02:09 25/02/2023

Sóc Trăng khắc phục tồn tại, sớm gỡ cảnh báo 'Thẻ vàng' IUU

Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh; trong đó khai thác biển chiếm vị trí quan trọng.

Chú thích ảnh
Tàu thuyền khai thác biển tuân thủ nghiêm IUU. 

Thực hiện việc chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), Sóc Trăng đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân, quản lý chặt chẽ tàu thuyền khai thác xa bờ và theo dõi, giám sát tàu cá, đôn đốc các chủ tàu thuyền, ngư dân vùng ven biển thực hiện nghiêm Luật Thủy sản 2017 và Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Sóc Trăng có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển tổng hợp, thủy hải sản, nông - lâm nghiệp biển, công nghiệp hướng biển, thương cảng, cảng cá, dịch vụ cảng biển, xuất nhập khẩu, du lịch và vận tải biển.

Lĩnh vực chế biến thủy sản đã phát triển lâu đời, ngày càng đầu tư công nghệ hiện đại và nhạy bén trong thị trường, mang về giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản rất lớn hằng năm cho tỉnh Sóc Trăng.

Thống kê mới nhất của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho thấy, hiện toàn tỉnh có 1.000 tàu đánh bắt thủy hải sản, với tổng công suất 203.512 CV (mã lực); trong đó, có 339 tàu chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, công suất 177.081 CV, hoạt động vùng khơi theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Tổng số lao động hoạt động nghề cá toàn tỉnh khoảng 307.685 người; trong đó, khoảng 8.620 lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển; hằng năm khai thác biển của tỉnh đạt sản lượng từ 65.000 đến 70.000 tấn hải sản các loại.

Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống khai thác IUU, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, sớm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” EU, tỉnh Sóc Trăng đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Sóc Trăng cũng kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến, kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo theo quy định, đặc biệt là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đảm bảo trạng thái hoạt động trước khi cho tàu cá xuất bến; điều tra, xử lý, xử phạt nghiêm các vụ việc vi phạm nếu xảy ra.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các đơn vị chức năng như Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Cảng cá Trần Đề theo nhiệm vụ được giao đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, hoàn thành việc đánh dấu tàu cá theo quy định với 339/339 tàu cá khai thác xa bờ đã gắn thiết bị giám sát hành trình; bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, đúng quy định của pháp luật.

Chi cục Thủy sản khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát hành trình tàu cá để theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý dữ liệu tàu cá qua VMS, xử phạt nghiêm các tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU; thường xuyên phát các bản tin cảnh báo tàu cá mất kết nối thiết bị VMS, tàu cá khi có dấu hiệu vượt ranh giới trên biển để ngư dân kịp thời nắm thông tin, khắc phục sự cố, điều chỉnh hành vi theo quy định của pháp luật, đảm bảo theo dõi, quản lý có hiệu quả tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá.

Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, ông Huỳnh Ngọc Nhã, một số nội dung tỉnh đã và đang triển khai về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là đã chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm khắc phục kịp thời đối với các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU; tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; đặc biệt là các văn bản liên quan đến việc khai thác IUU cho ngư dân trong và ngoài tỉnh, với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, giúp người dân dễ hiểu và nắm bắt được thông tin tiện lợi hơn.

Đồn Biên phòng Trung Bình (thuộc Bộ đội Biên Phòng Sóc Trăng) có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra, kiểm soát người dân ra vào khu vực biên giới biển, trong nhiều năm qua cũng đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền về IUU.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Đồn trưởng đồn Biên Phòng Trung Bình cho biết,  đơn vị xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ trọng tâm, nên Đảng ủy Ban chỉ huy đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền, các ban ngành ở địa phương đẩy mạnh  tuyên truyền; bên cạnh đó, đơn vị cũng siết chặt việc tuần tra, kiểm tra, giám sát quản lý các phương tiện khai thác trên vùng biển của tỉnh, thông qua thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt tại trạm kiểm soát, kết nối với các tàu khai thác xa bờ.

Cán bộ, chiến sỹ bộ đội Biên phòng khi làm việc với các chủ phương tiện, truyền trưởng luôn yêu cầu 100% phương tiện đăng ký không hoạt động khai thác trái phép ngoài vùng biển Việt Nam. Hiện trên địa bàn Đồn Trung bình quản lý có 339 phương tiện đánh bắt xa bờ có chiều dài 15 mét trở lên, 100% phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tất cả các tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (VMS) theo đúng quy trình lắp đặt, thực hiện đúng quy định kẹp chì trên thiết bị VMS. 

Ông Quảng Trọng Danh, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng thông tin, Ban quản lý Cảng Trần đề tăng cường tuyên truyền luật Thủy sản, nhất là đánh bắt theo quy định của IUU, bằng nhiều hình thức tuyên truyền trên loa phát thanh của cảng vào mọi lúc, mọi nơi, mỗi khi có dịp gặp gỡ tiếp xúc ngư dân thì cán bộ cảng đều tuyên truyền hết.

Nhờ tuyên truyền và triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát tàu cá mà nhận thức của ngư dân khai thác biển được nâng lên và chấp hành hiệu quả các quy định trong khai thác thủy sản trên biển.

Ngư dân Trần Quốc Trọng, ở ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết, gia đình ông có 15 tàu khai thác xa bờ, thời gian qua, Ban quản lý Cảng cá Trần Đề và Đồn biên phòng Trung Bình có tuyên truyền, phát tờ rơi trước khi ngư dân ra đánh bắt, bên tổ tuyên truyền IUU của tỉnh cũng thường xuyên nhắc nhở, riêng bản thân, gia đình, ngư dân theo tàu nhận thức rõ để không vi phạm, không dám vi phạm.

Ông Trọng cho biết, mỗi chuyến đi biển đều thực hiện ghi lại nhật ký khai thác và không ra vùng biển nước ngoài. Khi tàu  về cảng đều khai báo đầy đủ với Biên phòng.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Thuyền trưởng tàu tải hàng thường xuyên ra vào khu vực Côn đảo cho rằng, ở cảng Trần Đề, cán bộ biên phòng đều nhiệt tình hỗ trợ khi cần thiết và tuyên truyền trên nhiều lĩnh vực cho ngư dân. Ý thức được điều này, tàu tải của ông Lâm luôn chấp hành và hầu hết ngư dân ở Trần Đề đánh bắt xa bờ đều chấp hành đúng quy định.

Nhờ các biện pháp tuyên truyền, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài đạt hiệu quả cao.

Báo cáo của Tổ IUU Sóc Trăng cho thấy, từ năm 2015 đến nay, Sóc Trăng chỉ có 1 trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ do vi phạm vùng biển nước ngoài (thời điểm giữa tháng 4/2021), còn gần 2 năm nay, sau khi các tổ IUU Sóc Trăng siết chặt quản lý giám sát, không có tàu nào của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bài và ảnh: Trung Hiếu (TTXVN)