04:09 01/04/2011

Sơ thẩm vụ án ở Tân Việt (Hưng Yên): Liệu có bỏ lọt tội phạm?

Vụ án cố ý gây thương tích nghiêm trọng xảy ra vào 12 giờ ngày 17/2/2010 (mùng 4 Tết năm Canh Dần) vừa được Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử ngày 20/4/2011.

Vụ án cố ý gây thương tích nghiêm trọng xảy ra vào 12 giờ ngày 17/2/2010 (mùng 4 Tết năm Canh Dần) vừa được Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử ngày 20/4/2011. Theo đó, tòa chỉ nhận định có mình Đào Văn Tùng gây thương tích cho 4 người và tuyên phạt Tùng 11 năm tù giam; trong khi đó, các bị hại, các nhân chứng và luật sư của bị hại đã đưa ra các chứng cứ chứng minh, trong vụ án này, ngoài Tùng còn có 2 đối tượng nữa tham gia gây án là anh em ruột của Tùng gồm Đỗ Văn Tuân, Đỗ Văn Toàn.

Vi phạm thủ tục tố tụng

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên: Khoảng 12 giờ ngày 17/2/2010, tại khu vực trước cửa nhà bà Vũ Thị Thìn thuộc thôn Hoan Ái, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, do có mâu thuẫn từ việc va chạm mô tô của Đỗ Văn Tùng với xe ô tô của anh Lương Đình Hoan mà Tùng đã dùng một con dao nhọn dài khoảng 35 - 40 cm, rộng khoảng 6 - 7 cm đâm và chém các anh Đào Thế Oai, Nguyễn Văn Thao và Lương Đình Khôi. Đỗ Văn Tùng còn dùng gạch ném vào đầu anh Lương Đình Hoan. Hậu quả, anh Nguyễn Văn Thao bị tổn hại 16,2%, Lương Đình Khôi bị tổn hại 73,8%; Đào Thế Oai bị tổn hại 26,4%, còn anh Lương Đình Hoan bị tổn hại 4% sức khỏe.

Ngay sau khi xảy ra vụ án này, các gia đình bị hại đã tố cáo đối tượng phạm tội với Công an xã Tân Việt, cơ quan điều tra Công an huyện Yên Mỹ. Đỗ Văn Tùng sau vài giờ gây án đã đến Công an xã Tân Việt đầu thú, khai nhận về hành vi phạm tội của mình. Theo những người bị hại, có 2 đối tượng nữa là anh em ruột với Tùng cùng tham gia gây án với Tùng.

Việc tố giác tội phạm của các bị hại và hành vi ra đầu thú của tội phạm đã đủ cơ sở xác định Đỗ Văn Tùng có dấu hiệu phạm tội và đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Tuy vậy, cơ quan điều tra Công an huyện Yên Mỹ đã không khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Việc này đã vi phạm Điều 13 Bộ luật TTHS quy định về trách nhiệm khởi tố vụ án hình sự: “Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội...”.

Sự chậm trễ của cơ quan điều tra Công an huyện Yên Mỹ là rất khó hiểu. Mãi đến ngày 9/3/2010, họ mới cho các bị hại đi giám định thương tích và chỉ khi có kết luận giám định thì mới khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can vào ngày 23/3/2010 và ngày 30/3 mới bắt tạm giam Đỗ Văn Tùng.

Việc chậm vào cuộc của cơ quan điều tra đã tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội có cơ hội bàn bạc, thông cung, chối tội.

Ngay sau khi vụ án xảy ra, những người bị hại đã khẳng định với cơ quan điều tra huyện Yên Mỹ: Liên quan đến vụ án này, ngoài Tùng ra còn 2 đối tượng nữa là Đỗ Văn Toàn (SN 1985) là em ruột Tùng, Đỗ Văn Tuân (SN 1980) là anh ruột Tùng. Cụ thể: Tùng cầm gạch đập vào đầu anh Hoan, dùng dao bầu chém vào mặt anh Hoan và vào mặt anh Thao; Tuân dùng lê đâm anh Khôi; Toàn dùng lê đâm anh Thao và anh Oai. Hành vi phạm tội của các đối tượng có chị Lương Thị Hợi, anh Đào Xuân Tiến cùng chứng kiến, nhưng cơ quan điều tra huyện Yên Mỹ đã không quan tâm đến lời khai của các nhân chứng này mà chỉ tìm các chứng cứ khẳng định chỉ một mình Tùng gây ra thương tích cho 4 người.

