11:09 23/11/2011

Số người nhiễm mới HIV tại Việt Nam giảm dần

Theo thông tin tại Hội nghị 5 năm thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư TƯ Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức hôm qua (22/11), dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã được kiềm chế ở mức độ thấp...

Theo thông tin tại Hội nghị 5 năm thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư TƯ Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức hôm qua (22/11), dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã được kiềm chế ở mức độ thấp, số trẻ nhiễm HIV được sinh ra từ các bà mẹ mang thai nhiễm HIV giảm đáng kể.

Giảm số người nhiễm mới

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), công tác phòng chống HIV/AIDS thời gian qua đã chuyển biến tích cực. Số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm liên tục trong 3 năm gần đây. Số ca phát hiện mới giảm dần từ năm 2006 đến nay, mặc dù số ca được xét nghiệm tăng 5 lần. Tỷ lệ nhiễm HIV tại Việt Nam đang ở mức dưới 0,3% dân số.

Đồng đẳng viên truyền thông tư vấn và cung cấp dịch vụ dự phòng tại cộng đồng. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Cùng với các hoạt động truyền thông, vận động xã hội, huy động sự tham gia của người nhiễm HIV, tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện..., một trong những nhân tố đưa lại thành công này là việc triển khai rộng khắp nhiều mô hình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.

Đơn cử, Hải Phòng thành lập Hội phòng, chống HIV/AIDS năm 2009 và đến nay, có 17/23 nhóm Tự lực thuộc Hội hoạt động hiệu quả. Các tổ chức liên kết người nhiễm HIV đa dạng với nhiều tên gọi như nhóm đồng đẳng những người từng sử dụng ma túy, câu lạc bộ Hoa phượng giúp đỡ chị em “có H”. Nhân thân người nhiễm HIV cũng tự thành lập tổ chức để chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau... Các nhóm, câu lạc bộ này đã chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm đối với người có H; cung cấp thông tin, tư vấn về sinh sản, sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, cai nghiện ma túy, xét nghiệm, điều trị đối với người nhiễm bệnh... cho người “có H” và nhiều đối tượng khác. Điều này đã góp phần đưa tỷ lệ người nhiễm HIV mới ở Hải Phòng có chiều hướng giảm dần. Theo thống kê của thành phố này, năm 2010, số ca nhiễm mới phát hiện giảm tới 60 - 70% so với giai đoạn 2002 - 2006.

Việc kiểm soát sự lây nhiễm HIV tiếp tục là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong 10 năm tới. Bởi, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn còn nguy cơ lan rộng trong cộng đồng và mỗi năm vẫn phát hiện thêm hơn 10.000 người nhiễm HIV.

Tăng điều trị dự phòng lây nhiễm mẹ - con

Việc mở rộng chăm sóc, điều trị, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (dự phòng lây nhiễm mẹ- con) thời gian qua đã được đặc biệt quan tâm và triển khai rộng, toàn diện. Tính đến hết quý III/2011, cả nước có 226 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, có 1.113 phụ nữ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, có 1.217 trẻ được điều trị dự phòng lây truyền HIV. Điều này đã góp phần giảm đáng kể số trẻ nhiễm HIV được sinh ra từ các bà mẹ mang thai nhiễm HIV.

Dự thảo Chương trình “Hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2011- 2015” đang được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2015, tất cả phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều được điều trị với thuốc ARV miễn phí theo Luật Bảo hiểm y tế, được chăm sóc điều trị các bệnh có liên quan và tư vấn thích hợp.

Theo ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, phấn đấu tới năm 2015, những phụ nữ nhiễm HIV tại nước ta sẽ được can thiệp để sinh ra những đứa trẻ không bị nhiễm HIV. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Bởi, kỳ thị và phân biệt đối xử khiến cho người nhiễm không dám công khai tình trạng bệnh của mình, không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS... Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền vận động và tác động tới các đối tượng có nguy cơ cao để giảm thiểu số người mới nhiễm HIV (ví dụ, đối với những đối tượng là người nghiện ma túy và gái bán dâm, cần tăng cường tuyên truyền và phát bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí). Với những phụ nữ nhiễm HIV mang thai, cần được cho uống thuốc điều trị và khi sinh con phải chăm sóc tập trung để theo dõi chặt chẽ, có những can thiệp kịp thời...

Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là công tác quản lý phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Theo ông Nguyễn Văn Huy, đại diện nhóm chuyên gia giám sát đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 54 tại 5 tỉnh, thành phố (Nghệ An, Hải Phòng, Điện Biên, An Giang và TP Hồ Chí Minh), việc quản lý này hiện chưa có sự phối hợp giữa các tuyến, việc chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV và trẻ có bố mẹ nhiễm HIV còn chưa được thống kê đầy đủ, thường xuyên.

Mạnh Minh