06:10 16/06/2011

Sớm giải quyết lộn xộn ở mỏ vàng Bồng Miêu

Trong những ngày gần đây nhất là từ ngày 4/6 đến nay, trên địa bàn xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) liên tục xảy ra những vụ xô xát giữa bảo vệ nhà máy vàng Bồng Miêu và người dân trong khu vực dẫn đến thương tích giữa hai bên và hàng tấn quặng vàng cũng bị cướp đi.

Trong những ngày gần đây nhất là từ ngày 4/6 đến nay, trên địa bàn xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh ( Quảng Nam) liên tục xảy ra những vụ xô xát giữa bảo vệ nhà máy vàng Bồng Miêu và người dân trong khu vực dẫn đến thương tích giữa hai bên và hàng tấn quặng vàng cũng bị cướp đi.

Nhà máy vàng Bồng Miêu (Nhà máy) nằm trên địa phận thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh. Đây là khu vực Nhà máy khai thác mỏ vàng theo kiểu tách kim loại vàng từ quặng ra (chứ không khai thác theo kiểu vàng sa khoáng). Mỏ vàng Bồng Miêu đã đựơc khai thác từ thời Pháp thuộc.

Ảnh internet

 Từ khi Nhà máy tiến hành khai thác đến nay thì bên cạnh đó người dân quanh khu vực vẫn hàng ngày đến đây nhặt quặng để về dùng cyanua tách vàng ra. Mặc dù đây là khu vực đã đựơc cơ quan chức năng cấp giấy phép để Công ty vàng Bồng Miêu độc quyền khai thác và hoàn thổ, nhưng vì lợi nhuận, hàng ngày vẫn có hàng trăm người dân trong khu vực đến "mót" quặng.

Ông Trường Đức Tới, trú thôn Bồng Miêu cho biết: vẫn biết đây là khu vực khai thác của Nhà máy nhưng vì “miếng cơm manh áo”, hàng ngày tôi vẫn đến đây để “mót” quặng. Theo tìm hiểu, được biết do đây là khu vực có mỏ quặng vàng với hàm lượng cao nên mỗi người dân bình thường đến đây mót quặng thì mỗi ngày có thể thu từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, cá biệt có người thu đến 3 triệu đồng/ngày. Và cứ thế đông đảo người dân trong khu vực vẫn đến đây “hôi” quặng vàng.

Chính vì Nhà máy cứ tiếp tục khai thác theo “quan điểm và khả năng” của mình vì theo quan điểm của họ thì đây là khu vực đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, bên cạnh đó còn thuê lực lượng cảnh sát bảo vệ nhà máy đề phòng có “biến cố” xảy ra.

Trong lúc người dân khu vực Nhà máy đã nghèo từ lâu, vốn quan niệm đây là đất của cha ông, nay gặp những “người lạ” đến lấy vàng đi và họ cứ thế “mót” được chừng nào hay chừng đó, đồng thời khi gặp “cơ hội” thì xông vào cướp quặng để thu về hàng triệu đồng/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống gia đình là lẽ đương nhiên. Hai “đối tượng” có hai mục đích khác nhau nên việc xô xát, đánh lộn và thậm chí là xông vào cướp phá tại khu vực nhà máy gần như là vấn đề không phải bàn cãi.

Nên chăng, các cấp các ngành tỉnh Quảng Nam cần sớm có những biện pháp nhằm giải quyết triệt để, căn cơ vấn đề giữa lợi ích của Nhà máy và quyền lợi của người dân địa phuơng. Trong đó có thể thực hiện một số vấn đề như ký cam kết với những người dân ở quanh khu vực khai thác mỏ vàng để tuyển chọn và đào tạo con em họ (những người đang trong độ tuổi lao động) vào làm trong Nhà máy và có mức lương ổn định, đồng thời những người thân của gia đình không được tham gia tiến hành khai thác trộm.

Nếu khi những hộ dân đã ký cam kết mà không thực hiện thì cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay xử lý để không tiếp diễn cảnh lộn xộn, xô xát cướp quặng vàng thường xuyên diễn ra trên địa bàn làm mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó, đối với những đường hầm khai thác vàng do thời Pháp để lại, nếu không cần thiết thì bịt chặt cửa hầm để người dân địa phương không thể len lỏi, ẩn nấp để cướp quặng. Như vậy không những giữ đựơc tính mạng cho người dân khái thác quặng tại địa phương mà còn góp phần giữ được trật tự trị an trên địa bàn./.

Nguyễn Sơn