là một đứa trẻ ngoan hiền, lễ phép, có năng khiếu nghệ thuật họa và điêu khắc. Lúc đến đây học em có chạm khắc một số hoa văn, họa tiết ở Chánh điện chùa, các tác phẩm của em rất sinh động, đặc biệt là khắc tượng Phật luôn đúng theo kinh sử”. Nghệ nhân Thạch Mười nhớ lại: “Đi Nết là một đứa trẻ rất thông minh. Theo tôi học nghề từ khi mới lên 8 tuổi, Nết rất siêng năng học tập, chỉ sau một năm đã có thể tự vẽ và chạm khắc, và cũng chỉ bốn năm em đã trở thành một người thợ lành nghề. Đến nay, Nết đã chạm khắc và vẽ hoa văn cho hơn 10 chùa tại các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ và Trà Vinh, trong đó tác phẩm: “Nàng tiên chúc phúc” tại chùa Cù Lao vào đầu năm 2006. Đây là tác phẩm đầu tay của em được phật tử địa phương khen ngợi”.


Sơn Đi Nết tâm sự: “Tuy làm nghề đã gần 10 năm, nhưng em không cho mình là thợ, bởi lẽ nếu so với những người đi trước em còn phải học hỏi nhiều hơn. Nhưng em luôn tự hào là mình đã đi đúng hướng, góp phần công sức nhỏ bé trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống của dân tộc mình”.


Bài và ảnh: Xuân Trang