09:21 16/09/2021

Sóc Trăng trong ngày đầu tiên trở lại trạng thái bình thường mới

Đến hết ngày 15/9, toàn tỉnh Sóc Trăng đã không còn xã nguy cơ rất cao (vùng đỏ), còn 2 xã mức nguy cơ cao (vùng cam), 4 xã có mức nguy cơ (vùng vàng) và 103 xã vùng xanh - bình thường mới.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền ở các địa điểm đông dân cư.

Sau hơn 2 tháng nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Sóc Trăng đã đạt được kết quả tích cực. Số ca mắc mới tại cộng đồng trong hơn một tuần nay đã giảm liên tục so với 2 tuần liền kề; trên địa bàn tỉnh không phát sinh chùm ca lây nhiễm mới trong hơn 1 tuần qua, đặc biệt trong vài ngày gần đây số ca mắc hàng ngày không đáng kể, có ngày không có ca mới...
 
Đến hết ngày 15/9, toàn tỉnh Sóc Trăng đã không còn xã nguy cơ rất cao (vùng đỏ), còn 2 xã mức nguy cơ cao (vùng cam), 4 xã có mức nguy cơ (vùng vàng) và 103 xã vùng xanh - bình thường mới (chiếm 94,5% tổng số các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Với kết quả đó, Sóc Trăng được Chính phủ, Bộ Y tế đánh giá thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, đạt mục tiêu thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày 16/9, ngày đầu tiên trở lại trạng thái bình thường mới, ở địa bàn tỉnh Sóc Trăng các hoạt động đã khá sôi động. Nhiều hàng quán, dịch vụ đã hoạt động trở lại nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Việc đi lại của người dân ở các “vùng xanh”, “vùng vàng” đã thoáng hơn, tâm lý người dân cũng phấn khởi, vui mừng khi tỉnh Sóc Trăng là địa phương đầu tiên trong khu vực đã trở lại trạng thái bình thường mới.

Thông tin từ Sở Y tế Sóc Trăng, trong ngày 16/9, toàn tỉnh Sóc Trăng chỉ có thêm 1 ca mắc COVID-19 mới là F1 đã quản lý trong khu tập trung, giảm 1 người so với ngày 15/9. Như vậy đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 1.017 ca dương tỉnh với COVID-19, trong đó 656 người đã khỏi bệnh, 20 người tử vong.

Theo ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, công tác phòng, chống dịch của tỉnh đã đi đúng hướng, rất tập trung và hiệu quả. Tỉnh đã thực hiện đạt 4 mục tiêu: ý thức chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của toàn dân được nâng lên; khống chế, không để dịch bệnh lây lan; giảm số ca mắc, số ca tử vong; sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi, tạo điều kiện quang trọng để thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế”. Với kết quả đó, từ ngày 16/9, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh và phục hồi sản xuất, kinh doanh theo trạng thái “bình thường mới”. Sóc Trăng trở thành tỉnh đầu tiên trong khu vực bước vào trạng thái "bình thường mới".

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh tại nhiều địa phương đang tiếp tục diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố số ca mắc vẫn còn ở mức cao, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng công tác phòng, chống dịch của tỉnh vẫn còn nhiều, thách thức, nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh là rất cao. Do đó, từ ngày 16/9, khi tỉnh chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, mục tiêu của tỉnh là phải giữ vững thành quả chống dịch trong thời gian qua, đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái “bình thường mới” lâu dài, bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, không vì thành tích tốt đã đạt được mà chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là ở cấp cơ sở và người dân; yêu cầu phải bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời đưa ra giải pháp hiệu quả để giữ vững thành quả chống dịch, bảo vệ vùng xanh. Tỉnh quán triệt tinh thần “chủ động tiến công” và nguyên tắc chống dịch: "phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, xét nghiệm thần tốc, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình".

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động, kêu gọi nhân dân tích cực phòng, chống dịch; để “dân biết - dân hiểu - dân tin - dân theo - dân làm”; để người dân phải thật sự là “chiến sĩ”, là chủ thể trong công tác phòng, chống dịch; để mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, giữ bền vững vùng xanh, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
 
Đồng thời, tỉnh đề nghị chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp tạo điều kiện cho người dân trong khu vực phong tỏa, khu cách ly bảo đảm sinh hoạt hằng ngày và các nhu cầu thiết yếu, nhất là nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa để người dân yên tâm phòng, chống dịch ở trong khu cách ly, khu phong tỏa.

Tỉnh kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 nhưng đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt các phương châm “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”, “an toàn mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn”; chú trọng hiệu quả, không hình thức, nói đi đôi với làm; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Tỉnh mở rộng và bảo vệ chặt chẽ vùng an toàn dịch bệnh nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; kiểm soát dịch bệnh và sớm ổn định sản xuất, kinh doanh đối với các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động. Tỉnh phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và an toàn phòng, chống dịch.

Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào, ở địa phương nào thì cấp đó, địa phương đó phải chủ động, kịp thời giải quyết, với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất”; triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp để cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, tạo điều kiện thuận lợi về lao động.

Các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công Thương tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thuỷ sản của người dân, kết nối cung cầu, chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thuỷ sản của tỉnh.

Tin, ảnh: Trung Hiếu (TTXVN)