Sau rất nhiều đơn tố cáo với nội dung cơ quan điều tra huyện Yên Mỹ không khách quan, vụ án buộc phải chuyển lên cơ quan điều tra Công an tỉnh Hưng Yên, Viện Kiểm sát tỉnh Hưng Yên và kết quả điều tra cũng không có gì thay đổi, mặc dù người bị hại, luật sư của người bị hại đã đưa ra các chứng cứ để chứng minh những kẻ đồng phạm với Tùng là Toàn và Tuân.

Công tố đuối lý, tòa vẫn đồng ý

Ngay ở phần thủ tục phiên tòa, vị đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố đã bị người bị hại đề nghị thay đổi vì lý do không khách quan, có sự đe dọa nhân chứng tại buổi đối chất giữa nhân chứng với các đối tượng bị tố giác. Tuy nhiên, đề nghị này không được hội đồng xét xử chấp thuận.

Sang phần tranh luận, luật sư Đăng Quang (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) bảo vệ quyền, lợi ích cho bên bị hại khẳng định: Cơ quan điều tra, viện kiểm sát đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến kết quả điều tra bỏ lọt tội phạm.

Chứng minh cho việc bỏ lọt tội phạm, ngoài việc người làm chứng, người bị hại chỉ mặt gọi tên từng đối tượng gây thương tích cho họ, thì luật sư đã chứng minh xác đáng bằng các bản kết luận giám định thương tích cho các bị hại, cụ thể: Tại bản khám nghiệm ban đầu và kết quả giám định pháp y đối với anh Đào Thế Oai: Ngày vào viện 17/2/ 2010, trong tình trạng vết thương mặt sau 1/3 giữa đùi trái xuyên thấu, vết thương do vật sắc nhọn gây nên. Khám nghiệm ban đầu và bản giám định pháp y đối với anh Lương Đình Khôi: Vết thương thấu bụng, khoảng 3 cm vùng mạng sườn phải lộ quai ruột... Cơ chế hình thành thương tích: Vết thương vùng mạng sườn phải thấu bụng do vật sắc nhọn tác động. Bản khám nghiệm ban đầu và kết quả giám định pháp y đối với anh Nguyễn Văn Thao: Vết thương 3 cm khoang liên sườn VIII - IX trái cạnh cột sống thấu ngực, vết thương phần mềm 2,5 cm vùng thắt lưng phải cạnh cột sống.

Từ các khám nghiệm ban đầu và kết quả giám định pháp y cho thấy, hung khí gây thương tích cho các bị hại là loại hung khí đúng theo miêu tả của người bị hại là anh Thao, anh Oai rằng Tuân và Toàn sử dụng “con lê” có chiều dài 35 - 40 cm, chiều rộng khoảng 3 cm là hoàn toàn phù hợp.

Đối chiếu với kết quả điều tra và lời khai của Tùng thì hung khí Tùng sử dụng là loại dao bầu dài khoảng 35 - 40 cm, bản dao rộng khoảng 6 - 7 cm hoàn toàn không phù hợp với kích thước vết thương trên người bị hại là anh Oai, anh Thao, anh Khôi. Con dao Tùng sử dụng chỉ phù hợp với kích thước vết thương Tùng đã gây ra cho anh Hoan.

Đáp lại tranh luận của luật sư, vị công tố đưa ra lý do không thu giữ được hung khí mà Tùng sử dụng gây án, và tại phiên tòa Tùng không nhớ chi tiết diễn biến khi phạm tội. Do vậy, công tố đề nghị áp dụng một loạt các tình tiết giảm nhẹ và đề nghị xử phạt bị cáo 11 - 12 năm tù giam.

Lý lẽ là vậy, tranh tụng là vậy nhưng hội đồng xét xử Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên vẫn nhận định: Chỉ có mình Tùng gây thương tích cho 4 người bằng hung khí là con dao có kích thước rộng 6 - 7 cm, phớt lờ ý kiến tranh tụng của luật sư và tuyên bị cáo Tùng chịu 11 năm tù giam và bồi thường dân sự cho bị hại.

Được biết, dư luận, người bị hại rất bức xúc trước phán quyết của Toà án tỉnh Hưng Yên. Các bị hại đã làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm và hy vọng sẽ có một bản án cấp phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao “đúng người, đúng tội” và những đồng phạm trong bóng tối sẽ bị đưa ra ánh sáng.

Quang Thắng