11:15 30/11/2022

So sánh hệ thống phòng thủ Vòm sắt của Israel với NASAMS của Mỹ

Cả NASAMS và Vòm sắt (Iron Dome) đều là những hệ thống rất có năng lực, nhưng có những khác nhau nhất định trong thực hiện nhiệm vụ phòng không.

Chú thích ảnh
Tên lửa Iron Dome khai hỏa. Ảnh: newsweek.com

Khi Ukraine nhận được hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS từ Mỹ, họ cũng đã kêu gọi Israel cung cấp hệ thống phòng không Vòm sắt.

Cụ thể, Đại sứ quán Ukraine tại Israel đã gửi thư tới Bộ Ngoại giao Israel đề nghị hỗ trợ Iron Dome sau các cuộc tấn công tên lửa liên tục từ Nga.

"Ukraine rất quan tâm đến việc mua các hệ thống phòng thủ trong thời gian nhanh nhất có thể từ Israel, đặc biệt là: Iron Beam, Barak-8, Patriot, Iron Dome, David's Sling, Arrow Interceptor và sự hỗ trợ của Israel trong đào tạo cho phía Ukraine", bức thư của Đại sứ quán Ukraine nêu rõ.

Ngoài bức thư trên, Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cũng đưa ra bình luận tương tự trong cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post.

Ông Klitschko nói: “Israel có kinh nghiệm tuyệt vời với hệ thống phòng không và Iron Dome. Chúng tôi rất cần hệ thống tương tự trong thành phố của mình. Chúng tôi đã đề cập đến vấn đề này với phía Israel trong một thời gian dài. Nhưng những cuộc thảo luận đó đã không thành công".

Hệ thống tên lửa NASAMS do tập đoàn Raytheon Missiles&Defense và Kongsberg phát triển và theo Raytheon, NASAMS là một hệ thống phòng thủ hiện đại, phù hợp, có thể tối đa hóa khả năng xác định, theo dõi và tiêu diệt máy bay chiến đấu, máy bay không người lái (UAV) và các mối đe dọa tên lửa hành trình mới nổi.

Mặt khác, hệ thống Iron Dome của Israel được phát triển bởi Rafael Advanced Defense Systems và công ty này tuyên bố rằng Iron Dome là một hệ thống cơ động cao, cung cấp giải pháp để chống lại các mối đe dọa tầm ngắn cũng như các mối đe dọa từ tên lửa, pháo và súng cối (C-RAM), máy bay, trực thăng, UAV, đạn dược có điều khiển chính xác (PGM) và tên lửa hành trình.

Chú thích ảnh
Tên lửa NASAMS khai hỏa. Ảnh: ukrinform.net

Thomas Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng cả NASAMS và Iron Dome đều là những hệ thống rất có năng lực.

"NASAMS là một hệ thống có khả năng hơn trong giải quyết vấn đề phòng thủ tên lửa hành trình, trong khi Iron Dome sẽ phù hợp hơn một chút ở cấp thấp hơn, nhưng vẫn rất có khả năng đối với một loạt mối đe dọa khác", vị chuyên gia quân sự trên nói.

Nhận xét về lời đề nghị liên tục từ Ukraine đối với Iron Dome, ông Karako lưu ý rằng Ukraine muốn có càng nhiều hệ thống phòng không càng tốt. Mỹ gửi cho Ukraine 2 hệ thống NASAMS. Ông Karako cũng cho rằng ít có khả năng Israel sẽ cung cấp Iron Dome cho Ukraine.

Về phần mình, Riki Ellison, Chủ tịch và người sáng lập Liên minh vận động phòng thủ tên lửa, nói rằng NASAMS và Iron Dome dành cho các nhóm mục tiêu khác nhau.

"Iron Dome chủ yếu đánh chặn tên lửa thông thường, không phải để phòng thủ tên lửa hành trình. NASAMS là hệ thống tên lửa đắt tiền hơn, nó được thiết kế để đối phó tên lửa hành trình", ông Ellison nói.

Theo ông Ellison, Iron Dome có thể có năng lực trong tiêu diệt máy bay không người lái do Iran sản xuất hơn, nhưng cũng lưu ý rằng mối đe dọa đó có thể bị bắn hạ bởi tên lửa vác vai Stinger hoặc súng máy, vì đó là mối đe dọa di chuyển chậm.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo newsweek.com)