03:07 15/03/2019

Sớm đình bay Boeing 737 Max 8, Trung Quốc muốn gửi thông điệp gì?

Bắc Kinh đang lập nên những chuẩn mực mới trên bầu trời thông qua việc tiên phong cấm bay đối với dòng máy bay nổi tiếng Boeing 737 Max 8 do Mỹ sản xuất. 

Chú thích ảnh
Một sân bay quốc tế tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 13/3. Ảnh: AFP 

Các nhà điều tra mới chỉ bắt đầu xem xét những mảnh vỡ của máy bay Ethiopian Airlines số hiệu 302 gặp nạn không lâu sau khi rời sân bay quốc tế Bole ở thủ đô Addis Ababa sáng 10/3. Nhưng chưa đầy 24 tiếng sau vụ tai nạn thảm khốc, cơ quan hàng không dân sự của Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố đáng chú ý: Tất cả các hãng hàng không Trung Quốc sẽ đình chỉ bay 737 Max 8 – dòng máy bay bán chạy nhất của nhà sản xuất Boeing có trụ sở ở Chicago, Mỹ với giá 120 triệu USD. 

Trung Quốc chính là nước đầu tiên đưa ra tuyên bố trên. Sự táo bạo của Trung Quốc cho thấy mức độ tin tưởng mới đối với thế giới hàng không thương mại. Song nó cũng nói lên một điều: tham vọng của Bắc Kinh nhằm sở hữu bầu trời. Thị trường cho những dòng máy bay thương mại cỡ lớn hiện bị kiểm soát chỉ bởi hai “ông lớn” là Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu. Trung Quốc hy vọng mình sẽ trở thành “ông lớn” thứ ba. 

Lý do để cường quốc châu Á đình bay 737 Max 8 rất rõ ràng – đây là chiếc máy bay thứ hai bị rơi trong vòng 5 tháng. Tuy nhiên, quyết định nhanh chóng của Trung Quốc dường như đã khởi đầu một phản ứng dây chuyền, khi các nước và các hãng hàng không lần lượt theo chân Bắc Kinh. Đầu tiên là Indonesia cấm bay toàn bộ dòng Boeing 737 Max, ngay sau đó là các hãng Ethiopian Airlines, Cayman Airways, Comair của Nam Phi, GOL của Brazil, MIAT của Mông Cổ, Royal Air của Maroc và Aeroméxico. 

Tiếp đến ngày 12/3, Ấn Độ và Liên minh châu Âu bắt đầu ban lệnh cấm, khiến không còn hãng hàng không nào bên ngoài khu vực Bắc Mỹ còn sử dụng Max 8. “Mỹ và Canada đấu với thế giới tại thời điểm này”, một nhà quan sát viết trên Twitter khi Boeing bắt đầu gây hỗn loạn đường băng trên toàn cầu vì bị “cấm cửa” không phận. 

Sang ngày 13/3, Canada theo bước thế giới, chỉ còn Mỹ đơn độc khẳng định Max 8 an toàn. Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau, Tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh khẩn cấp yêu cầu cấm bay các phi cơ Boeing 737 Max 8 và 737 Max 9. 

Phản ứng nhanh chóng đến kinh ngạc của cộng đồng quốc tế đã khiến Mỹ bị lúng túng, và Trung Quốc trông giống như một người bảo vệ an toàn bầu trời có trách nhiệm. 

Chú thích ảnh
Khủng hoảng Max 8 đã cuốn mất 25 tỷ USD giá trị thị trường của Boeing. Ảnh: CNN 

Chuyên gia ngành hàng không Jason Rabinowitz cho biết, theo hiểu biết của ông, quyết định của nhiều hãng hàng không đình bay một dòng máy bay cụ thể mà không đợi chỉ thị kết luận về khả năng không vận của nó dường như chưa từng có tiền lệ.

Một nhà quan sát ngành công nghiệp này đã gọi nó là “một cú đấm vào mũi” đối với Boeing - một nhận xét khó chối cãi, từ cả mặt tài chính lẫn quan hệ công chúng. Một ngày sau vụ tai nạn, cổ phiếu của Boeing nhanh chóng lao dốc 13,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày thị trường mở cửa sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Ước tính sơ bộ, vụ khủng hoảng này sẽ khiến tập đoàn Boeing thiệt hại khoảng 25 tỷ USD.

Trung Quốc giữ một vai trò chen chốt trong việc đình bay Max 8 trên thế giới. Cách đây không lâu, không thể tưởng tượng rằng Cơ quan Hàng không Dân sự Trung Quốc (CAAC) có thể vượt mặt Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trong một vấn đề quan tâm toàn cầu, đặc biệt nó lại xảy ra với dòng máy bay do Mỹ sản xuất. Trước đây, nếu gặp vấn đề gì, CAAC sẽ tìm đến FAA để xin chỉ dẫn song lần này, giới chức CAAC còn lên án FAA vì đẩy hành khách khắp thế giới vào tình trạng nguy hiểm. 

“Họ gặp khó trong vấn đề đưa ra quyết định nên chúng tôi tiên phong”, Phó Giám đốc CAAC phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh khi được hỏi về chỉ đạo của FAA xoay quanh số phận máy bay 737 Max 8. 

Việc thiết lập CAAC như một nhà thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế có thể giúp Trung Quốc tăng tốc theo đuổi thị trường hàng không thương mại – vốn bắt đầu từ năm 2008 khi đưa ra chương trình máy bay chở khách cỡ lớn C919. C919 của Trung Quốc gần giống với Boeing 737 Max 8 - một dòng máy bay thành công lớn nhờ sự kết hợp giữa hiệu suất, tầm bay và tiết kiệm nhiên liệu, cho đến khi gặp hai sự cố của Lion Air và Ethiopian Airlines. 

Bất kỳ sự cố “vấp ngã” nào của Boeing hay Airbus, đặc biệt về vấn đề an toàn, đều trở thành lợi thế của Bắc Kinh giúp nước này củng cố tên tuổi trong ngành hàng không. Ngược lại, Mỹ lại đối mặt với nguy cơ bị xói mòn danh tiếng về mức độ an toàn khi có tin tức cho rằng ông chủ Boeing đã tìm đến Tổng thống Trump để vận động ông giữ máy bay của họ tiếp tục hoạt động chở khách.  

Trung Quốc hy vọng rằng máy bay thương mại C919, lần đầu cất cánh năm 2017, ngày nào đó sẽ trở thành đối thủ của 737 Max về doanh thu. Tuy nhiên, những cơn “gió ngược” mà C919 đang đối  mặt cũng rất đáng ngại.

Lý do đầu tiên, máy bay này rất nặng, đồng nghĩa với việc nó sẽ hao tốn nhiêu liệu đủ để “mất điểm” trong mắt các hãng hàng không. Thứ hai, thực tế, nó phải chạy đua với hai “gã khổng lồ” trong ngành vốn đã dành hàng thập kỷ để bảo vệ chuỗi cung ứng, chăm sóc quan hệ với khách hàng và sản xuất quy mô lớn nhằm bán sản phẩm dễ dàng hơn.  

Hoàng Trang/Báo Tin tức