07:10 22/07/2014

Số phận của Malaysia Airlines sau thảm kịch MH17

Sau thảm kịch xảy ra vào tuần trước, khi chiếc máy bay MH17 đã bị bắn hạ ở đông Ukraine, số phận của Malaysia Airlines đã được định đoạt.

Thảm kịch MH17 đã định đoạt số phận của Malaysia Airlines, chỉ có một sự lựa chọn: Bán hoặc quốc hữu hóa.

Ngay cả trước khi thảm họa xảy ra vào tháng 3 vừa qua, với sự biến mất bí ẩn của chiếc máy bay MH370, Tập đoàn hàng không Quốc gia Malaysia Airlines (MAS) cũng đã ở trong giai đoạn tài chính nguy hiểm, có lẽ là tồi tệ nhất trong khu vực khi họ phải “đốt tiền” với một tốc độ chóng mặt.

Sau thảm kịch máy bay MH17 bị bắn hạ ở miền đông Ukraine, số phận của hãng hàng không này đã được định đoạt.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay MH17 tại Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN


Nếu bị sáp nhập với hãng hàng không giá rẻ AirAsia 2 năm trước đây, MAS có thể đã phải hoạt động dưới một cái tên hoặc một biểu tượng khác và phải thay đổi màu sơn của mình.

Hiện nay, chỉ có một trong 2 sự lựa chọn cho hãng hàng không này và cả 2 đều liên quan đến việc mua bán: hoặc quốc hữu hóa hoàn toàn bởi chính phủ Malaysia hoặc phải sang nhượng cho một đối thủ cạnh tranh khác.
 
Công ty nhà nước Khazanah Nasional, cổ đông lớn nhất của Malaysia Airlines đang xem xét việc chuyển sang tập trung vào một hãng hàng không tư nhân. Phát biểu trên chuyên mục World Service của BBC, Mohshin Aziz, một chuyên gia đầu tư của ngân hàng Maybank ở Kuala Lumpur cũng cho rằng: “Thách thức mà hãng hàng không này đang phải đối mặt là rất lớn, thậm chí không thể vượt qua. Nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ, hãng này sẽ không thể tồn tại quá một năm. Và cho dù cứu vãn được tài chính thì khả năng tồn tại trong dài hạn vẫn sẽ là vấn đề lớn”.

Ngoài ông chủ của AirAsia, Fernandez, người chắc chắn sẽ có những xem xét sáp nhập, các nhà phân tích đang dự đoán một số người mua tiềm năng. Tại thời điểm MAS và AirAsia đàm phán, ông chủ của hãng Qantas (Australia) Alan Joyce cũng tìm cách hợp tác với MAS và muốn đưa những máy bay của hãng này gia nhập vào liên minh “Một thế giới”.

Tuy nhiên, Qantas đang đối mặt với một tổn thất lớn trong năm nay - khoảng 700 triệu USD và các nhà đầu tư đánh giá hãng này có một tương lai không chắc chắn.

MAS đã ở mức “báo động đỏ” trong 3 năm qua. Năm ngoái, hãng đã thua lỗ tới 1,17 tỷ ringgit (363 triệu USD), gấp khoảng 3 lần con số thua lỗ năm 2012.

Sau sự biến mất của MH370, số lượng hành khách của MAS giảm 60%. Khazanah Nasional đã bơm hơn 1,6 tỉ USD vào MAS trong thập kỷ qua, nhưng bây giờ, họ vẫn phải đối mặt với một lựa chọn khắc nghiệt: Đổ thêm tiền để quốc hữu hóa hoặc bán.


Công Thuận (Theo ABCnews)