06:14 16/06/2018

Sớm 'giải cứu' ô nhiễm sông Cầu Bây

Sông Cầu Bây có chiều dài hơn 13km chảy qua quận Long Biên và các xã của huyện Gia Lâm, Hà Nội trước khi đổ vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Mỗi ngày, con sông Cầu Bây đoạn chảy qua huyện Gia Lâm, Hà Nội tiếp nhận hơn 3.000m3 nước thải từ sinh hoạt, chăn nuôi đến công nghiệp chưa qua xử lý đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Xả thải thiếu kiểm soát

Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, sông Cầu Bây chảy qua địa bàn 4 xã, thị trấn gồm: Trâu Quỳ, Đông Dư, Đa Tốn và Kiêu Kỵ. Điểm đầu từ cống trại lợn thuộc Tổ dân phố An Lạc, thị trấn Trâu Quỳ, điểm cuối tại cống Xuân Thụy, xã Kiêu Kỵ, tiếp giáp huyện Văn Giang, Hưng Yên. Mỗi ngày, sông Cầu Bây tiếp nhận khoảng 3.141m3 nước thải khu dân cư qua 26 điểm xả chính. Trong đó, nước thải sinh hoạt khoảng 2.826m3, nước thải chăn nuôi khoảng 15m3, nước thải sản xuất khoảng 300m3.

Hiện nay, sông Cầu Bây đang bị ô nhiễm nặng nề vì hàng ngày đang phải tiếp nhận một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý, cụ thể là nước thải sinh hoạt dân sinh, chợ, dịch vụ của các khu dân cư khu vực Long Biên, Gia Lâm. Nhưng nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường nặng nhất là từ nước thải của các công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp hai bên sông xả ra. Các khu công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều thì lượng nước thải ngày càng tăng, nguồn nước càng ô nhiễm nặng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, vì dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng nên gia đình anh không thể bơm nước vào ao, hồ để nuôi trồng thủy sản được. Không chỉ có gia đình anh Dũng không thể lấy nước sông Cầu Bây nuôi trồng thủy sản, mà nhiều gia đình khác ở đây cũng vậy, không thể lấy nước tưới cho cây trồng hoặc sử dụng trong chăn nuôi. Hiện một số đất nông nghiệp ở huyện Gia Lâm bị ảnh hưởng nặng nề do nguồn nước mặt bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Cùng tâm trạng lo lắng về chất lượng nước sông bị ô nhiễm không thể sử dụng được trong sản xuất nông nghiệp, bác Vũ Văn Hinh, ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, những ngày thời tiết nắng, mưa bất thường thì dòng sông lại bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chưa kể, mạch nước sinh hoạt bị ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật. Dù nhiều lần đã làm đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay, con sông Cầu Bây không những không được cải thiện, mà ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Điều này làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của hàng vạn hộ dân.

Riêng đoạn sông Cầu Bây chảy qua địa bàn quận Long Biên, Hà Nội chỉ dài khoảng 3km nhưng có tới mấy chục cơ sở sản xuất cùng xả thải. Nhiều doanh nghiệp trong số đó chưa có giấy phép vẫn xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Tình trạng xả thải thiếu kiểm soát vào hệ thống sông Cầu Bây nhiều năm qua khiến con sông đào có ý nghĩa quan trọng bậc nhất đối với đời sống và sản xuất của người dân quận Long Biên và huyện Gia Lâm bị ô nhiễm ngày một trầm trọng.

Đề xuất nhiều giải pháp

Theo UBND thành phố Hà Nội, để giảm ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đảm bảo chất lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn đổ ải và tưới dưỡng năm 2018, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đề xuất đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải cho sông Cầu Bây. Bên cạnh đó, công ty cũng yêu cầu cơ quan chức năng khi cấp phép xả thải cho doanh nghiệp vào công trình thủy lợi phải có ý kiến của đơn vị quản lý công trình thủy lợi.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải còn phối hợp với Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội xây dựng Quy chế cụ thể phối hợp vận hành cống Xuân Thụy làm cơ sở vận hành giảm thiểu ô nhiễm.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, trên cơ sở phản ánh của người dân và thực tế ô nhiễm, huyện đã xây dựng kế hoạch “Triển khai thu gom nước thải sinh hoạt khu dân cư xả trực tiếp vào sông Cầu Bây đoạn qua địa bàn huyện Gia Lâm”.

Theo đó, huyện đã đánh giá được hiện trạng môi trường, xác định nguyên nhân, đối tượng xả nước thải công nghiệp và đưa ra phương án xử lý tạm thời đến tháng 6 này. Trước mắt, huyện đã bố trí các điểm thu gom và có kế hoạch xử lý nước thải bằng biện pháp sinh học hiếu khí. Bố trí khu vực lưu giữ để chia khoảng xử lý riêng, cung cấp ôxy tăng khả năng hoạt động của vi sinh vật, bổ sung chế phẩm tạo lắng trước khi thải ra sông Cầu Bây, định kỳ hút bùn. 

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch huyện Gia Lâm, huyện cũng đã đề nghị UBND thành phố hỗ trợ kinh phí nạo vét lòng sông, giải quyết ô nhiễm trước mắt. Đồng thời, huyện có trách nhiệm chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, kiểm tra việc sử dụng đất của các hộ hai bên bờ sông Cầu Bây, xác định rõ diện tích thổ cư, diện tích bao chiếm và yêu cầu giải tỏa công trình trên đất bao chiếm, ngăn chặn việc đổ rác, xả thải xuống lòng sông. Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức làm việc với quận Long Biên để tìm phương án sớm “giải cứu” sông Cầu Bây.

Nam Giang (TTXVN)