10:13 08/10/2019

Số người tị nạn tới Australia bằng đường hàng không tăng kỷ lục

Australia đang tiệm cận một mốc kỷ lục mới về số lượng người tị nạn đến nước này bằng đường không. 

Chú thích ảnh
Số người tị nạn tới Australia bằng đường hàng không tăng cao kỷ lục. Ảnh: theguardian.com

Theo số liệu thống kê do báo Sydney Morning Herald công bố ngày 8/10, mỗi ngày có tới 80 người tị nạn "đáp xuống" Australia kể từ khi bắt đầu tài khóa 2019 - 2020 đến nay. Nếu xu hướng này còn tiếp diễn, dự tính sẽ có hơn 29.000 người xin tị nạn tại Australia sẽ đến "miền đất hứa" của họ theo đường hàng không trong năm tài chính này.

Những số liệu thống kê trên cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể từ con số 8.562 trường hợp xin tị nạn di chuyển tới Australia bằng máy bay trong tài khóa 2014-2015. Đây được xem là những thay đổi đáng kể trong làn sóng người di cư tới Australia, kể từ khi "Xứ Chuột túi" đẩy mạnh kiểm soát việc cập cảng của các tàu chở người di cư.

Dưới thời chính phủ của Công đảng (ALP) cầm quyền từ năm 2009 đến 2013, hơn 50.000 người tị nạn đã đến Australia theo đường biển, tuy nhiên số liệu này đã giảm kể từ khi đảng Liên minh Tự do - Quốc gia (LNP) lên cầm quyền kể từ năm 2014.

Cũng liên quan vấn đề người di cư, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 7/10 đã kêu gọi Australia cải tổ việc giam giữ tội phạm và người tị nạn.

Phát biểu tại Sydney, Cao ủy LHQ về nhân quyền Michelle Bachelet cho biết bà đã "bất ngờ" khi biết rằng độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự ở nước này chỉ là 10 tuổi, đồng thời kêu gọi Australia nâng độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự lên 14, theo "mức tuổi được quốc tế chấp nhận". 

Theo bà Bachelet, chính sách trên của Australia đã ảnh hưởng tới trẻ em bản địa, vốn chiếm tới 70% số những đối tượng dưới 14 tuổi đang bị giam giữ trong các nhà tù ở nước này. Bà cũng nói rằng đây là "đã đến thời điểm bãi bỏ" việc giam giữ những người xin tị nạn - một chính sách mà bà mô tả là "đã trở nên cực đoan". 

Chính sách cứng rắn của Australia đối với những người xin tị nạn bao gồm từ chối những người tị nạn đến nước này bằng đường biển và giam giữ người tị nạn ở khu vực ngoài khơi. LHQ lâu nay vẫn chỉ trích cả hai biện pháp này.

Thanh Phương   (TTXVN)