02:11 14/02/2011

Sớm qui hoạch Yên Tử thành điểm du lịch tâm linh

Yên Tử vào ngày khai hội, sáng sớm, tuyến đường rẽ từ đền Trình vào khu trung tâm danh thắng Yên Tử (xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) dài gần 10 km, đã chật cứng xe. Tắc đường kéo dài khiến nhiều người phải xuống đi bộ vài cây số để vào khu vực trung tâm.


Yên Tử vào ngày khai hội, sáng sớm, tuyến đường rẽ từ đền Trình vào khu trung tâm danh thắng Yên Tử (xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) dài gần 10 km, đã chật cứng xe. Tắc đường kéo dài khiến nhiều người phải xuống đi bộ vài cây số để vào khu vực trung tâm.

Ông Nguyễn Văn Thành (Ngọc Khánh, Hà Nội) cho biết, chưa năm nào thấy người trẩy hội đông như năm nay. Tại bến ga cáp treo chặng 1, từ khu trung tâm lên chùa Hoa Yên, dòng người xếp dài hàng trăm mét và phải đợi gần 2 tiếng mới lên được cáp treo.

Đông đảo khách thập phương tham quan khu Tháp tổ. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN


Nhiều người không chờ nổi đành phải đi bộ từ khu vực chùa Giải Oan lên chùa Hoa Yên. Bà Thanh Ngân, quê Hải Dương cho biết: “Tôi cũng muốn tiết kiệm sức để còn leo lên chùa Đồng nhưng đông quá. Trong khi đi bộ lên chùa Hoa Yên chỉ mất hơn 1 tiếng đồng hồ, vừa đi vừa ngắm cảnh, nên tôi quyết định leo bộ”.

Đến quá trưa ngày khai hội, dòng người hành hương từ địa điểm đúc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông lên đỉnh chùa Đồng vẫn như dài bất tận. Từ trẻ con đến người lớn, nhiều người tay cầm gậy để dễ leo hơn lên đỉnh núi với chặng đường gần 1 km. Bà cụ Nguyễn Thị Nương (Ninh Bình) gần 90 tuổi, lưng đã còng, đi phải có con cháu dìu, nhưng vẫn nhất quyết lên đỉnh chùa Đồng - nơi được mệnh danh là “đóa sen” trên đỉnh Yên Tử, chỉ cách “ba thước là tới trời”.

Theo Ban tổ chức (BTC), riêng trong ngày khai mạc, đã có trên 13 vạn lượt khách hành hương về Yên Tử; trong đó có gần 9 vạn khách sử dụng cáp treo. Lượng khách trẩy hội ngày khai mạc đạt mức kỷ lục từ trước đến nay khiến nhiều điểm di tích quá tải. Lý giải về hiện tượng này, đại diện BTC cho rằng, do ngày khai hội diễn ra vào cuối tuần, nhiều người có điều kiện du xuân kết hợp cầu lộc, cầu tài.

Quy hoạch thành điểm du lịch tâm linh

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh cho biết: Nét mới trong khâu tổ chức Lễ hội Yên Tử năm nay là tỉnh đứng ra chỉ đạo, nhưng giao cho Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh tổ chức. Lễ hội Yên Tử không dùng tiền ngân sách mà được thực hiện với chủ trương xã hội hóa.

Từ xưa, dãy núi Yên Tử được biết đến và ngợi ca là "linh địa". Trong tâm thức của người Việt Nam, núi Yên Tử chứa đựng nhiều huyền tích hơn 700 năm Đất Tổ, nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm, một dòng Thiền mang đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Việt...


Chính vì vậy, đề án khu Yên Tử mở rộng hiện đã được tỉnh Quảng Ninh trình Chính phủ xem xét; trong đó có mở rộng đến chùa Ngọa Vân, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) và Hồ Thiên (vốn là một thiền viện nổi tiếng thời Trần thuộc tỉnh Bắc Giang).


“Đây là dự án quy hoạch tổng thể khu Yên Tử. Với khu vực rộng lớn sẽ góp phần bảo tồn và phát triển chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, góp phần cho tăng ni phật tử có điểm trở về cội nguồn nơi đức vua trước đây tu hành; đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh”, thượng tọa Thích Thanh Quyết nhấn mạnh.

Dự kiến năm 2011, Yên Tử sẽ đón 2,5 - 3 triệu lượt khách. Tính từ mùng 1 đến mùng 9 tháng Giêng âm lịch, khu Yên Tử đã có hơn 40 vạn lượt khách. Dự kiến từ nay đến hết tháng giêng âm lịch, khu danh thắng Yên Tử bình quân sẽ đón trên 6 vạn lượt khách/ngày. Được biết, năm 2010, Yên Tử đã đón trên 2,3 triệu lượt khách hành hương.

Xuân Cường